Sự vô danh của ông trên đấu trường bóng đá quốc tế khiến cho chỉ có những người cầm hồ sơ của ông chuyển sang từ Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA) mới biết ông từng có thời gian tu nghiệp ở Đức.
Nếu JFA có giấu, thì những người ký hợp đồng cũng không biết nốt về thông tin đó.
Còn triết lý bóng đá của ông là gì, tấn công hay phòng ngự, kỹ thuật hay dùng sức mạnh, bóng ngắn hay bóng dài, tất cả đều không ai biết.
JFA giới thiệu với VFF rằng, ông từng cầm các đội bóng nhỏ, và giúp đội bóng ấy giành suất thăng hạng cũng chưa hẳn đã là dữ kiện để có một sự phỏng đoán chính xác.
Sự vô danh như đã nói ở trên về một HLV chưa từng cầm quân ở J-League biến ông trở thành một ẩn số.
Sự có mặt của ông chỉ là bởi VFF nhất quyết phải có một HLV Nhật Bản, là một trong ba vị trí được xác định phải do những người Nhật nắm giữ (HLV nữ và cả Giám đốc Trung tâm đào tạo trẻ).
Trong khi các HLV Nhật khác, giỏi hơn, danh tiếng hơn thì chưa chắc đã sang Việt Nam và chúng ta cũng không có đủ tiềm lực tài chính để trả lương ai đó cỡ khoảng triệu USD/năm.
Nhưng đó chưa chắc đã là một sự lựa chọn liều lĩnh nhất trong lịch sử 20 năm sử dụng thầy ngoại của bóng đá Việt Nam. Chọn những người như Letard, Tavares cũng dạng như vậy.
Và cũng chẳng có gì đảm bảo VFF với những tiềm lực và quan hệ vô cùng hạn chế của mình có thể tìm ra được một nhân tố khả dĩ hơn.
HLV Miura có vẻ đã sẵn sàng “tốt nghiệp”
Nhưng cũng có thể sự miễn cưỡng này giúp chúng ta có một sự lựa chọn mở ra những cơ hội thành công hơn trong tương lai với HLV Miura.
Vì chính ông Miura cũng đang học hỏi, tích lũy trong quá trình làm HLV các đội tuyển Việt Nam (HLV đội tuyển nữ cũng thế, chưa từng dẫn dắt các ĐTQG).
Trước trận đấu với U23 Myanmar ở SEA Games, ông Miura nói rằng ông đã học được bài học từ thất bại của ĐTVN ở bán kết AFF Cup.
Vấn đề chấn thương, thể lực của U23 Việt Nam suốt cả quá trình vừa qua cũng cho thấy ông đang tự rút kinh nghiệm.
Khi U23 Việt Nam tập trung chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á, ông đã cho các cầu thủ tập theo giáo án, khối lượng của đội tuyển lớn, khiến cho khá nhiều cầu thủ chấn thương (chính ông thừa nhận trước truyền thông).
Khi U23 Việt Nam tập trung trở lại chuẩn bị cho SEA Games, các chấn thương ập tới liên tục dù họ chưa tập nặng cũng làm ông thay đổi: Không còn nhồi thể lực cho các cầu thủ nữa.
Mang hơn 20 cầu thủ sang SEA Games và đứng trước nguy cơ nếu ai đó chấn thương thì đội tuyển sẽ què quặt, nên ông Miura cho các cầu thủ thả lỏng là chính.
Thế nên điểm mạnh nhất của ông là làm thể lực cho những người vốn dĩ đã khá khỏe cũng trục trặc: Thể lực của các cầu thủ U23 bị thử thách trước U23 Myanmar giàu ý chí và có sức mạnh, để rồi một vài vị trí bị hụt hơi, một vài cá nhân bị chuột rút (vọp bẻ).
Ngay cả giờ đây ông Miura bị cho là người thuộc trường phái phòng ngự (như một người Ý) thì có lẽ cũng chỉ là một trong những vấn đề mà ông đã và đang tự rút kinh nghiệm.
Vì ở ASIAD 2014, Olympic Việt Nam đã chơi tấn công chủ động trước các đối thủ đẳng cấp.
Chúng ta có thể bất ngờ với thực trạng vừa làm vừa học của ông Miura, nhưng đó suy cho cùng cũng là tất yếu bởi ông chưa từng cầm một đội tuyển nào cả.
Dẫn dắt một đội tuyển khác với một CLB, nên trên thế giới không có nhiều những HLV trẻ khi từ CLB chuyển lên cầm quân đội tuyển mà thành công vang dội cả.
Ông Miura sinh năm 1963 thực tế không còn quá trẻ, nhưng cũng chưa đến mức chớm già.
Vấn đề là giờ đây ông Miura đã học đủ để “tốt nghiệp” hay sẽ còn phải trả thêm nhiều cái giá đắt nữa rồi mới xác định được một phương thức chuẩn mực nào đó có thể giúp BĐVN vươn lên đỉnh cao?
ĐTQG với vòng loại World Cup (mục tiêu thực chất của chúng ta là giành vé vào VCK Asian Cup) ở phía trước còn VCK U23 châu Á diễn ra vào năm sau không phải là thời điểm lý tưởng để chúng ta lại thay đổi HLV nữa.
Có ông Miura thì dùng ông Miura thôi!
Chọn HLV ngoại cho đội tuyển Việt Nam luôn là một công việc cực kỳ khó khăn.
Một hội đồng HLV quốc gia mà ở đó hầu hết là những người không có ngoại ngữ đủ để tìm hiểu về thế giới bóng đá, thế giới các HLV ngoại, và không thể thẩm định nổi chất lượng các ứng viên thì khó lòng giúp được gì cả.
Từng có những quãng thời gian tới cả nửa năm đội tuyển rơi vào cảnh không có HLV.
Và chúng ta buộc phải giao các đội tuyển cho những HLV nội chuyên lo trụ hạng như ông Hoàng Văn Phúc cho thấy điều đó.
Nó chính là một trong những nguyên do mà tại sao VFF rất ngại chấm dứt hợp đồng với HLV, chứ chưa hẳn là vì những người có trách nhiệm hiện nay kiên nhẫn hơn so với thế hệ tiền nhiệm hay một nguyên nhân khác là nội bộ VFF đang bối rối vì những lá đơn tố cáo nhận hối lộ.
Thăm dò ý kiến
Có nên sa thải HLV Miura không?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.