Phía sau thành công của đội tuyển U.23: VFF - khi vui khoan vỗ tay vào...

Anh Khoa |

Sự kiện đội tuyển U.23 Việt Nam lọt vào VCK U.23 Châu Á (diễn ra tại Qatar vào tháng 1.2016) đã lắng dịu. Đến lúc phải tỉnh táo, nhìn nhận lại những vấn đề của U.23 Việt Nam dưới thời HLV Miura xem có những ưu điểm gì để phát huy và triển khai ở tầm CLB...; cũng như tìm ra những điểm chưa hoàn chỉnh của U.23 Việt Nam để kịp thời bổ sung cho mục tiêu tiếp theo, trước mắt là SEA Games 28 vào tháng 6 tới và xa hơn, đó chính là khả năng vào sâu VCK U.23 Châu Á để đoạt vé đi Olympic Rio de Janeiro 2016.

Thiếu tính phản biện từ chuyên môn

Có vé đi Qatar không có nghĩa là đội U.23 Việt Nam đã hoàn hảo. Thậm chí với nhiều chuyên gia bóng đá lão luyện, những gì ông Miura đã làm được chưa thật sự thuyết phục.

Ông Lê Thụy Hải - GĐKT của B.Bình Dương bảo vệ quan điểm của mình rằng: “Đội tuyển U.23 Việt Nam thời ông Miura không có bài vở gì đặc biệt” hoặc tuyên bố “sốc” hơn: “Làm như ông Miura thì ai chẳng làm được”.

Ông Thụy Hải lập tức bị phần đông người hâm mộ Việt Nam chỉ trích. Những người yêu quý đội U.23 Việt Nam lẫn ông Miura không “quen” với kênh phản biện Lê Thụy Hải.

Trong khi đó, trong giới chuyên môn, đặc biệt là các HLV đều rất coi trọng những phân tích chuyên môn của ông Lê Thụy Hải.

Ông Hải xem đá bóng chăm chú, nghiêm túc chứ không hời hợt, bởi thế, những phát hiện của ông Thụy Hải được cho là đáng giá về chiến thuật và tâm lý cầu thủ.

Song có vẻ như VFF vẫn “bỏ ngoài tai” và không có ý dùng “kênh phản biện” Lê Thụy Hải trong quá trình xây dựng đội tuyển.

Có lẽ một phần do tính thẳng, chính ông Hải cũng từng công khai phê phán VFF đã không kịp thời phân tích, mổ xẻ về chuyên môn sau mỗi giải đấu.

Sau AFF Cup 2014, ông Hải nói: “Việc mổ xẻ thất bại để rút kinh nghiệm của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2014 vừa qua đã có ai làm chưa?

Tôi mới chỉ thấy những bàn tán trên mạng, chứ chưa thấy người có trách nhiệm lý giải một cách thỏa đáng. Không phân tích, không tìm ra nguyên nhân thất bại để sửa thì làm sao lần sau có thể thắng?”.

Không chỉ ông Hải, nhiều chuyên gia khác cũng đặt vấn đề về cách dùng binh có phần thực dụng của ông Miura đã “phá nát” những gì U.19 Việt Nam tạo dựng năm ngoái.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải cho rằng, ông Miura là một HLV giỏi nhưng “không có cảm tình với cách chơi thực dụng của U.23”.

Ông Mạnh Hải nói: “Với tôi, thứ bóng đá của U.19 thời Graechen ấn tượng hơn, tôi thích thứ bóng đá tấn công đẹp mắt và khai thác tối đa khả năng của cầu thủ để tạo ra những khoảnh khắc bùng nổ trong mỗi trận đấu”.

Rõ ràng vẫn chưa có sự thống nhất về chuyên môn trong việc xây dựng lối chơi đặc thù cho các đội tuyển Việt Nam.

Đá như U.19 hay đá như U.23? Đây là điều mà VFF phải thể hiện vai trò đầu tàu của mình trong việc chịu trách nhiệm về chuyên môn trước Tổng cục TDTT.

Đừng vỗ tay, hãy làm ngay

Nếu cách chơi và phương pháp huấn luyện của ông Miura là một “chuẩn mực” của bóng đá Việt Nam hiện nay thì VFF cũng cần khẩn trương có những cuộc họp, hội thảo để đánh giá và từ đó đưa ra một “giáo án huấn luyện chuẩn” triển khai cấp CLB, từ các tuyến trẻ địa phương để từ bây giờ các cầu thủ trẻ sẽ có tư duy chiến thuật ổn định.

Khi ông Miura trở về sau vòng loại U.23 Châu Á, quan chức VFF liền đeo vòng nguyệt quế cho ông thầy người Nhật.

Thay vì điều đó, có lẽ tốt hơn, VFF nên tổ chức một cuộc hội thảo đánh giá những điểm được, những phương án phù hợp với thể chất người Việt đúc rút từ đội tuyển U.23 Việt Nam.

Bởi lẽ vẫn còn đó những câu hỏi cần phải giải đáp. Riêng giáo án và phương pháp rèn thể lực liệu có phù hợp? Tại sao có hàng loạt những ca chấn thương?

Ở vòng loại Châu Á có phải thực chất là U.23 Việt Nam được cải thiện thể lực hay chỉ là một sự ảo tưởng khi so sánh với các cầu thủ Nhật Bản vốn chỉ coi trận đấu với U.23 Việt Nam như một buổi tập?

Theo chuyên gia Trịnh Minh Huế thì phương pháp rèn thể lực của ông Miura chẳng có gì mới. Nửa thế kỷ trước, đội Thể Công chỉ ăn cơm trắng nhưng do khổ luyện nên có trạng thái thể lực ngang ngửa những cầu thủ giỏi ở Châu Âu.

Ai cũng biết vai trò trọng yếu của thể lực trong việc giành thành tích cao.

Thế nhưng tại sao ở tầm CLB không rèn thể lực ngay mà phải đợi đến khi lên tuyển, phải vào tay Miura thì hầu hết các cầu thủ qua được các bài test lại có trạng thái thể lực sung mãn?

Đội tuyển chỉ mạnh một cách bền vững khi nó được xây dựng trên nền tảng một giải VĐQG mạnh. Mới đây ông Miura còn “khẩn khoản” yêu cầu các cầu thủ, các CLB chuẩn bị sẵn nền tảng thể lực.

Xây dựng một hệ thống chiến lược từ đào tạo cầu thủ trẻ - CLB - tuyển trẻ - tuyển QG trên một giáo án đồng bộ là điều mà VFF cần làm ngay, thay vì “khi vui thì vỗ tay vào”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại