Nền bóng đá Việt Nam cần gì?

Khi đang túng thiếu thì đương nhiên là cần tiền. Đang “nghèo” thì nghĩ ngay đến chuyện “giàu”, cái ấy cũng là chuyện bình thường. Cũng như bóng đá Việt Nam hiện nay vậy, đang trong trạng thái “nghèo”, đầu óc rất dễ nghĩ đến chuyện “tiền” và thậm chí, “càng nhiều tiền càng tốt”….

Nhưng như người ta thường nói: giữa việc được cho “con cá” và cho cái “cần câu”, cần phải chọn thật cẩn trọng. Đang đói thì đương nhiên sẽ nghĩ ngay đến “cá” nhưng nếu nhìn ở góc độ căn cơ, lâu dài, tốt hơn là nên chọn cái “cần câu”. Thế thì mới có thể tự tìm được “cá” mà ăn dài dài chứ không phải đợi người ta cho thì mới có “cá” mà ăn.

Sau cái thời phát triển quá nóng, giờ đây, nhu cầu cần cái “cần câu” nên được đặt lên hàng đầu. Bởi chúng ta đã có ‘cá”, thậm chí, toàn “cá to” nhưng rõ ràng, “ăn” mãi cũng phải hết. Đến lúc hết, lại mới phát hiện mình chẳng có nổi một cái cần câu bằng tre để tìm cá lòng tong, nói gì đến một chiếc cần xịn để câu cá mập.


	B.Bình Dương là đội bóng duy nhất đang tự kinh doanh được. Ảnh: Hoàng Hùng

B.Bình Dương là đội bóng duy nhất đang tự kinh doanh được. Ảnh: Hoàng Hùng

Cụ thể là hiện tại, chẳng có CLB nào tại Việt Nam có một bộ phận kinh doanh, tiếp thị chuyên biệt. Kể cả SLNA, một đội bóng có truyền thống, có lực lượng CĐV đông đảo, có sức hấp dẫn đặc biệt về mặt thị trường nhưng cứ nhìn sân bóng của họ thì biết, chẳng thể bán được quảng cáo và cũng chẳng có nguồn thu lớn từ bán vé. CLB duy nhất tại Việt Nam đang tự kinh doanh được là Bình Dương, nhờ hệ thống quảng cáo được ưu đãi trên quốc lộ 13 nhưng tỷ lệ đóng góp vào ngân sách chung của CLB vẫn còn hạn chế.

Vì không có những “cần câu” loại xịn nên các CLB mới chới với khi nguồn tài chính chủ lực rút đi vì khó khăn chung. Tất nhiên, trong bóng đá Việt Nam, dù “cần câu” có tốt tới đâu thì cũng chẳng thể lấy thu, bù chi nhưng chí ít, nếu “cần câu” mà xịn thì cũng tạm chịu đựng được phần nào cho ngân sách khi gặp khó.

o0o

Nói lan man như vậy để bàn đến vấn đề đang “nóng” hiện nay là chức Chủ tịch VFF. Trước hết, VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp chứ không phải là một công ty nên công việc của họ không phải là kiếm tiền mà là tìm cách định hướng cho việc tìm ra tiền hoặc thu hút nguồn tiền. VFF đã có Công ty VPF, một thành viên của họ, để lo việc tạo nguồn ngân sách thông qua các “con bò sữa” là các giải đấu. Ở bất kỳ liên đoàn bóng đá nào cũng vậy, những giải đấu là nơi kiếm tiền nhiều nhất, chiếm đến 80% nguồn thu cho liên đoàn. Vì lẽ đó, đừng nên nói quá nhiều về chuyện tìm tiền với VFF mà hãy nói điều đó với VPF.

VFF không thể tập trung vào việc kiếm tiền mà là xây dựng một nền bóng đá có thể thu hút được các nguồn tiền đầu tư vào nó. VFF không nên tìm cách vận động các doanh nghiệp cùng làm bóng đá mà phải đóng vai trò khơi thông các nguồn lực, tạo môi trường hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư bằng cách nâng cao uy tín và tầm nhìn của mình. VFF không làm việc để kiếm “cá” cho nền bóng đá mà phải là nơi trao những cái “cần câu” cho các thành viên của mình. Những cái “cần câu” đó có thể là cơ chế của từng địa phương ưu đãi cho bóng đá hay những chính sách tạo điều kiện cho các CLB tìm được các nguồn tài chính bền vững.

Trên quan điểm đó, VFF phải thay đổi chức năng và tầm nhìn của mình để đáp ứng những điều mà nền bóng đá cần. Làm được điều đó thì chúng ta sẽ biết chiếc ghế chủ tịch nên dành cho nhân vật nào đủ để lèo lái con thuyền VFF.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại