Tài chính Man United hậu Sir Alex

Trong suốt 27 năm dẫn dắt đội bóng Man United, Sir Alex Ferguson đã chứng kiến nhiều cơn "địa chấn" tài chính tại CLB chủ nhà sân Old Trafford. Sự ra đi của ông có ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính của Quỷ đỏ?

Man United thuộc sở hữu của gia đình Edwards những năm 1980-1990. Năm 1991 các doanh nhân người Ireland JP McManus và John Magnier nhảy vào đầu tư. Và đến năm 2005, gia đình Glazers thâu tóm CLB này. Sự ra đi của Ferguson dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến sức mạnh của Quỷ đỏ, nhưng có người tin rằng người kế vị ông có thể mang lại một nền tài chính khỏe mạnh hơn cho CLB.

Thương vụ với gia đình Glazer cách nay 8 năm đã khiến công ty mẹ của CLB ngập trong nợ, lên đến 716,5 triệu bảng vào năm 2009. Các tổ chức fan hâm mộ, như Manchester United Supporters Trust, từng phát động chiến dịch xanh và vàng để trục xuất nhà Glazer, đã nổi giận khi hàng triệu bảng phải chi cho việc trả cổ tức hàng năm, thay vì dùng để đầu tư cho cầu thủ.


	Sir Alex từng mang về nhiều thành công cho Man United

Sir Alex từng mang về nhiều thành công cho Man United

Tuy nhiên, kể từ đó nhà Glazer đã cố gắng giảm bớt mức nợ, với việc huy động 500 triệu bảng thông qua phát hành trái phiếu năm 2010, niêm yết 10% cổ phiếu lên sàn New York để huy động 150 triệu bảng. Khoảng 1/2 số tiền huy động được đã dùng để trả nợ.

Dù trải qua nhiều năm lên bờ xuống ruộng, trong tuyên bố chia tay, Sir Alex vẫn ca ngợi nhà Glazer vì những hỗ trợ tài chính của họ đối với CLB. Theo Dan Jones, giám đốc bộ phận kinh doanh thể thao của Deloitte, dưới sự dẫn dắt của Ferguson, Man United đã vươn lên trở thành một trong những thương hiệu bóng đá lớn nhất thế giới, là CLB bóng đá có doanh thu lớn nhất Anh.

Điều này cho thấy kế hoạch kinh doanh của nhà Glazer đang tỏ ra có hiệu quả. "Điểm mấu chốt là họ đã có đòn bẩy cao, nợ giảm dần và các khoản thanh toán hàng năm cũng đang trở nên thấp hơn. Doanh thu thương mại gần đây liên tục tăng nhờ những chiến lược phân loại đối tác thương mại, tìm kiếm thêm nhà tài trợ ở các nước và tại những thị trường khác nhau" - theo Harry Philp, chuyên gia tài chính bóng đá của Portland Advisors.

Trong báo cáo doanh thu được công bố tuần trước, CLB có hơn 650 triệu fan hâm mộ cho biết đã ký thêm được 3 thỏa thuận mới với Công ty Gloops của Nhật Bản, công ty dịch vụ tài chính Đan Mạch Ekspress Bank và Ngân hàng BIDV ở Việt Nam.

Như vậy, đến nay CLB đã có 33 nhà tài trợ khắp thế giới. Vào quý III-2012, CLB đạt doanh số kỷ lục 91,7 triệu bảng, trong đó nguồn thu lớn nhất từ những thỏa thuận tài trợ trong giải Champions League. Doanh số thương mại trong quý III-2012 đã tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Các thỏa thuận tài trợ mang về cho CLB 21 triệu bảng, tăng 52%, trong khi doanh thu từ bán vé, sản phẩm lưu niệm và các dịch vụ cho thiết bị di động cũng tăng. Cục nợ của CLB nay đã giảm xuống còn 367 triệu bảng. Và năm 2013 này thỏa thuận truyền hình mới về giải Premier League trị giá 3 tỷ bảng sẽ góp thêm vào thành công của Quỷ đỏ.

Andy Green, người điều hành trang Andersred chuyên theo dõi tình hình tài chính của M.U trong những năm gần đây, cũng có cùng quan điểm: "Sự kết hợp giữa gia tăng mạnh các thỏa thuận truyền hình, doanh thu thương mại (đặc biệt từ các sản phẩm lưu niệm), quy định mới về ứng xử với các CLB khác và việc giảm được gánh nợ có nghĩa M.U sẽ tiến vào giai đoạn tài chính mới tươi sáng hơn".

Tuy nhiên, ông Philp cho rằng Man United có nhiều chi phí lớn phải gánh, nên sẽ có thách thức lớn cho người kế nhiệm Sir Alex.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại