Thất nghiệp, cầu thủ trẻ suýt thành trai bao

Trọng Lĩnh |

(Soha.vn) - Trong cơn khốn khó của bóng đá Việt là biết bao những số phận cầu thủ, mà khổ nhất là những cầu thủ trẻ chưa biết “mùi” chuyển nhượng là gì.

Chưa bao giờ, bóng đá Việt lại khốn khó như hiện nay. Thời, các ông bầu đổ tiền vào bóng đá thì nó chẳng khác gì một “thiên đường” biệt lập với xã hội, mà ở đó, mỗi trận đấu là mỗi trận chiến tiền tỉ, và mỗi cầu thủ chạy trên sân là những “cục tiền to” di động, đôi chân họ trị giá cả tỉ đồng, và sân cỏ “rải thảm” tiền, dù những đồng tiền ấy, người ta không nhìn thấy được.

Khi đó, mỗi cầu thủ tập bóng đá trẻ, đi theo con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, đều mơ đến một ngày, mình kí được một hợp đồng chuyên nghiệp, với số tiền lót tay cao, và chỉ sau một chữ kí vào một bản hợp đồng, là họ đã có thể trở thành tỉ phú.

Nhưng trong tình cảnh khó khăn hiện nay, đếm sơ sơ thì từ giải Vô địch QG V-League đến giải hạng Nhất QG, có tới 7-8 đội bóng giải thể. Đi kèm con số ấy là hàng trăm cầu thủ bỗng dưng ra đường thất nghiệp.

Những cầu thủ trẻ vẫn đang ngày ngày luyện tập miệt mài (ảnh minh họa)

Theo học bóng đá, học hành dang dở, trình độ chuyên môn, nghề nghiệp chẳng có ngoài đôi chân biết đá bóng, cầu thủ biết làm gì? 

Những cầu thủ trẻ theo tập bóng đá ở những đội trẻ với mức lương bèo bọt, thậm chí chẳng có lương mà chỉ được nuôi ăn, chưa một lần được kí hợp đồng, chưa một lần nhận tiền lót tay cao, bỗng dưng bơ vơ, đi vào ngõ cụt, khi không thể “kiếm việc làm”, không có đội bóng nào để mà đầu quân, họ sẽ ra sao.

Mơ thành ngôi sao bóng đá

Câu chuyện dưới đây là một câu chuyện thật, về một cầu thủ theo tập bóng đá trẻ của một đội bóng tại Hà Nội. Từ một cầu thủ bóng đá, suýt chút nữa, em đã thành…trai bao.

Tôi gặp Dũng lần đầu cách đây vài năm ở một sân bóng mini cỏ nhân tạo, thường hay gọi là sân phủi. Mỗi đội bóng phủi khi ra sân thi đấu đều có “đối tác”, và đội của tôi hôm đó đá cùng đội đối tác của một người bạn. Thỉnh thoảng các đội bóng phủi vẫn có vài “cầu thủ lạ”, cũng đều là anh em bạn bè đến đá cùng cho vui.

Hiệp 1, đội bóng của tôi, vốn có vài “dân phủi”, “cầu thủ nghiệp dư” hạng khá dẫn trước 3-0. Hiệp 2, đối tác xuất hiện một cầu thủ trẻ, người dong dỏng cao, gầy nhưng trông rất thanh thoát, nhanh nhẹn, thấy ông bạn bảo “ thiếu người, thằng cu em đi đá cùng cho vui ấy mà”. 

Một mình cái “thằng cu em” mặt non choẹt ấy tả xung hữu đột, đi bóng như chỗ không người, chuyền bóng vun vút, sút bóng ầm ầm. 

(ảnh minh họa)

Kết quả chung cuộc, chỉ sau 1 hiệp đấu có cái thằng cu em ấy, đội bạn đảo ngược tình thế, thắng lại 5-3 dễ như trở bàn tay. Thủ môn đội tôi hôm đó cứ kêu đau cổ tay, sau khi cố ngăn chặn 1 cú sút của thằng cu em này. 

Tôi nhớ mãi 1 bàn thắng của Dũng, đi bóng bên cánh vượt qua 3 người, tung cú sút mà mọi người trên sân nói rằng “không nhìn thấy bóng đâu”. 

Hết trận, anh em ngồi uống nước giao lưu, thì mới biết, nói như dân phủi hay nói là “có ăn tập có khác”, Dũng đang tập bóng ở 1 đội bóng U16 ở Hà Nội.

Biết tôi là phóng viên thể thao, Dũng cười tươi bắt chuyện: “Hôm nào anh xuống khu Mỹ Đình xem bọn em đá nhé, chụp em cái ảnh em đang đá, bọn em chuẩn bị đi đá giải U16 QG. 

Cố gắng đá tốt, sau này lên đội lớn, được đá V-League, thì anh viết cho em 1 bài chân dung em nhé. Đi đá cứ gọi em, ra đá cùng cho vui, thỉnh thoảng em cũng hay xỏ giày đi chơi phủi.” 

Giống như bao nhiêu cầu thủ trẻ khác, Dũng cũng mơ 1 ngày được thành cầu thủ chuyên nghiệp, kí được 1 hợp đồng lót tay cao. Khi chưa thành sao, thì bao giờ cầu thủ trẻ cũng thân thiện, dễ gần, rất trong sáng.

Vài lần sau đó, khi lang thanh dưới mấy sân bóng ở những khu đào tạo bóng đá trẻ quanh khu vực sân Mỹ Đình, tôi cũng hay gặp Dũng. 

Những giọt mồ hôi đổ xuống trên sân cỏ, bất kể nắng mưa, ngày ngày cứ ăn xong là chỉ biết có 2 buổi tập trên sân bóng, mơ đến một ngày, thành cầu thủ chuyên nghiệp thực sự. 

Dũng chỉ có một con đường ấy, bởi tôi biết, gia đình em cũng chẳng mấy khá giả, không như nhiều cậu bạn khác, đi đá bóng cho vui. Cùng với Dũng, tôi còn quen thêm một cậu bạn của em, cũng đang là cầu thủ trẻ.

Đùng một cái, đội bóng giải tán, tuyến trẻ cũng giải tán luôn, và bẵng đi một thời gian, tôi không còn gặp Dũng nữa.

Và suýt thành…trai bao

Cho đến một lần, rất tình cờ và bất ngờ, thì tôi gặp lại Dũng. Âý là khi tôi có việc, phải đến một văn phòng một công ty đặt trong một tòa nhà cao ốc. 

Lúc ra về, bất ngờ thấy một thanh niên trẻ gọi giật lại: “Anh ơi”. Và khi tôi tiến lại, thì hóa ra đó là Dũng. Dũng có vẻ ngại ngần, và rụt rè, khi tôi hỏi về bóng đá.

Dũng bảo: “Đội em giải tán rồi anh ơi. Bọn em ra đường hết. Em cũng có liên lạc vài đội xin thử việc, nhưng giờ khó khăn, trình em thì chẳng cao. Lang thang vạ vật mãi, chẳng đến đâu, em và thằng bạn xin đi học vệ sĩ, rồi giờ làm bảo vệ ở đây anh ạ.”

Chẳng hiểu vui miệng thế nào, mà anh giám đốc cái công ty mà tôi đến có nói đến nhân vật nữ giám đốc cái công ty thuê văn phòng cùng tầng cơ quan anh. “Con mụ này dở người lắm, già rồi, bỏ chồng, chả hiểu quan hệ thế nào, toàn đi cò mồi dự án thôi chứ làm ăn gì, thế mà lại nhiều tiền. Mà mụ già khát tình này toàn có sở thích “chơi” trai trẻ…”. 

Anh bạn nói vậy, chuyện phiếm, nên tôi cũng chẳng để ý làm gì, cho đến lúc biết, chính Dũng và cậu bạn đang đóng vai trò “bảo vệ” ở cái công ty này, cho cái bà giám đốc này.

Vừa trao đổi được mấy câu, Dũng xin phép, vì “giờ em phải đưa giám đốc đi có việc.” Bà giám đốc bước ra, thế nào cũng vui miệng đứng nói chuyện với tôi vài câu. 

Qúa sức tưởng tượng của tôi, bà ấy quá già, mặt bự phấn, nói năng điệu đà kiểu “cố hồi teen” và chỉ rặt khoe khoang mình lắm tiền, quan hệ rộng.

Nhiều cầu thủ trẻ lỡ bước vì thất nghiệp (ảnh minh họa)

Cậu bạn cho tôi biết công việc chính của Dũng: “Em chả rõ công ty này thế nào, thuê 1 văn phòng nhỏ, có đúng 2 nhân viên, nhưng thuê đến 2 vệ sĩ kiêm bảo vệ là em với thằng Dũng. Bà này đồng bóng lắm, nhưng vì lương cao nên em với nó cũng làm. Bà ấy kết thằng Dũng lắm anh ơi, kết vẻ đẹp trai, lại khỏe mạnh của nó.

Bà ấy cứ hay gọi thằng Dũng vào phòng lúc muộn giờ, nói rằng có công chuyện, rồi thì bắt nó tháp tùng đi đến chỗ này chỗ nọ. Em nói thằng với anh nhé, bà này khát tình, đang gạ nó thành bồ nhí, trai bao của bà ấy. 

Bà ấy chả thay đến vài thằng rồi, bọn em biết hết. Dính phải bà này, thì chỉ có mà…teo người anh ạ. Nhưng mà tiền bà ấy chả thiếu. Em cũng chưa biết thằng Dũng định thế nào….” Tôi nghe, mà tự nhiên thấy buồn.

Vài tuần sau, thấy Dũng nhắn tin: “Anh qua quán em chơi nhé”, và cho địa chỉ quán. Rảnh việc, tôi ghé qua. Dũng bảo nói là “quán em” cho oai, chứ thực ra em với thằng bạn giờ làm bưng bê, chạy bàn, trông xe ở đó. 

Dũng bảo, công việc tay chân, cũng không vất vả lắm nhưng phải chạy cả ngày, thu nhập thì ít, nhưng “biết làm gì đâu anh ơi”.

Nhắc lại chuyện cũ, khi ấy Dũng mới dám kể thật: “Làm được 2 tuần, bà ấy bảo em đi cùng trong 1 chuyến công tác xa, rồi thuê 2 phòng nghỉ của em và bà ấy ở cạnh nhau. Tối đến, bà ấy gọi em sang, gạ gẫm, trước đấy bà ấy cũng gạ gẫm em nhiều rồi. 

Rồi thấy em ngại ngùng, bà ấy nói thẳng, phục vụ bà ấy thì sẽ có tiền. Em cũng định nhắm mắt đưa thân rồi anh ạ, sau tự nhiên nghĩ lại, mình đàn ông con trai, trẻ, có sức vóc, tiền thì em cũng cần để sống đây anh ạ, nhưng làm thằng trai bao, làm cái thằng…cave đực thì nhục lắm. 

Em từ chối thẳng thừng, và hôm sau, 2 thằng rời công việc bảo vệ cho bà ấy luôn. Lương tháng còn bị quỵt, vì bọn em nghỉ việc mà.”

Khi nào bọn anh đá phủi, lại gọi em nhé, lâu em không đá, cũng nhớ quả bóng, nhớ sân cỏ quá…”, Dũng nói, ánh mắt đượm buồn. Giấc mơ sân cỏ không thành, suýt chút nữa Dũng thành thằng trai bao. 

Từ cầu thủ trẻ tiềm năng, giờ đây tạm phải kiếm sống mưu sinh bằng chân pha chế, chạy bàn quán café, nghĩ mà cũng buồn. Bóng đá thời “bom đã xịt”, thì có biết bao số phận cầu thủ phải long đong.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại