Cầu thủ trị giá triệu đô
Sau trận đấu giữa U19 Việt Nam và U19 Nhật Bản tại giải U19 châu Á trên đất Myanmar, một số tuyển trạch viên của Hàn Quốc và Nhật Bản đã gặp trực tiếp bầu Đức, đề nghị được thực hiện vụ chuyển nhượng cầu thủ xứ Nghệ.
Ngay cả lò đào tạo danh tiếng PSV Eindhoven của Hà Lan cũng để mắt tới Công Phượng. Sau khi vô tình xem trên mạng băng hình về màn trình diễn của đội trưởng U.19 Việt Nam, đích thân GĐ Trung tâm đào tạo trẻ của PSV Eindhoven - ông Art Langeler đã gọi điện cho Danny van Bakel - trung vệ người Hà Lan đang chơi bóng ở V.League để làm cầu nối cho thương vụ chiêu mộ tiền đạo gốc Nghệ An.
Ngay ở nước Anh, Công Phượng cũng được truyền thông nhắc tới. Đặc biệt, một số CĐV của Arsenal đã lên tiếng đề nghị HLV Wenger nhanh tay đưa cầu thủ xứ Nghệ về Emirates để thử việc. Theo tiết lộ của một lãnh đạo HAGL Arsenal JMG, các nhà tuyển trạch quốc tế định giá Công Phượng từ 3 đến 4 triệu USD.
Màn trình diễn chói sáng của Công Phượng trong màu áo U19 Việt Nam đã giúp anh lọt vào mắt xanh của rất nhiều tuyển trạch viên quốc tế
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, chưa từng có cầu thủ nào được định giá hay mua bán với giá triệu USD, dù đã khoác áo ĐTQG. Tính tới thời điểm hiện tại, thương vụ “khủng” nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam là vụ Công Vinh lật kèo bầu Hiển, bỏ Hà Nội T&T về đầu quân cho CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên với khoản lót tay 14 tỷ đồng.
Nếu Công Phượng được bán, tiền sẽ được chia như thế nào? Theo nguồn tin riêng, ngay sau khi vượt qua vòng thi tuyển để trở thành học viên của Học viện HAGL Arsenal JMG, cha mẹ các cầu thủ nhí đã ký một hợp đồng đào tạo trẻ. Theo đó, khi cầu thủ trưởng thành, được chuyển nhượng, gia đình sẽ được nhận 10% giá trị hợp đồng, HAGL được nhận 50% và Arsenal thu về 40%.
Bầu Đức nhất quyết giữ người
Bán Công Phượng, bầu Đức sẽ thu về cả triệu USD, đồng thời giúp Học viện HAGL Arsenal JMG do ông tốn công lập nên có thêm danh tiếng. Tuy nhiên, ông chủ Tập đoàn HAGL nhất quyết không làm vậy.
“Những người thường xuyên nói rằng cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG là đồ bỏ, không được CLB nào quan tâm đều không biết gì về cách làm bóng đá của tôi. Nếu muốn chuyển nhượng cầu thủ để lấy tiền và lấy tiếng cho Học viện, tôi chỉ cần gật đầu là Công Phượng sẽ lên đường ra nước ngoài thi đấu. Rất nhiều đội bóng của Nhật Bản, Hàn Quốc và một vài quốc gia khác ở châu Âu đã hỏi mua cầu thủ này”, bầu Đức chia sẻ.
Thay vì bán hoặc cho các CLB nước ngoài mượn, bầu Đức lại quyết định đôn Công Phượng lên đội một HAGL đá V.League 2015. Nhiều người cho rằng đây là quyết định điên rồ bởi thứ bóng đá bạo lực ở V.League có thể giết chết cầu thủ mà ông chủ Tập đoàn HAGL coi như báu vật. Và người ta tự hỏi khi không bán cầu thủ, bầu Đức sẽ lấy tiền đâu để tái đầu tư vào Học viện mà mỗi năm ngốn cả triệu USD?
Trước câu hỏi trên, bầu Đức chỉ tủm tỉm cười bảo ông không thiếu tiền và - quyết định giữ Công Phượng chỉ vì mục đích tốt cho bóng đá Việt Nam. Ông muốn tiền đạo người xứ Nghệ tiếp tục được chơi cùng các đồng đội đã gắn bó với anh hơn 8 năm qua ở Học viện HAGL Arsenal, từ đó cho ra đời một ĐTQG mạnh đủ sức đăng quang SEA Games, đấu trường mà bóng đá nam Việt Nam chưa từng được bước lên bục cao nhất.
Lời hứa của bầu Đức
Bầu Đức quyết không bán người, giữ Công Phượng bên mình. Và để làm được điều đó, ông đã cử hẳn một đoàn trợ lý về Nghệ An để thuyết phục gia đình tiền đạo sinh năm 1995.
Đầu năm 2014, trong một ngày trời mưa lạnh, ông Nguyễn Văn Vinh cùng một số cấp dưới khác của bầu Đức đã cất công từ Gia Lai xuống TP.HCM để bay về Vinh rồi tiếp tục thuê xe đi thêm vài chục km về nhà Công Phượng. Họ truyền đạt lại lời của bầu Đức, cam kết sẽ lo cho Công Phượng thành người nếu gia đình tiếp tục tin tưởng, để con mình đi theo lộ trình ông đã vạch ra sau khi tốt nghiệp Học viện HAGL Arsenal JMG.
“Chúng tôi tin tưởng bầu Đức nên mới giao Công Phượng cho ông ấy từ khi hắn còn là cậu nhóc nhỏ xíu. Thế nên chẳng lý gì giờ chúng tôi không tiếp tục tin tưởng. Bầu Đức hứa sẽ giúp Phượng không chỉ được thỏa mãn đam mê chơi bóng mà còn cho học hành tử tế để sau này vì lý do nào đó không thể tiếp tục đá bóng thì vẫn có một cái nghề”, ông Nguyễn Công Bảy - bố Công Phượng bật mí.
Bầu Đức cam kết nếu sau này không còn đá bóng, Công Phượng có thể vào Tập đoàn HAGL của ông làm nếu muốn. Ngoài ra, gia đình cầu thủ này cũng sẽ được hỗ trợ tối đa, ngoài chuyện được nhận tiền hàng tháng còn được vay không lãi suất khi muốn kinh doanh hay gặp tai ương.
Tập buổi đầu cùng đội một HAGL
Chiều qua, Công Phượng ra sân tập buổi đầu tiên cùng đội một của HAGL. Chân sút người xứ Nghệ là 1 trong số 17 cầu thủ của HAGL Arsenal JMG và lớp năng khiếu HAGL được bầu Đức đôn lên đá V.League 2015. Đặc biệt, ông chủ Tập đoàn HAGL cũng đã nhất quyết ép HLV Guillaume Graechen không được tuyển tiền đạo ngoại, phải để vị trí trên tuyến đầu cho Công Phượng thể hiện.
Thêm tin vui cho Công Phượng là tiền đạo này đã được giải tiếng oan gian lận tuổi tác. UBND xã Mỹ Sơn đã đưa ra giấy khai sinh gốc, khẳng định đội trưởng U19 Việt Nam sinh năm 1995, không phải 1993 như nghi ngờ của một tờ báo. Sở dĩ trong sổ hộ tịch có chỗ ghi Công Phượng sinh năm 1993 là do cán bộ đã ghi lồng lên tên người anh mất từ lúc còn nhỏ của cầu thủ này.