Phải nhìn nhận rằng, những nỗ lực của VPF trong việc điều hành giải đấu, để các giải đấu của bóng đá Việt Nam diễn ra trong hoàn cảnh khó khăn trăm bề hiện nay là rất đáng ghi nhận.
Nhiều lãnh đội, HLV đã lo lắng rằng, mùa giải sẽ không thể diễn ra, V-League sẽ đổ vỡ, khi ngay thời điểm này, vẫn có những động thái cho thấy có thể vẫn có nguy cơ nhiều đội bóng bỏ giải: bầu Trường của V Ninh Bình xin từ chức Chủ tịch CLB, bầu Đệ tuyên bố vẫn có thể nghỉ chơi để phản đối cách tổ chức giải.
Bóng đá Việt Nam thì chẳng thể nói trước được điều gì, khi mà 1 đội bóng giàu truyền thống như K Khánh Hòa chỉ “biến mất” trong vòng có chưa đầy 1 tuần.
Rất nhiều những cách tổ chức mùa giải mới đã được VPF đưa ra, đúng theo kiểu “có bao nhiêu chơi bấy nhiêu”, còn bao nhiêu đội để bấy nhiêu đội đá. VPF đã rất nỗ lực, tuy vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao không đưa những ý tưởng này ra bàn thảo thêm thật kĩ lưỡng, rồi mới đi đến thống nhất.
Chỉ một qui định thôi, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường, bởi phải thẳng thắn với nhau rằng, bóng đá của chúng ta đã thực sự chuyên nghiệp đâu.
Những ý tưởng cho mùa giải mới còn phải đệ trình lên Tổng cục Thể dục Thể thao và VFF để thông qua, và rất có thể, những ý tưởng này sẽ không đi vào hiện thực, bởi quá gây tranh cãi.
Thứ nhất, việc không có đội xuống hạng rất dễ biến giải đấu thành một giải giao hữu, dù tiền thưởng cho đội Vô địch có lớn, nhưng đến giữa mùa giải, rất dễ có tính trạng đến 1 nửa số đội bóng tham gia chỉ còn đá bóng…cho vui.
V-League có 12 đội, hạng Nhất có 10 đội. Dù thiếu đội, nhưng hoàn toàn có thể để 1 hoặc 2 đội đúng cuối cùng ở V-League cuối mùa phải xuống hạng, còn ở hạng Nhất, thay vì chỉ đội Vô địch được lên hạng thì cả đội Vô địch lẫn đội hạng Nhì sẽ được lên hạng.
Như vậy, cả tính đua tranh ở giải V-League lẫn giải hạng Nhất đều được giữ nguyên mà thậm chí còn tăng lên. Chạy đua, kẻ đứng cuối cùng phải “chết”, đương nhiên đó mới thực sự mang hình hài một cuộc đua.
Mùa giải 2013 chỉ 1 đội đứng cuối V-League phải xuống hạng (trừ ĐT U22 không chỉ đá 1 năm, không tính lên xuống hạng), còn giải hạng Nhất thì có 2 đội được lên hạng, như vậy con số đội bóng được quyền đá ở V-League 2014 vẫn là con số chẵn (12 đội), và từ mùa 2014 trở đi thì tăng số đội lên để được con số 14 đội như cũ.
Chỉ một cách làm như trên, rõ ràng ổn hơn, tại sao không tính tới, thay vì dùng cách đá mà chẳng đội nào phải lên xuống hạng, rất nhiều bất cập.
Điều thứ 2 gây tranh cãi là việc cho ĐT U22 đá ở V-League. Điểm tích cực là các cầu thủ trẻ sẽ có cơ hội cọ xát, thi đấu tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn, chuẩn bị cho SEA Games 27 diễn ra vào cuối năm 2013 tại Myanmar.
Tuy nhiên, để điều này thành hiện thực thì các CLB sẽ phải hi sinh rất nhiều, nhường quân lên Tuyển. Thực tế đã chỉ rõ, không phải đội bóng nào cũng sẵn sàng làm điều này, mà việc SLNA và SHB Đà Nẵng đều đã từ chối cho cầu thủ lên triệu tập ĐT U22 vừa qua.
Lí do, để cho cầu thủ tập trung chuẩn bị cho mùa giải mới cùng CLB. Ai ngờ đâu, mùa giải mới đến tận tháng 3 năm sau mới diễn ra, và thế là, quyền lợi của các cầu thủ trẻ, những người rất háo hức muốn được khoác lên mình chiếc áo ĐT QG đã bị ảnh hưởng.
Khi ĐT U22 đá V-League, tham gia vào một cuộc đua đường dài, ai sẽ là “ông bầu” cho đội bóng này. VPF hay VFF sẽ lãnh trách nhiệm lo chi phí tham dự giải, lo lương thưởng cho cầu thủ, trong khi đó, theo qui định là mỗi đội bóng tham dự V-League đều phải “chứng minh tài chính” có ngân quĩ khoảng 30 tỷ.
Nếu ĐT U22 được đặc cách, được ngoại lệ, thì vấn đề lương tháng cho cầu thủ cũng không phải đơn giản. Chẳng hạn như trường hợp các cầu thủ đã có chỗ đứng ở đội bóng, đã thường xuyên đá V-League như Danh Ngọc, Mạnh Dũng của V Ninh Bình, Văn Thắng của Thanh Hóa, lương của các cầu thủ này, trả “rẻ” cũng tầm 20 triệu/tháng.
Qũy lương cho 1 đội bóng đá V-League đâu phải đơn giản. Một đội bóng đá ở V-League mỗi năm tốn cả vài chục tỉ đồng, liệu bỏ vài chục tỉ ra để chuẩn bị cho 1 đội bóng để đá SEA Games, thì là nhiều hay ít?
Rất nhiều những vấn đề nữa gây tranh cãi, và quả thực, không cẩn thận thì những sáng kiến của VPF sẽ trở thành tối kiến, và vì thế, khiến giải đấu lại càng thêm thụt lùi.