Phục hồi thể lực bằng phương pháp tắm đá lạnh

Cơ thể con người cũng giống một cỗ máy, cần được nghỉ ngơi, hồi phục sau khi hoạt động, đặc biệt là ở cường độ cao như thi đấu tennis.

“Ngon lành” nhờ đá lạnh

Ở chế độ nghỉ, cơ thể thực hiện quá trình “tự bảo dưỡng” với sự trợ giúp của các dòng máu mang oxy đến các mạch máu và loại bỏ những chất thảo trong quá trình luyện tập (phổ biến nhất là acid lactic). Quá nhiều acid lactic sẽ khiến cơ hoạt động kém và nếu tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài, nó sẽ khiến bạn cảm thấy rã rời, chân bại như đeo chì . . . Vậy làm thế nào để các tay vợt có thể đủ sức vượt qua những trận đấu có khi kéo dài đến vài giờ để rồi cách một ngày lại quần quật trên sân, hết bật, rướn rồi đến những cú đánh chấn động mặt sân ở các giải chuyên nghiệp, như Grand Slam chẳng hạn?

Phục hồi thể lực bằng phương pháp tắm đá lạnh
 

Bí mật của họ chính là tắm nước đá, Janko Tipsarevic, Viktor Troicki, Novak Djokovic, Nicolas Mahut, Stanislas Wawrinka… đều dùng liệu pháp này tại Roland Garros 2013. Người hâm mộ cũng ngỡ Andy Murray sẽ lỡ hẹn với Wimbledon năm nay vì chấn thương lưng. Tuy nhiên, tay vợt này đã kịp bình phục khi nói “lưng của tôi thực sự ‘ngon lành’ cũng nhờ công không nhỏ của các buổi tắm đá lạnh và bài tập phục hồi chức năng”.

Vậy tắm đá lạnh sẽ giúp cơ thể đẩy nhanh tiến trình hồi phục và tránh chấn thương ra sao?

Khi bạn ngâm mình vào nước đá lạnh khoảng 10 phút, nước cực lạnh sẽ khiến các mạch máu co lại và rút máu khỏi chân. Sau 10 phút, chân bạn sẽ tê cóng. Vì thế, khi bạn bước ra khỏi bồn tắm, “dòng máu cùng lượng oxy mới” sẽ tràn ngập trong chân bạn để giúp các tế bào hoạt động tốt hơn. Cùng lúc đó, lượng máu mới chảy vào chân cũng sẽ phải thoát ra nhanh hơn, quét sạch acid lactic hình thành từ việc hoạt động ở cường độ cao và trong thời gian dài.

Hay “tanh bành” vì đá lạnh?

Dù thế nhưng mới đây tạp chí Khoa học thể thao châu Âu đã đặt vấn đề ngờ vực về liệu pháp tắm đá lạnh mà rất nhiều môn thể thao đang ứng dụng. Bên cạnh đó, một nhóm nghiên cứu  của Đại học Portsmouth còn nói liệu pháp này có thể là mối đe dọa đối với sức khỏe con người. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện cuộc thử nghiệm ở 40 VĐV. Số người ngày thực hiện một bài tập xoay trở bằng cách chạy nhanh về một hướng và bất ngờ đổi hướng ngược lại trong 1,5 giờ.

Phục hồi thể lực bằng phương pháp tắm đá lạnh
 

Sau đó, họ được chia thành 4 nhóm (10 người/ nhóm) để vào giai đoạn hồi phục. Một nhóm đứng trong nước lạnh, một nhóm chỉ đi lại nhẹ nhàng trong 12 phút trong khi nhóm cuối ngâm mình vào nước lạnh trong 2 phút. Đo “phong độ” của cơ trước khi tập luyện và vào lúc giải lao trong nhiều ngày sau đó, các khoa học gia nhận thấy không có sự khác biệt giữa các nhóm về mặt nhận thức của các vận động viên đối với sự đau đớn hoặc các chỉ số sinh hóa về mức độ hư hại của tế bào cơ.

Theo nhóm nghiên cứu này, nguy cơ về mặt lâu dài là các vận động viên có thể phải “ngồi chơi xơi nước” do thở gấp, rồi loạn nhịp tim. Một số dẫn chứng cũng cho thấy dòng máu lên não cũng giảm vì ở nhiệt độ quá lạnh, có thể dẫn đến tình trạng đờ đẫn, nhòe thị lực. Tuy nhiên, trưởng nhóm nghiên cứu Jo Corbett cũng nhấn mạnh rằng, các kết quả mà nhóm của ông phát hiện cũng chỉ dừng ở mức độ sơ bộ và cần nghiên cứu thêm.

Trái lại, Craig Duncan, tiến sĩ phụ trách bộ phận thành tích cao của câu lạc bộ bóng đá Sydney FC ở Úc lại cho rằng dù có nhiều ý kiến trái chiều về tác dụng của ngâm nước đá lạnh trong việc hồi phục cơ thể nhưng ông không thấy đó là “cái chết” của liệu pháp này. Quan điểm của Duncan, dựa trên kinh nghiệm trong sự nghiệp của mình là nếu một vận động viên nghĩ điều đó có hiệu quả thì thực tế có thể có.

Hiệu ứng trấn an về mặt tinh thần có vai trò rất lớn trong thể thao, trong đó có chuyện hồi phục sức khỏe. Các cầu thủ của Sydney FC cũng đã ngâm đá lạnh và phản hồi như sau: Chân tôi bớt đau nữa, chân nhẹ hơn rồi - Tôi thích cách này - Tôi làm vì Craig bảo tôi phải như thế

Trong khi còn nhiều tranh cãi như thế, bạn vẫn có thể thử liệu pháp đá lạnh nhưng với sự thận trọng. Hãy dè dặt với nhiệt độ nước khí bạn mới bắt đầu thử. Các chuyên gia khuyên nhiệt độ nước nên ở mức 12-15 độ C. Nên tính đến chuyện bắt đầu nhiệt độ cao hơn và giảm 1-2 độ C sau mỗi lần ngâm. Mỗi người có ngưỡng chịu lạnh riêng nên bạn hãy thử trong ngưỡng mà mình cảm thấy thoải mái. Bạn cũng có thể mua dụng cụ bọc ngón chân vì đây là một trong những phần nhạy cảm nhất của cơ thể.

Phục hồi thể lực bằng phương pháp tắm đá lạnh
 

Đừng chịu trận quá lâu. Ở mức nhiệt độ đề nghị nói trên, ngâm khoảng 6-8 phút là đủ. Đừng ngâm quá 10 phút trừ phi được tư vấn hoặc từng tắm đá lạnh trước đó.

Đừng phỏng đoán rằng lạnh hơn là tốt hơn. Ngâm trong nước lạnh thấp hơn 12 độ C trong thời gian dài có thể sẽ nguy hiểm. Hãy lưu ý rằng, nước chuyển động là nước lạnh hơn. Giống như những cơn gió lạnh gây rung mình khi bạn lái xe. Nếu có những dòng nước chuyển động trong lúc tắm nước đá và nước ấm hơn ở bề mặt da bị đẩy đi thì hệ quả là nước sẽ lạnh hơn so với nhiệt độ hiển thị trên nhiệt kế.

Đừng chỉ nghĩ 12-15 độ C mới hiệu quả. 15-23 độ vẫn có thể có lợi vì vẫn còn khả năng kích hoạt sự hồi phục.

Đừng đơn giản hóa. Dựng một chương trình tắm đá lạnh riêng hàng ngày có thể là chuyện làm bạn dễ nản. Hãy dựng các bài tập nhẹ nhàng, trong đó có chuyện đắm mình trong nước lạnh.

Đừng ào đi tắm nước nóng ngay sau khi tắm đá lạnh. Làm ấm dần là lý tưởng. Hãy tính chuyện khoác khăn choàng ấm hoặc uống gì đó ấm. Nhưng hãy tắm nếu bạn không thể tự làm ấm mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại