Những nốt thăng trầm của bóng đá Việt Nam dưới thời ông Hỷ

Sau hơn tám năm giữ ghế chủ tịch VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ đã chính thức từ nhiệm. Hãy cùng điểm lại những khoảnh khắc thăng trầm của bóng đá Việt Nam dưới thời ông.

Ngày 2 tháng Sáu năm 2005, ông Nguyễn Trọng Hỷ được bầu vào vị trí chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ V với nhiều sự kỳ vọng vào một thời kỳ thành công của bóng đá Việt Nam.

Thực tế, trong suốt tám năm tại vị của ông Hỷ (tái đắc cử nhiệm kỳ VI), bóng đá Việt Nam cũng đã có những thành công ngoài mong đợi nhưng cũng có những vết nhơ mà hiện tại và sau này người hâm mộ sẽ không bao giờ quên. Dưới đây là những khoảnh khắc nổi bật nhất, những khoảnh khắc thăng trầm của bóng đá Việt Nam dưới thời của chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ.

1. Vụ án bán độ ở SEA Games 23

Chỉ hơn năm tháng sau khi ông Nguyễn Trọng Hỷ nhậm chức, ĐT U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Alfred Riedl bước vào hành trình chinh phục chiếc huy chương vàng SEA Games 23 ở Philippines với biết bao sự kỳ vọng của người hâm mộ.

Thực tế, ở những trận đấu đầu tiên, U23 Việt Nam với thế hệ tài năng của Trần Hải Lâm, Lê Văn Trương, Lê Bật Hiếu, Phạm Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh, Châu Lê Phước Vĩnh… cũng đã thi đấu rất tốt trước Singapore và Lào.

 

Tuy vậy, những biểu hiện nghi vấn đã xuất hiện ở trận đấu thứ ba gặp Myanmar và sau đó là trận bán kết với Malaysia. Từ đây, sau quá trình điều tra, một sự thật động trời đã được phơi bày, những cầu thủ vốn được coi là tương lai của bóng đá Việt Nam đã bán rẻ danh dự bản thân, danh dự Tổ quốc để tham gia cá độ và dàn xếp tỷ số các trận đấu ở SEA Games 23.

Kết quả là hầu hết những cầu thủ tài năng nhất của BĐ Việt Nam thời điểm đó đều phải vướng vào vòng lao lý còn nền bóng đá đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ. Sau sự kiện trên, ban chấp hành VFF và chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ nhận rất nhiều sức ép từ dư luận.

2. ĐT Việt Nam vào đến tứ kết Asian Cup 2007, ĐT Olympic vào đến vòng loại thứ ba Olympic Bắc Kinh 2008

Gần hai năm sau vụ án bán độ đáng xấu hổ, Việt Nam giành quyền đăng cai vòng chung kết Asian Cup 2007 với tư cách đồng chủ nhà với Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Vẫn được dẫn dắt bởi HLV Alfred Riedl, ĐT Việt Nam đã gây bất ngờ lớn ở giải đấu này khi vượt qua hai đội bóng mạnh là Qatar và UAE để tiến vào tứ kết trước khi chịu thua đội bóng sau đó đã lên ngôi vô địch là Iraq với tỷ số 0-2.

 

Cũng trong năm 2007, ĐT Olympic Việt Nam đã có một thành tích vượt xa mong đợi khi là đội duy nhất của Đông Nam Á lọt vào đến vòng loại cuối cùng của Olympic Bắc Kinh 2008. Những trận thắng tuyệt vời trước Oman và Lebanon cùng những trận đấu ngang ngửa trước Qatar và Saudi Arabia của Olympic Việt Nam đã phần nào lấy lại hình ảnh của BĐ Việt Nam trong con mắt người hâm mộ.

