Hầu hết các môn thể thao trên thế giới đều đòi hỏi người chơi phải có một kĩ năng thành thục. Chỉ một sai lầm nhỏ nhất cũng sẽ dẫn tới chấn thương của các vận động viên. Tuy nhiên, cũng có những môn thể thao khiến người tham gia rất dễ gặp những chấn thương khủng khiếp. Chúng ta hãy cùng điểm qua các môn thể thao cực kì mạo hiểm này:
Lặn hang:
Môn "lặn hang" này thoạt đầu khá giống với lặn biển thông thường. Tuy nhiên, vấn đề là bạn sẽ phải lặn sâu xuống những ngóc ngách, hang hốc ở dưới đáy biển và sau đó là quay ngược 180 độ để trở ra theo đường đã đi vào chứ không thể bơi thẳng lên trên mặt nước như lặn thông thường. Rất nhiều các ca tử vong đã xuất hiện ở môn "lặn hang" này, phần lớn là do những người thực hiện chuyến hành trình tới các hang động ở dưới đáy biển không có kĩ năng lặn điêu luyện cũng như sự thiếu thốn về mặt trang thiết bị.
Hiện tại, không có nhiều thông tin chính xác về các ca tử vong trong môn "lặn hang" này, tuy nhiên, người tham gia được khuyến cáo là phải trải qua nhiều khóa đào tạo lặn chuyên nghiệp đồng thời đầu tư đầy đủ trang thiết bị nếu không muốn bỏ mạng dưới đáy biển sâu.
Lướt tàu hỏa:
Môn "lướt tàu" này khá phổ biến ở Nam Phi và Indonesia, nơi có mật độ người dân đi tàu thuộc vào loại đông nhất thế giới. Theo đó, để có được một "chỗ" trên toa tàu vốn đã rất đông, một số người đã leo lên nóc toa tàu, đứng hoặc ngồi sao cho giữ thăng bằng một cách tốt nhất. So với "lặn hang" thì đây được coi là môn thể thao rất dễ đưa người ta đến "cõi vĩnh hằng".
Cụ thể, đã có rất nhiều trường hợp phải trả giá vì "tham gia" vào môn này. Tháng 11/2002, một thanh niên người Anh đã tử vong khi va vào chiếc cầu trong lúc ngồi trên nóc của chiếc tàu hỏa đang di chuyển vào hầm đường bộ. Tháng 12/2003, thiếu niên 15 tuổi người Úc phải nhập viện khẩn cấp với những vết bỏng nặng trên người do tham gia "lướt tàu hỏa" cùng bạn bè và rơi vào buồng cung cấp điện của toa tàu. Cũng có những trường hợp đã trả giá bằng cả tính mạng của mình khi cố gắng leo lên toa tàu đang lăn bánh.
Tuy nhiên, không phải lúc nào con người ta cũng tham gia môn "lướt tàu hỏa" này bằng ý thích. Những người dân ở Indonesia hay Nam Phi thường xuyên ngồi trên nóc hay bám vào cửa tàu hỏa để có chỗ di chuyển. Mặc dù các nhà chức trách Indonesia đã sử dụng một loạt các loại bóng bằng sắt để ngăn chặn tình trạng này nhưng không có tín hiệu lạc quan.
Nhảy dù tự do:
Có 4 địa điểm ưa thích cho các "chuyên gia" nhảy dù tự do. Đó là các tòa nhà cao tầng, cột thu phát sóng truyền hình, công trình cầu cao tốc và các đỉnh núi đá. Phải là một người thật sự ưa mạo hiểm, bạn mới có thể tham gia vào môn thể thao này bởi vì khả năng sống sót là... không cao. Theo đó, cứ 6 người tham gia môn nhảy dù tự do thì có một người tử vong vì va vào núi đá hay các công trình trong thành phố và tỉ lệ nguy hiểm đến tính mạng cao gấp 43 lần so với nhảy dù từ một chiếc máy bay.
Cheerleading (nhảy cổ động):
Theo thống kê từ Mỹ, nước có nhiều đội cổ vũ nhất thì tình trạng chấn thương ở môn này đã tăng gấp 2 lần kể từ năm 1990. Hầu hết những chấn thương nghiêm trọng đều xuất phát từ môn này. Điển hình là trường hợp của Kristi Yamaoka của đại học Nam Illinois khi cô ngã xuống trong khi đang cố gắng xếp thành đội hình tam giác. Kết quả là Yamaoka gãy cột sống, rộp phổi. Ngay lập tức các bác sĩ đã có mặt ở hiện trường để cấp cứu và may mắn cho Yamaoka là cô đã bình phục nhưng chia tay bộ môn nhảy cổ động kể từ thời điểm đó.
Trượt tuyết tự do:
Những người tham gia môn trượt tuyết tự do đều muốn có các pha bay lượn đẹp mắt trên không trung. Tuy nhiện, mối đe dọa lớn nhất cho những người tham gia môn thể thao này là máy bay trực thăng và lở tuyết.
Cưỡi ngựa:
Thoạt nhìn, cưỡi ngựa có vẻ là môn thể thao rất tao nhã và dành cho giới thượng lưu vì những bộ cánh rất sang trọng, bắt mắt. Tuy nhiên, có một thực tế, đua ngựa chính là môn thể thao gây ra nhiều chấn thương vùng đầu nhất cho người chơi. Thêm vào đó, những chấn thương thường gặp trong môn này là việc người cưỡi bị ngựa đá, cắn hoặc dẫm đạp.
Thả diều:
Rất ngạc nhiên khi thả diều bị liệt vào danh sách những môn thể thao nguy hiểm nhất thế giới. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn chính xác khi môn thả diều đặt người chơi đối mặt với những nguy hiểm từ việc bị sét đánh, điện giật hay gặp tai nạn vì thiếu chú ý tới xung quanh. Cụ thể, lễ hội thả diều truyền thống của Pakistan năm 2007 đã chứng kiến 11 người chết và 100 người bị thương. Chính vì thế mà môn thả diều hiện này đã bị cấm ở quốc gia này.