Nếu VPF còn... bướng bỉnh, VFF sẽ rút vốn

camnhung |

Hiện tại các chỉ đạo của VFF và VPF cứ đối nhau chan chát...

Ông Nguyễn Trọng Hỷ, chủ tịch VFF cho biết, VFF không muốn rút vốn khỏi VPF, tuy nhiên nếu tình trạng tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam vẫn tiếp diễn, VFF buộc phải tính đến phương án này.

Trong cuộc chiến bản quyền truyền hình diễn ra căng thẳng những ngày gần đây, đã có chuyện bi hài xảy ra trước vòng đấu thứ hai Super League. Cụ thể, tất cả các VLB ở Giải Hạng nhất và Ngoại hạng đều đồng loạt nhận được 2 văn bản cùng lúc.

Trong đó, 1 văn bản của VFF khẳng định BTC các sân phải tôn trọng bản quyền truyền hình do AVG sở hữu, 1 văn bản của VPF khẳng định các đội bóng không được phép cản trở các đài truyền hình vào sân tác nghiệp phục vụ NHM.

Trước sự thể "lắm thầy nhiều ma" trên, giải đấu Ngoại hạng bỗng dưng rơi vào thế khó, nói có hai chủ cũng đúng mà nói vô chủ cũng chẳng sai.

Sau vụ việc cả AVG và VTC cùng vào sân Lạch Tray, AVG đã gửi văn bản tới Bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị xử lý hành vi xâm phạm bản quyền của VTC. AVG nhắc lại việc từng gửi công văn cảnh báo VTC nhưng đài này đã phớt lờ. VTC là đài truyền hình trực thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông.

Theo nguyên tắc, lẽ ra việc chuyển giao quyền điều hành giải đấu cho VPF đã phải được tiến hành để Giải Ngoại hạng cũng như các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia được vận hành trơn tru. Thế nhưng, cả VFF và VPF đều đang đổ lỗi cho nhau trong việc làm chậm quá trình chuyển giao. Chính khúc mắc trong việc xác định chủ giải đã khiến các CLB vô cùng hoang mang, nhất là khi các chỉ đạo của VFF và VPF cứ đối nhau chan chát.

Vòng 1, BTC sân Ninh Bình đã đối mặt với tình huống khó xử khi Đài VTC xin phép vào sân tường thuật trong khi AVG, đối tác của VFF, cũng có mặt trên sân. Vòng 2, tình huống này tái diễn trên sân Lạch Tray ở trận V.Hải Phòng hòa Navibank Sài Gòn 1-1. Phải đến khi chủ tịch VPF can thiệp với BTC sân thì VTC mới có thể tác nghiệp.

Rõ ràng, nếu tình trạng tranh chấp cứ kéo dài mãi, BTC các sân cũng đành bất lực vì không biết phải nghe theo chủ nào. Hiện, tuy VFF có quyền hạn hơn, nhưng BTC các sân lại đang nằm dưới sự quản lý trực tiếp của VPF và cũng chính VPF là người trả lương cho các giám sát trận đấu, giám sát trọng tài...

Hiện nay, tiếng nói và uy tín của VFF gần như đã mất hẳn trọng lượng trước NHM và cấp dưới, nhưng VFF là cổ đông lớn nhất của VPF, các thành viên trong cùng 1 tổ chức lại mỗi người một ý, công khai "đánh nhau" trước dư luận khiến mọi việc càng thêm rắc rối hơn.

Đứng trước tình huống ức chế trên, VFF đã tính đến chuyện sẽ rút vốn khỏi VPF, nhưng việc này cũng không phải dễ vì quyền điều hành VPF lại đang nằm trong tay các ông bầu. Bầu Kiên, bầu Đức, bầu Thắng chiếm đa số trong HĐQT VPF nên nếu muốn triệu tập đại hội cổ đông, một mình VFF cũng chưa làm được!

Trước mắt, VFF đang rất trông mong Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - bộ chủ quản của VFF và cơ quan quản lý trực tiếp là Tổng cục TDTT đứng ra “dạy cho VPF một bài học”.

Dự kiến trong tuần này, Tổng cục TDTT sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn giữa các bên. VFF, VPF và AVG đều sẽ có cơ hội nêu quan điểm của mình, song có một thực tế rõ ràng là không có sự hậu thuẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước, VFF khó lòng “trị” được VPF.

Theo Cát Đằng

NDT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại