SEA Games đầu tiên mà đội tuyển Việt Nam sau ngày thống nhất tham dự là SEA Games 16 (năm 1991). Hồi đấy nhiều người còn phát âm sai cả từ “xi-gêm” thành “síp-gêm” và đội tuyển được lập theo dạng mặt trận tức đội tuyển phải cân đôi số người của hai miền và ban huấn luyện cũng thế.
SEA Games đấy bóng đá Việt Nam đi với mục đích hội nhập nhưng chưa hội thì đội tuyển đã bị xào xáo.
Nhóm cầu thủ phía Nam ra Nhổn thấy cô đơn lại chẳng biết ai lo đội tuyển nên dao động và 11 cầu thủ bỏ về. Tổng cục TDTT sau đó chữa cháy bằng cách mời 11 cầu thủ khác lên thay và đưa HLV trưởng mới là Nguyễn Sĩ Hiển (người vừa được VFF mời tham gia vào chức danh cố vấn chuyên môn cho đội U.23 VN dự SEA Games 27 - 2013) lên nắm đội.
Đến giờ ông Hiển vẫn còn tiếc nuối và hay than thở: “Hồi đó đội tuyển mà không có 11 cầu thủ bỏ về thì kiểu gì cũng có huy chương!”.
SEA Games tiếp theo năm 1993 tại Singapore không có chuyện cầu thủ bỏ về nhưng đến lúc thi đấu thì nội bộ tiếp tục xào xáo. Có cầu thủ đá bỏ nhận thẻ đỏ sớm để có thời gian… đi buôn. Còn HLV thì bị cầu thủ chỉ trích là không vì cái chung…
Sang đến SEA Games 1995 tại Chiang Mai thì lần đầu đội tuyển có HLV ngoại và lập tức có HCB. Một SEA Games mà chính HLV Weigang cũng thừa nhận rằng đội tuyển vừa hay lại vừa may khi chủ nhà Thái Lan tính toán và vừa đá vừa đẩy đội Việt Nam vào đến chung kết.
Cứ thế, sân chơi SEA Games với bóng đá Việt Nam trở thành điểm đến hẹn lại lên và người hâm mộ thì SEA Games nào cũng chờ vàng rồi… thất vọng.
Đã bốn lần vào chung kết nhưng lần nào cũng kết thúc bằng HCB. Thế nên lần này tại SEA Games 27, chỉ tiêu vào chung kết của bóng đá Việt Nam không làm người hâm mộ hào hứng vì vào chung kết thì đã có nhiều thế hệ vào rồi.
Trong khi sân chơi SEA Games ngày càng bình thường hóa thì những nhà điều hành bóng đá lại ngày càng trầm trọng hóa với cả một ban bệ chỉ đạo cùng các quan chức phụ trách an ninh lo vòng trong vòng ngoài.
Bản thân các cầu thủ trẻ đi đá giải bây giờ cũng cảm thấy không thoải mái bởi chỉ một đội bóng như bao đội thế mà hết ban này đến bộ phận kia “rào”, “đón” và săm soi nhiều quá.
Nó đã không còn là cuộc chơi nữa mà là chỗ nhất cử nhất động đều có tai mắt.
Thế thì còn gì là game như tên gọi của nó nữa?