Thành Lương là trụ cột của HN.ACB, là chiếc phao cứu sinh giúp đội bóng Thủ đô hồi xuân ở mùa giải này. Trên phương diện ĐT Việt Nam, Lương “dị” là con bài chiến thuật quan trọng từ thời Henrique Calisto đến Falko Goetz. Nhưng ở trận đấu với TĐCS.ĐT vừa rồi, “linh hồn” của HN.ACB lại không được sử dụng, mà như bản thân cầu thủ này và HLV Mauricio Luis thừa nhận, “vì đau cổ chân nhẹ nên không dám mạo hiểm vào sân”.
Tài năng của Thành Lương và Bửu Ngọc có thể sẽ còn phát triển hơn nữa nếu như họ có cơ hội phát triển tốt hơn. Ảnh: VSI-Quang Nhựt
Có nghĩa, chỉ vì vai trò quá quan trọng của Thành Lương với đội bóng, nên họ không dám mạo hiểm khi giải đấu đã bước vào giai đoạn sống còn. Trong trận đấu với B.BD ở vòng 7, Lương “dị” cũng bị cất ngoài sân, lúc đó các CĐV “ruột” của HN.ACB râm ran rằng giữa HLV Luis và Lương có mâu thuẫn nên không được dùng. Nhưng khi HN.ACB đã vào thế cùng, Lương “dị” được tung vào sân và lập công đầu giúp chủ nhà có 2 bàn thắng.
Nhưng đó là chuyện trên sân nhà chứ không phải như đi sân khách. Ai cũng biết, HN.ACB chỉ “khôn nhà dại chợ”, và công thức này đã hình thành như định nghĩa “HN.ACB đánh đâu thua đó” ăn sâu luôn vào tiềm thức của toàn đội bóng. Nhìn các đồng đội bị TĐCS.ĐT quần cho tơi tả hôm rồi mà chỉ biết bất lực, Lương “dị” không khỏi lắc đầu ngao ngán.
Biết sao được, cũng đành cam phận vậy. HN.ACB chỉ trông chờ vào cái kèo trái của Thành Lương, mỗi khi tiền vệ này hắt hơi sổ mũi, tai họa lập tức có thể sẽ đến với HN.ACB. Nhưng chỉ sống bằng cách trông chờ sự tỏa sáng của một cá nhân để gánh cả một tập thể thì CĐV Thủ đô cũng đang rất ái ngại với câu hỏi, không biết tài năng của một cánh én nhỏ đó có gánh nổi cả đoàn tàu đang trì trệ thoát khỏi khỏi vực sâu hay không?
Khi Thành Lương phải ngồi ngoài trận đấu hôm rồi thì Bửu Ngọc, người “đàn em” bên kia chiến tuyến, lại có dịp để thể hiện tài năng trong khung gỗ. Phải chờ đến khi thủ thành số một Tấn Trường dính chấn thương, Bửu Ngọc mới được trao cơ hội bắt chính, dù những phẩm chất của Ngọc đã được phát hiện cách đây một năm trong màu áo U19 Việt Nam.
Trong một đội bóng có tiếng khó nghèo đeo bám như TĐCS.ĐT, không có HLV thủ môn, 3 thủ môn cùng tập cho nhau mà tiến bộ như thế, hẳn lòng quyết tâm phải có thừa. Hơn nữa, để có được vị trí đó, Ngọc phải qua mặt người đàn anh giàu kinh nghiệm Văn Bước. Lần thứ 2 được trao cơ hội, Bửu Ngọc luôn biết cách thể hiện giá trị bản thân, khi anh đã có không dưới 2 pha cứu thua xuất thần trong thế bị khuất tầm nhìn trước những cú sút xa như búa bổ của Machuca và Ngalaha.
Thể hình cao to, phán đoán vị trí, đổ người nhanh, “chém” bóng có lực và chuẩn xác không kém gì đàn anh Tấn Trường, TĐCS.ĐT đang sở hữu một viên ngọc quý như cái biệt danh của cầu thủ này. Chuyên môn của Bửu Ngọc hoàn toàn đủ sức đứng trong hàng ngũ của nhiều đội bóng ở V-League. Với sức trẻ cùng nhiệt huyết, một vị trí trong đội hình tham dự SEA Games sắp tới hoàn toàn rộng mở với đứa con của xứ bưng biền.
Những ngày gần đây rộ lên tin đồn về sự ra đi của hơn nửa đội hình TĐCS.ĐT, kể cả thủ thành Tấn Trường. Nếu đó là sự thật thì riêng ở vị trí một nửa đội hình, TĐCS.ĐT cũng không phải quá lo lắng. Bấy giờ, có khi nhiều CĐV xứ Tràm Chim lại tặc lưỡi tiếc cho tài năng của Ngọc phát tiết sớm quá, để rồi phải bị che lấp bởi cái bóng hùng vĩ của Tấn Trường.
2 môi trường khác nhau làm nên tài năng của 2 cái tên vừa nhắc, nhưng khi tinh túy của mỗi người phát lộ ra thì cũng chính môi trường đó vô tình lại là cái vỏ ốc chật chội để kìm nén khả năng vươn cao hơn nữa của họ. Bóng đá vì thế mà khắc nghiệt thật!
Theo Thể Thao Văn Hóa