Ở đâu cũng vậy, việc chọn ra thủ môn giống như xây nền móng cho một căn nhà. Nếu không có “người gác đền” đáng tin chẳng đội bóng nào dám nghĩ đến chuyện tiến xa.
Là người đã trải qua hàng trăm trận đấu ở nhiều đội bóng, HLV Miura tất nhiên hiểu rõ điều đó. Nhưng từ U23 đến ĐTQG, chiến lược gia người Nhật phải loay hoay chọn thủ môn.
Trong các kế hoạch trong tương lai, HLV Miura cũng vẫn để ngỏ vị trí này.
Nguồn thủ môn ở V-League và ở giải Hạng nhất không hề thiếu. Những “người gác đền” cũng đã trải qua nhiều giải đấu và tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
Chiều cao của thủ môn Việt Nam cũng đã được tăng cường đáng kể, chẳng còn quá lo ngại những “gã khổng lồ” nữa.
Vậy mà cuối cùng người được chọn bắt chính tại AFF Cup 2014 là Nguyên Mạnh lại phạm phải những sai lầm rất sơ đẳng.
ĐT Việt Nam giống như một dũng sĩ kiếm sắc nhưng khiên vỡ, thất bại cay đắng.
Nguyên Mạnh bắt không ổn định tại AFF Cup 2014
Câu hỏi đặt ra là do nền bóng đá nước nhà thiếu vắng những thủ môn giỏi hay vì cách thức lựa chọn của HLV Miura chưa chuẩn xác?
Có lẽ nguyên nhân đến từ cả hai.
Nguồn thủ môn dồi dào tuy nhiên người tỏ ra thực sự đáng tin cậy trong khung gỗ là không nhiều.
Thật khó để nói trong những cái tên như Bửu Ngọc, Thanh Bình, Tô Vĩnh Lợi, Tấn Trường, Dương Hồng Sơn,… ai vượt trội hơn Nguyên Mạnh.
Nhưng đâu chỉ ông Miura mà các đời HLV trước của ĐT Việt Nam cũng từng phải vắt óc cho vị trí “người gác đền”.
Vậy nên trong những sai lầm của thủ thành bắt chính tại AFF Cup, chiến lược gia người Nhật có một phần lỗi.
Trên thực tế, chuyện các thủ môn Việt Nam dính “phốt” không quá lạ lẫm. Sử dụng ai thì cũng tiềm ẩn rủi ro nhất định.
Để giảm thiểu điều đó, HLV Miura nên tham khảo cách làm của Calisto năm 2008: Chọn một thủ môn thật lì lợm.
Dương Hồng Sơn năm đó sở hữu chiều cao khiêm tốn và đôi khi vẫn phạm phải sai lầm.
Tuy nhiên thủ thành này luôn giữ được bình tĩnh, đến mức có thể dùng ngực đỡ bóng để câu giờ khiến Singapore “phát điên”.
Pha bóng thể hiện độ "quái" của Dương Hồng Sơn:
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
Bản lĩnh của Hồng Sơn giúp đồng đội vững tin, đó là chìa khóa chiến thắng.
Còn Nguyên Mạnh tại AFF Cup vừa rồi chơi cực lăn xả nhưng đôi khi lại tỏ ra thiếu vững vàng. Khiến đồng đội không thực sự an tâm.
Sự khác biệt Hồng Sơn - Nguyên Mạnh là một trong các yếu tố có thể lí giải thành tích của ĐT Việt Nam năm 2008 và 2014.
Ở các giải đấu sắp tới như SEA Games, áp lực thành công chắc chắn sẽ tăng lên, HLV Miura không có nhiều cơ hội sửa sai.
Hi vọng từ gợi ý của thời Calisto, chiến lược gia người Nhật sẽ tìm được “chiếc khiên” tốt nhất cho những cuộc chinh phục vào năm tới.