3. Olympic Brazil đến Việt Nam thi đấu giao hữu

Sự kiện đội Olympic Brazil với những ngôi sao hàng đầu như Ronaldinho, Diego, Marcelo, Pato... đến giao hữu với ĐT Việt Nam ở sân Mỹ Đình vào ngày 1 tháng Tám năm 2008 đã mở ra một bước ngoặt mới trong việc VFF mời các đội bóng nổi tiếng đến giao hữu ở Việt Nam.

Sau Olympic Brazil, một loạt đội bóng có danh tiếng khác như CHDCND Triều Tiên từng dự World Cup 2010 hay đặc biệt là CLB Arsenal đã đến Việt Nam để thi đấu cùng ĐTQG Việt Nam. Đây có thể coi là nỗ lực đáng ghi nhận của các vị lãnh đạo VFF nhằm nâng tầm bóng đá Việt Nam.

 

4. ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2008

Sau thất bại đáng tiếc ở SEA Games 24, VFF mời lại người cũ là Henrique Calisto dẫn dắt ĐT Việt Nam tham dự AFF Cup 2008. Trong lúc bóng đá Việt Nam không có được một đội hình quá đồng đều và chất lượng, người hâm mộ không quá kỳ vọng vào ĐT Việt Nam ở giải đấu này.

 

Tuy vậy, sau chuỗi trận giao hữu trước giải không biết đến mùi chiến thắng, thầy trò HLV Henrique Calisto càng thi đấu càng hay và đưa người hâm mộ đến những bất ngờ. Chiến thắng chung cuộc 3-2 trước Thái Lan trong trận chung kết đã đưa ĐT Việt Nam lần đầu tiên lên ngôi ở giải đấu số một Đông Nam Á, điều mà người hâm mộ vẫn luôn chờ đợi trước đó.

5. Sa thải HLV Falko Goetz

Sau AFF Cup 2010 không thành công, VFF đã quyết định mời một HLV có đẳng cấp cao về dẫn dắt ĐTQG và ĐT U23 và người được chọn là HLV người Đức - Falko Goetz. Tuy vậy, kết quả thi đấu của hai đội tuyển không như mong đợi. ĐTQG bị loại sớm ở vòng loại World Cup 2014 còn U23 thất bại thảm hại ở SEA Games 26 mà không có nổi tấm huy chương đồng.

 

Sau giải đấu, VFF đã đi đến quyết định sa thải chiến lược gia người Đức và hướng đến giải pháp sử dụng HLV nội. Từ đó đến nay, dưới sự dẫn dắt của các HLV nội, ĐTQG đã thất bại toàn diện ở AFF Cup 2012 và vòng loại Asian Cup 2015, trong khi hiện tại đội U23 QG sắp bước vào SEA Games 27 mà không nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của người hâm mộ.

6. V-League tiếp tục đi xuống, thành lập công ty VPF

Sau khoảng thời gian dài mang tên chuyên nghiệp, giải bóng đá VĐQG Việt Nam (V-League) vẫn chưa thay đổi được nhiều. Vẫn những vấn nạn cũ, những lo sợ về nạn dàn xếp tỷ số ở những vòng đấu cuối, hay sự không công tâm của các trọng tài.

Những mâu thuẫn ở V-League đã lên đến đỉnh điểm ở cuối mùa giải 2011 khi các ông chủ của Hòa Phát Hà Nội tuyên bố bỏ bóng đá vì bức xúc với trọng tài, dẫn đến việc một số doanh nhân làm bóng đá quyết định thành lập nên Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) để điều hành các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia.

 

Tuy nhiên, từ đó đến nay đã được hai năm, những vấn nạn cũ của V-League hầu như vẫn chưa được giải quyết triệt để trong khi ‘căn bệnh’ bỏ giải của các đội bóng ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Điển hình là ở mùa giải 2013 khi một loạt đội bóng xin rút lui trước lúc tham dự và sau đó là sự kiện Xuân Thành Sài Gòn bỏ thi đấu giữa chừng ở V-League 2013 gây nên rất nhiều hệ lụy mà mùa giải 2014 tới đây, BTC vẫn đang phải đối mặt.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại