Tại sao VFF không nên sa thải Miura?

Tùng Lâm |

Một số người hâm mộ và thậm chí cả các chuyên gia đã đề cập đến chuyện LĐBĐ Việt Nam (VFF) nên cắt hợp đồng với HLV Miura. Nhưng cách nghĩ như vậy liệu có quá vội vàng, khi nhà cầm quân người Nhật này đã mang tới nhiều điểm tích cực cho bóng đá nước nhà?

Cách đây ít ngày, khi chứng kiến U23 Việt Nam thua U23 Thái Lan 1-3 ở vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games 28 và rồi lại thua tiếp U23 Myanmar 1-2 tại bán kết, người hâm mộ Việt Nam rất thất vọng.

Một vài ý kiến cho rằng, HLV Miura không có bản lĩnh trong những trận cầu then chốt, mang tính “sống còn”, rồi thì đổ lỗi cho ông xoay tua đội hình quá nhiều, khiến các cầu thủ không có sự gắn kết cần thiết.

Họ yêu cầu LĐBĐ Việt Nam (VFF) sa thải ông.

Đồng quan điểm là HLV Lê Thụy Hải, người từng có nhiều năm gắn bó với bóng đá Việt Nam. Theo cựu chiến lược gia của B.Bình Dương thì HLV Miura không còn phù hợp với đội tuyển nào của Việt Nam cả.

“Nếu ông Miura cứ sắp xếp cầu thủ theo kiểu anh nọ ra chỗ của anh kia như bây giờ thì nền bóng đá Việt Nam mình sẽ còn đi xuống nữa.

Cầu thủ Việt Nam mình không thể đá được nhiều vị trí như vậy. Cách sắp xếp này khiến không có cầu thủ nào tin mình được đá chính và vì thế, họ buộc phải nỗ lực, đó là cái được duy nhất của ông ấy.

Nhưng nó lại khiến các cầu thủ mất cảm giác vị trí. Tôi nghĩ ông ấy nên chủ động xin nghỉ, chứ nếu tiếp tục thì sẽ không mang lại kết quả gì cả”, HLV Lê Thụy Hải trả lời trên tờ Thể thao & Văn hóa.

Lời của HLV Lê Thụy Hải cũng có những lý đúng, nhưng nói đi cũng phải nói lại. Về mặt thành tích, đúng là HLV Miura chưa mang tới nhiều cải thiện cho bóng đá Việt Nam.

Thế nhưng ông đã và đang để lại những dấu ấn tích cực, đặc biệt về vấn đề thể lực, rồi phát hiện và phát triển nhân tài, cho đến xây dựng ý thức kỷ luật và tinh thần đoàn kết ở đội...

Trước đây, các cầu thủ Việt Nam thường có xu hướng xuống sức ở 20 phút cuối, đặc biệt là khi gặp phải những đối thủ có trình độ nhỉnh hơn.

Nhưng dưới triều đại của Miura, mọi thứ đã được cải thiện theo hướng tích cực. Các đội tuyển Việt Nam thường đứng vững về thể lực và ghi nhiều bàn thắng trong khoảng thời gian cuối trận.

Cũng dưới bàn tay Miura, rất nhiều tài năng của bóng đá Việt Nam đã có cơ hội trình làng và để lại dấu ấn trong thời gian qua, có thể kể ra trường hợp của Huy Toàn, Huy Hùng, Mạnh Hùng, Thanh Bình, Hữu Dũng, Hoàng Thịnh, Huỳnh Tấn Tài...

Hơn hết, khi bước vào chung một đội, họ luôn cho thấy ý thức kỷ luật, tinh thần cầu tiến và rất đoàn kết với nhau. Không có tình trạng phe cánh, cô lập lẫn nhau và đây cũng chính là điều khiến người hâm mộ cảm thấy tin tưởng.

Ngoài ra, Miura còn cho thấy ông là một bậc thầy về tâm lý. Rất nhiều hành động tưởng như đơn giản của ông, nhưng lại mang tới hiệu quả ngoài mong muốn.

Trước trận đấu được cho là rất quan trọng với Indonesia ở vòng mở màn AFF Suzuki Cup 2014, ông thầy người Nhật đã dũng cảm để đưa cả đội trưởng Tấn Tài lẫn đội phó Công Vinh lên băng ghế dự bị.

Hành động này như chạm vào lòng tự ái của CV9 và như tất cả đã thấy, những trận sau đó, khi có mặt trên sân, tiền đạo người Nghệ An đã thi đấu bùng nổ để mang về rất nhiều bàn thắng cho ĐT Việt Nam.

Hay như ở trận tranh HCĐ với U23 Indonesia, thay vì kêu gào tất cả quên đi thất bại trước U23 Myanmar hay lao đầu vào tập luyện, ông lại cho các học trò xả hơi, đồng thời chỉ nói ngắn gọn rằng, các cầu thủ cần phải bước ra sân với trách nhiệm quốc gia.

Rốt cục các cầu thủ U23 Việt Nam đã có trận cuối tuyệt vời khi vượt qua U23 Indonesia với tỷ số 5-0...

Còn về chuyện HLV Miura lần lượt cùng ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam dừng bước ở những trận bán kết, tất cả cũng có những nguyên do của nó.

Trong một trận đấu mà bạn chơi hay hơn, dồn ép đối phương, nhưng lại thua chung cuộc, vấn đề sẽ không còn là ở khía cạnh chuyên môn đơn thuần, mà còn dựa vào sự may mắn hay xuất thần của cá nhân nào đó.

Trong trận lượt về bán kết AFF Cup 2014 giữa ĐT Việt Nam và Malaysia trên sân Mỹ Đình, đối phương chỉ có 4-5 cơ hội và ghi 4 bàn thắng.

Những bàn thắng đến một cách lãng nhách, nào là sai lầm của hàng thủ, sự không hiểu nhau giữa thủ môn và trung vệ, rồi tình huống dùng người cản pha tạt bóng khiến trái bóng chệch hướng đi vào lưới của trung vệ Tiến Thành...

Tất cả diễn ra như thể có một sự sắp đặt trước và đội bóng áo đỏ không thể không thua.

Trước U23 Myanmar, mọi chuyện cũng diễn ra tương tự. Đối phương chỉ có 2 tình huống dứt điểm nguy hiểm và nó đều được chuyển hóa thành bàn thắng. Ngược lại, U23 Việt Nam có tới 27 cú sút nhưng chỉ một lần thắng được Kyaw Zin Phyo.

Cũng phải nói thêm rằng, thủ thành Kyaw Zin Phyo đã có một trận đấu quá xuất sắc, khiến những cây săn bàn có hạng của chúng ta như Mạc Hồng Quân hay Công Phượng phải lắc đầu ngán ngẩm.

Từ Kyaw Zin Phyo, lại liên tưởng tới trường hợp của thủ thành Izwan Mahbud.

Trong trận đấu giữa Singapore và Nhật Bản tại vòng loại World Cup 2018 mới đây, Izwan Mahbud đã cản phá thành công hơn 30 cú dứt điểm của các chân sút chủ nhà, giúp đội khách tới từ quốc đảo Sư tử tạo nên địa chấn bằng trận hòa 0-0.

Không CĐV Nhật nào nói HLV Halilhodzic kém tài hay những Kagawa, Honda, Okazaki... “quá cùn”, mà họ chỉ thán phục Mahbud.

Trong một ngày đẹp trời, Mahbud một mình gách cả ĐT Singapore và trong bối cảnh ấy, một người giàu kinh nghiệm như Halilhodzic, từng chinh chiến khắp trời Âu, cũng đành cúi đầu bất lực mà thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại