Tháng này, bên cạnh sự kiện khởi tranh V-League của bóng đá nam được đông đảo công chúng quan tâm, còn hai sự kiện khác của phái nữ là giải vô địch quốc gia của bóng đá nữ và giải bóng chuyền nữ quốc tế Cúp VTV Bình Điền lần thứ bảy, ông có theo dõi không?
- Bóng đá nữ và bóng chuyền nữ cũng là những môn thể thao tôi ưa thích. Hầu như giải đấu nào của bóng đá nữ tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tôi đều đến sân xem, nếu ở Hà Nội thì xem ti-vi tường thuật trực tiếp. Còn bóng chuyền nữ thì ngồi nhà xem ti-vi thôi. Hai giải đấu bạn nói tôi có quan tâm, một cái sắp diễn ra, một cái đang diễn ra, nhưng tìm thông tin về nó rất khó. Hầu như giới truyền thông không quan tâm lắm, có vẻ họ quan tâm đến cô Ngọc Trinh, hay cô Hoàng Thùy Linh hơn, cứ mở mạng ra là thấy họ liên tục cập nhật tin về hai cô này. Tờ Thể thao & Văn hóa của các bạn hình như cũng không khoái lắm việc chị em chơi ở hai môn ấy thì phải. Có phải văn hóa trọng nam khinh nữ của các cụ ta vẫn còn rơi rớt đến tận bây giờ. Hay là...?
Bóng đá nữ thành tích nhiều hơn bóng đá nam nhưng ít nhận được sự quan tâm. Ảnh: V.S.I
Theo ông còn có những lý do khác chăng?
- Có thể vì nó không hái ra tiền. Tôi hiểu như thế chả biết có đúng không. Người ta không thấy lợi ích trong việc đầu tư cho chị em ở hai môn này. Người Việt mình khoái thành tích hoành tráng, vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á “hoành tráng” nỗi gì. Vô địch châu Á thì may ra, và cũng chỉ khoái tí thôi, không nhiều đâu. Trong đầu nghĩ như thế thì làm gì có chyện bỏ thì giờ ra sân cổ vũ chị em. Mà không tới sân, thậm chí không thèm ngồi nhà xem ti-vi tức là chị em chơi bóng không có khán giả thì ai dám đầu tư. Bỏ tiền ra thì phải được cái gì chứ: Nhà nước mặn mà đầu tư thì chỉ cho những gì có khả năng đạt thành tích “hoành tráng”. Còn các ông bầu tư nhân thì họ tính kỹ lắm, đủ chuyện, chẳng cần nói ra thì ai cũng biết là cái gì rồi.
Chúng ta đang sử dụng thể thao làm công cụ để kiếm tiền và làm chính trị. Điều đó không sai, nhưng thể thao nó còn có mục đích tự thân nữa chứ. Thể thao mang lại niềm vui sống, những cảm hứng tích cực cho khán giả và nâng cao sức khỏe, sự năng động cho những người tham gia nó, đặc biệt trong những môn thể thao đại chúng. Để kiếm tiền và làm chính trị thì bóng đá, hay bóng chuyền nữ yếu rồi. Nhưng một nửa số dân Việt Nam là phái nữ, và người Việt mình rất thích xem các cuộc thi đấu, nô nức nữa là đằng khác sao ta lại chỉ chú trọng tới bóng đá nam.
Trong một lần cà phê bóng đá năm ngoái ông đã nói nhiều về bóng đá nữ, và ông hy vọng tình hình sẽ được cải thiện. Bây giờ ông thấy thế nào?
- Chẳng có thay đổi gì mấy. Năm nay có Thái Sơn Bắc tài trợ cho giải vô địch quốc gia nữ, nhưng doanh nghiệp có tầm nhìn và thiết tha với sự phát triển của thể thao nữ như họ thì hầu như chỉ có... họ. Giải vô địch năm nay có hai lượt (lượt đi và lượt về) đều tổ chức tại một nơi (Hà Nam), như thế thuận tiện hơn. Nhưng vẫn chỉ có sáu đội trong một giải đấu là quá ít. Những trung tâm bóng đá mạnh ở nước ta như Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Phòng, Long An, Gia Lai, tôi không hiểu tại sao lại không có bóng đá nữ. Nếu giải vô địch mà có tới 13-14 đội tham dự thì phong trào bóng đá nữ sẽ mạnh lên rất nhiều và đội tuyển quốc gia cũng thế, có nhiều sự lựa chọn hơn. Lúc ấy bóng đá nữ Việt Nam không chỉ đứng đầu Đông Nam Á mà còn có khả năng tranh chấp trên đấu trường châu lục, dẫu rằng vẫn chưa thể nghĩ đến ngôi vô địch.
Riêng VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) thì tuyên bố rất mạnh, rằng họ không tiếc tiền cho việc đầu tư bóng đá nữ để hướng tới vòng chung kết bóng đá nữ thế giới năm 2015. Sở dĩ có tuyên bố này vì CHDCND Triều Tiên bị loại khỏi giải do chyện doping, nên cái chỗ trống ấy Việt Nam ta có thể lọt vào được. Lọt vào vòng chung kết thì đấy là một thành tích vô cùng “hoành tráng” nên gấp rút đầu tư thôi. Nhưng chúng ta biết rồi. Tuyên bố mạnh miệng là một chuyện, nhưng để có thể làm được như tuyên bố lại là một chuyện khác.
Tôi không bị “ám ảnh” bởi cái khả năng lọt vào vòng chung kết này lắm. Tôi nghĩ đến việc phát triển bóng đá nữ trong trường học, đến việc vận động các địa phương mạnh về bóng đá tổ chức đội bóng nữ cho địa phương mình, và một giải chuyên nghiệp cho bóng đá nữ gồm 12 hoặc 14 đội như bên bóng đá nam. Làm ngay từ bây giờ, nếu làm tốt thì vài năm nữa chẳng cần cái cơ hội đội Triều Tiên bị loại để mà vui mừng như thế. Tận dụng cơ hội là tốt, nhưng chính mình biết tạo ra cơ hội bằng thục lực thì hay hơn nhiều.
Thế còn bóng chuyền nữ?
- Có vẻ được quan tâm hơn bóng đá nữ một chút, nhất là với VTV. Nhưng động lực của chuyện này có khi chỉ vì yếu tố chân dài là chính chứ không hoàn toàn là chuyện phát triển thể thao cho phái nữ, giống hệt như việc sử dụng yếu tố chân dài trong báo chí để bán báo kiếm tiền chứ không phải vì mục đích cao quý của nghề báo. Bóng đá nữ không bằng cũng là vì không “chân dài” lắm. Bao nhiêu năm mới có một mỹ nhân như Ngọc Châm, phần còn lại không thể bì được với dân bóng chuyền đa số có thể dự thi hoa hậu và làm người mẫu được. Thể thao nữ ở hai môn đại chúng nhất là bóng đá và bóng chuyền mà “liếc” sang chuyện chân dài thì làm sao phát triển được. Thể thao là sức mạnh, là độ khéo, là tài năng chứ không phải là sắc đẹp. Thực chất đây cũng là tàn dư của tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.
Thưa ông, liệu có bao giờ ở ta hết trọng nam khinh nữ trong thể thao không?
- Trọng nam khinh nữ không phải chỉ ở ta, mà ngay cả ở bên Nhật, một nước văn minh hàng đầu thế giới, đội tuyển bóng đá nữ của họ vô địch thế giới vẫn thắc mắc việc họ bị đối xử không bằng đội tuyển bóng đá nam có thành tích thấp hơn trong việc đi máy bay, ở khách sạn trong cùng kỳ tham dự Olympic London. Thế thì với một nước như nước ta, việc trọng nam khinh nữ bao giờ mới hết được. Tuy vậy, cũng cần phải nhận biết sớm, cần phải đặt vấn đề thật mạnh mẽ để giảm thiểu tư tưởng này càng nhiều càng tốt. Tôi mơ sẽ có một ngày 8/3 cho thể thao phái nữ và đặc biệt là bóng đá nữ. Hãy tặng họ bó hoa đẹp nhất của lòng yêu mến và sự tôn trọng, của tinh thần cam kết lâu dài cho sự phát triển bền vững để họ có niềm vui sống, hứng khởi, tinh thần mạnh mẽ cùng sự sáng tạo trong thi đấu để có thể đạt tới vinh quang.