1. “Tượng đài điền kinh” Vũ Bích Hường phải nằm liệt giường
Hơn 20 năm trước tại SEA Games 18 ở Chiang Mai (Thái Lan), hình ảnh VĐV điền kinh Vũ Bích Hường khóc òa trên vai HLV Hoàng An đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của thể thao Việt Nam một thời gian dài.
20 năm sau, số phận đầy bi đát đã lật ngược chị. “Tượng đài điền kinh” năm nào nằm tiều tụy trong 1 góc nhà đấu tranh với bệnh tật.
Cuộc sống sau ánh hào quang của “Nữ hoàng điền kinh” Việt Nam thật sự nghiệt ngã khi bất hạnh liên tiếp ập xuống gia đình chị.
Năm 2004, cậu con trai út Nguyễn Hữu Phú Vinh bị phát hiện sun sóng não và có những biểu hiện bất thường. Phú Vinh thường xuyên bị hoảng loạn kêu gào những lúc trái gió trở trời.
Cùng thời gian ấy chồng chị Hường bị chẩn đoán là ung thư giai đoạn cuối. Chị như ngã quỵ vì kiệt sức và đau đớn.
Căn nhà ở phố Thụy Khuê, chị bán lấy tiền chữa bệnh cho chồng con và cả gia đình thuê một gian trọ nhỏ. Sau khi chồng qua đời, chị lại nén nỗi đau để chữa bệnh cho con.
Tai ương nối tiếp tai ương, Tết năm 2015 trên đường đi làm chị bị tai nạn và phải nằm viện. Hiện tại hoàn cảnh của chị Hường rất khó khăn, bản thân chị cũng đang phải đấu tranh với bệnh tật.
Niềm an ủi duy nhất của Vũ Bích Hường chứng kiến sự trưởng thành của con trai đầu lòng Nguyễn Ngọc Quang.
Ngọc Quang cũng nối nghiệp điền kinh của mẹ, em đã giành được nhiều thành tích ở các giải VĐQG và được đánh giá là gương mặt triển vọng của điền kinh Việt Nam.
2. Đô vật Lê Thị Huệ phải ngồi xe lăn suốt đời
Lê Thị Huệ (sinh năm 1979), từng là VĐV vật số một của tỉnh Thanh Hóa. Năm 2003, Huệ giành HC vàng hạng 55 kg toàn quốc và là hy vọng vàng của vật Việt Nam ở SEA Games 22.
Tháng 5/2003, trong một buổi tập đối kháng chuẩn bị cho SEA Games, Huệ bất ngờ ngã cắm đầu xuống thảm, bị chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm, dập tủy sống dẫn tới liệt tứ chi.
Lê Thị Huệ trở về quê nhà với tấm thân tàn phế trên chiếc xe lăn, chịu đựng nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn. Những ai biết Huệ đều xót xa cho một nữ VĐV bị cướp đi tất cả khi tuổi đời còn quá trẻ.
Từ đó, cuộc sống của Huệ rẽ theo một hướng hoàn toàn khác, đó là cuộc tranh đấu giành giật sự sống. Cuộc đời Huệ gắn với giường bệnh, với những đợt điều trị, phẫu thuật, châm cứu...
Nhưng đối với Huệ, nỗi khổ tinh thần mới đáng sợ hơn khi cô hằng ngày chứng kiến cha mẹ vất vả trong cuộc mưu sinh để lo cho mình.
Sau khi bố của Huệ (là thương binh) qua đời năm 2011, Huệ và mẹ già sống hiu quạnh trong căn nhà cấp 4. Nguồn thu nhập chính của hai mẹ con chính là khoản trợ cấp tai nạn lao động dành cho Huệ nên cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Chỉ đến khi có bài báo viết về hoàn cảnh khó khăn của Huệ vào tháng 5/2013, nói về việc cô gần như bị bỏ rơi sau gần chục năm bị chấn thương, các nhà chức trách, hảo tâm mới quan tâm và nhiệt tình giúp đỡ Huệ.
Cô cũng mới được đi chữa trị tại Bệnh viện Thể thao quốc gia từ tháng 7/2013.
Lê Thị Huệ đã sống bằng nghị lực tuyệt vời như chính sự gan lì trên thảm đấu năm nào. Khổ công của Huệ cũng được đền đáp. Bây giờ, cô có thể tự đi lại trong nhà bằng nạng dù phải đi từng bước cứng nhắc.
3. Hoa khôi đá cầu Huyền Trang vật vã chống chọi với ung thư
Từng giành nhiều huy chương, bằng khen tại các giải thi đấu lớn trong và ngoài nước nhưng khi giải nghệ và lui về cuộc sống đời thường, VĐV đá cầu nổi tiếng một thời, Nguyễn Thị Huyền Trang lại chìm trong đau đớn do căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối gây ra.
Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 1985, Long Biên, Hà Nội) từng là một trong những vận động viên đá cầu xuất sắc trong đội tuyển quốc gia Việt Nam. Nữ VĐV xinh đẹp, tài năng từng giành nhiều HCV khu vực, châu lục và thế giới cho đá cầu Việt Nam.
Tuy nhiên, hoa khôi đá cầu lại gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống riêng tư cùng cơn ác mộng mang tên ung thư giai đoạn cuối.
Cuộc hôn nhân năm 2007 của Huyền Trang nhanh chóng đổ vỡ. 7 năm sau, hoa khôi đá cầu tiếp tục bị số phận trớ trêu đánh gục bằng những cơn đau bệnh tật hiểm nghèo.
Huyền Trang phát hiện mình bị mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối và các khối u hiện đã di căn vào xương. Suy sụp về tinh thần, bệnh ung thư di căn cũng dày vò chị trong những cơn đau đớn thể xác đến gai người.
Chị Trang cho biết, dù đã có bảo hiểm y tế hỗ trợ nhưng số tiền truyền hóa chất và trị xạ đều lên tới cỡ 600.000-700.000 đồng/ngày.
Chị Trang hiện đã giải nghệ và sống dựa vào sự chăm sóc của bố mẹ đẻ (hiện đều đã lớn tuổi) nên hoàn cảnh rất khó khăn.
Vật vã chống chọi với căn bệnh ung thư nhưng hoa khôi đá cầu Huyền Trang vẫn mong quay ngược lại tuổi trẻ để sống trọn với những đam mê cháy bỏng thêm một lần nữa.
4. Số phận long đong của nữ võ sĩ Judo, Nguyễn Thị Như Ý
Như Ý không có một cuộc sống đẹp như cái tên của cô. Nữ VĐV Judo lập gia đình năm 2005, nhưng chồng cô không may mất sớm vì cơn đột quỵ. Đến năm 2011, võ sĩ quê Đồng Tháp đi bước nữa với một người cùng quê.
Tưởng chừng cô sẽ có hạnh phúc trọn vẹn, khi quyết định rút khỏi đội tuyển quốc gia để chuyên tâm đi học và lo cho gia đình. Tuy nhiên, người chồng thứ hai của cô lại ham mê cờ bạc, rồi vướng vào vòng lao lý sau một lần gây thương tích cho người khác.
Vốn gia cảnh đã nghèo, chồng đi tù, mẹ già, con chuẩn bị ra đời, Như Ý gần như lâm vào cảnh bế tắc. Với nghị lực phi thường, cô đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời để tiếp tục trở lại sàn đấu.
Tại SEA Games 28 vừa qua, mặc dù đã 34 tuổi, đã qua thời kỳ đỉnh cao, Nguyễn Thị Như Ý vẫn lên ngôi vô địch Judo hạng cân 78 kg, với động lực chiến thắng từ cuộc sống vất vả.
Judo không chỉ là thể thao đối với võ sĩ 34 tuổi, mà còn là cách để mưu sinh, nuôi sống bản thân và con trai. Cô từng có câu nói chạnh lòng đến mức nổi tiếng là: "Đi thi đấu SEA Games để kiếm HCV, có tiền mua sữa cho con".
5. Các cầu thủ bóng đá nữ vất vả mưu sinh sau khi giải nghệ
Mức lương bèo bọt, không lót tay tiền tỉ, không hợp đồng đắt giá, cuộc sống của các cô gái theo nghiệp quần đùi áo số trở nên vô cùng khó khăn sau khi họ treo giày.
Thủ thành nổi tiếng của bóng đá nữ Việt Nam, Kim Hồng từng phải đi bán bánh mì để kiếm sống.
Cựu tiền vệ Quách Thanh Mai, người từng vô địch SEA Games 22 trên sân nhà cùng ĐT Việt Nam từng đi phụ gia đình sửa chữa xe máy sau khi chia tay bóng đá.
Cựu tiền đạo Bùi Tuyết Mai của đội Hà Nội thì đi bán mỹ phẩm để có thêm thu nhập. Còn rất nhiều tuyển thủ nữ có gia cảnh đặc biệt với cuộc sống mưu sinh đầy nhọc nhằn.
Những câu chuyện về khó khăn của các cầu thủ nữ được nhiều người biết đến nhưng dường như chưa bao giờ, họ được quan tâm như các đồng nghiệp nam.