Lịch sử của "dopping"
Tính cho tới thời điểm này của Olympic London (11 ngày thi đấu), đã có trường hợp sử dụng dopping bị phát hiện. Và trước khi kỳ thế vận hội diễn ra đã có hơn 107 VĐV bị cấm đến London tham dự Olympic vì sử dụng chất cấm.
Nhìn vào lịch sử qua các kỳ Olympic thì khái niệm "dopping" xuất hiện lần đầu tiên từ hơn 100 năm trước. Đó là vào kỳ Olympic 1904 tại St. Louis, Missouri, Mỹ, khi VĐV điền kinh Thomas Hicks giành tấm huy chương vàng. Nhưng điều đặc biệt ở đây là trước khi thi đấu, VĐV điền kinh này đã chích nhiều mũi strychnine (1 loại chất kích thích) và uống rượu brandy.
VĐV Thomas Hicks (giữa) giành HCV tại Olympic 1904.
Đến kỳ đại hội năm 1920 tại Antwerp, Bỉ, HLV điền kinh Mỹ còn công khai khuyến khích các học trò của mình sử dụng một loại chất hỗn hợp gồm rượu sherry và trứng sống. Đây cũng là nguyên nhân khiến họ chiến thắng áp đảo trên đường đua 100m.
Kỳ thế vận hội 1920 được tổ chức tại Antwerp, Bỉ.
Trong những năm đầu của thế kỷ 20, người ta không ngần ngại công khai việc sử dụng các chất kích thích trước mỗi cuộc thi, bởi khi ấy luật chống dopping chưa xuất hiện. Chỉ đến những năm 1960, liên đoàn thể thao các nước mới đưa ra luật cấm sử dụng 1 số chất kích thích, danh mục các chất bị cấm sử dụng trong quá trình thi đấu cũng lần đầu tiên được ban hành vào năm 1967.
Tuy luật cấm đã ban hành kèm theo các mức phạt nhưng tại hầu hết các kỳ thế vận hội, người ta cũng đều chứng kiến các vụ việc liên quan đến dopping. Duy chỉ có kỳ Olympic Mát-cơ-va 1980 là không phát hiện bất cứ một trường hợp sử dụng dopping nào.
Các vụ scandal dopping nổi tiếng
VĐV điền kinh lừng danh người Mỹ, Marion Jones đã thừa nhận có sử dụng "dopping" trước mỗi trận đấu bắt đầu từ năm 1999, đặc biệt là quãng thời gian thi đấu tại Olympic Sydney 2000. Tại kỳ thế vận hội 2000, cô đã giành 3 tấm HCV và 1 HCĐ, và là VĐV nữ đầu tiên đạt được thành tích này trong 1 kỳ Olympic.
VĐV điền kinh lừng danh của Mỹ dính scandal dopping.
Tuy nhiên việc cô sử dụng dopping chỉ bị phát giác sau 7 năm, tức là vào năm 2007 sự thật mới được phơi bày. Ngay sau đó, cô đã bị tước bỏ mọi danh hiệu đạt được tại Sydney.
Nếu so về số lượng phát hiện các trường hợp sử dụng dopping tại các kỳ Olympic, thì Olympic 2004 tại Athens có số lượng vượt trội hơn hẳn. Có tất cả 27 trường hợp ở 7 môn thể thao khác nhau sử dụng chất kích thích bị phát giác, 1 nửa trong số này đều thuộc môn cự tạ.
Trước ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 đúng 1 tuần, 7 VĐV nữ điền kinh hàng đầu của Nga đã bị LĐ điền kinh thế giới (IAAF) ra lệnh cấm thi đấu vì bị nghi ngờ có hành vi gian dối trong việc cung cấp nước tiểu xét nghiệm dopping. IAAF đã theo dõi 7 VĐV này bắt đầu từ năm 2007 và phát hiện 2 mẫu nước tiểu mà họ cung cấp đều không thuộc 1 người.
Câu chuyện về dopping luôn là vấn nạn đồng hành qua mỗi kỳ Olympic. Và Olympic 2012 cũng đang phải đối mặt với vấn nạn này và cùng tìm phương án loại trừ để thế vận hội 2012 là kỳ Olympic sạch.