SEA Games 28 diễn ra tại Singapore được đánh giá là một trong những kỳ đại hội thể thao khu vực thành công nhất trong lịch sử bởi công tác tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp của nước chủ nhà.
Nhưng những gì diễn ra với môn bóng đá nam về cơ bản cũng không khác so với các kỳ SEA Games trước. Sân vận động chỉ đông khi U23 Singapore thi đấu. Phải tới vòng bán kết hay chung kết, tình trạng thưa thớt khán giả trên khán đài mới có sự cải thiện.
Điều này có thể được kiểm chứng qua những trận đấu của U23 Việt Nam ở bảng B (không có chủ nhà Singapore). Khán giả đến đông cũng chỉ 3-4 ngàn người, dù đó là cuộc đọ sức giữa những “thế lực” như Việt Nam - Thái Lan hay Việt Nam - Malaysia.
Thực tế khó có thể phủ nhận là bóng đá Đông Nam Á chưa tạo ra được sức hút đủ để lôi cuốn khán giả trung lập. Và sức hút ấy còn giảm dần từ cấp độ đội tuyển quốc gia đến các tuyến trẻ.
Không lâu sau khi diễn ra SEA Games 28, khán giả được theo dõi giải U19 Đông Nam Á tổ chức tại Lào. Đó cũng là thời điểm xuất hiện những khoảng trống mênh mông trên khán đài vì thiếu người đến xem, trong hầu hết trận đấu.
Điều này là đương nhiên vì khi U23 Việt Nam chạm trán U23 Thái Lan tại SEA Games 28, với những ngôi sao sáng giá của 2 bên như Công Phượng hay Chanathip Songkrasin, khán giả mới chỉ đạt khoảng 3-4 ngàn.
Nên không thể chờ mong con số ấy tăng lên khi dưới sân chỉ là những cầu thủ hãy còn vô danh, hoặc có chút tiếng tăm với một nhóm fan nhất định.
Vì vậy, khi AFF đưa ra ý tưởng giảm độ tuổi tham dự SEA Games xuống U21 thì nguy cơ đầu tiên mà giải đấu khu vực phải đối diện là sức hút chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.
Mà sức hút ấy với môi trường bóng đá ngày nay gần như được đồng nghĩa với tiền bạc (bản quyền truyền hình, bán vé, quảng cáo) và nhiều lợi ích khó định lượng khác.
Có thể lấy ví dụ từ chuyện HAGL tại V-League 2015. Mỗi trận đấu của Công Phượng cùng đồng đội trên sân khách đều giúp đối thủ thu về trên dưới một tỷ tiền vé.
Đội bóng phố núi cũng là CLB được truyền hình trực tiếp nhiều nhất. Số tiền HAGL thu về sau mùa giải 2015 là hơn 20 tỷ đồng - kỷ lục của chính họ và cũng là của bóng đá Việt Nam, khi hầu hết đều phải sống dựa vào tiền túi của các ông bầu.
Nhìn ra bóng đá quốc tế, không hề ngẫu nhiên khi trong hợp đồng mời các CLB tên tuổi tới thi đấu giao hữu bao giờ cũng có điều khoản về sự xuất hiện của các ngôi sao, hoặc đội hình chính.
Trở lại với câu chuyện dùng cầu thủ U21 đá SEA Games, nếu sức hút của giải đấu giảm xuống, đương nhiên khó có chuyện quyền lợi tăng lên.
Điều này sẽ dẫn tới hệ quả là sự kém danh giá của danh hiệu. Khi đó, mức độ cạnh tranh sẽ là một dấu hỏi, bên cạnh nghi vấn liệu trình độ của các cầu thủ U21 có đủ để mang đến những màn so tài đỉnh cao?
Hãy thử hình dung về viễn cảnh một SEA Games mà U23 Việt Nam không có Công Phượng, Tuấn Anh, U23 Thái Lan không có Channathip Songkrasin, U23 Indonesia không có Evan Dimas…
Bóng đá Đông Nam Á chưa đạt đến trình độ của Nhật Bản hay Hàn Quốc để có thể liên tục sản sinh những thần đồng “tuổi teen”. Ngay cả những cuộc so tài ở lứa tuổi U23 không phải lúc nào cũng diễn ra hấp dẫn, chứ chưa nói tới U21.
Thế thì liệu những màn thể hiện “cấp phường” của môn bóng đá có xứng đáng với ý nghĩa của đại hội thể thao khu vực, khi ở các môn khác là những vận động viên hàng đầu xác lập không ít kỷ lục tiệm cận trình độ châu lục và thế giới?
Người thầy của Công Phượng, HLV Graechen, khi còn dẫn dắt U19 Việt Nam từng phát biểu, ngay tại Pháp quê hương ông cũng không bao giờ được chứng kiến sự mến mộ lớn như khán giả Việt Nam dành cho lứa cầu thủ trẻ của HAGL.
Những màn thể hiện của các ngôi sao như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... chính là nguyên nhân dẫn đến điều đó.
Song cần phải nhắc lại là từ thời Văn Quyến tỏa sáng năm 2000 trong màu áo đội tuyển U16, đến nay bóng đá Việt Nam mới lại sản sinh ra những "thần đồng".
Công Phượng solo tinh tế