Mặc áo ba lỗ, quần sóc, tay cầm cây mía, tôi thấy mình cũng giống CĐV Hải Phòng như ai. Nhưng vào đến sân mới biết tình yêu bóng đá của mình quả thật kém xa với những người đất Cảng...
Biết bóng đá Hải Phòng từ hồi hai đội Hải Phòng với Công an Hà Nội còn là kẻ “tử thù”, đôi lần tôi cũng “rón rén” theo đội CĐV Hà Nội đến sân Lạch Tray. Ngay phút giáp mặt đầu tiên ấy, tôi ao ước có một ngày được đứng trong cái khối người nóng bỏng, cuồng nhiệt ấy mà gào, mà đập phá cho… đã vì lúc ấy tôi chỉ ngây thơ nghĩ rằng: Bóng đá nó phải thế chứ.
Quá nóng
Năm nay, CĐV Hải Phòng không còn “cuồng” như thế này.
Trước trận đấu V.Hải Phòng gặp Thanh Hoá ở vòng 19 V.League, quán cà phê Tâm Chi trên đường Quang Trung đã chật kín các fan hâm mộ của Hải Phòng. Họ ngồi đây để “hoạch định” trận đấu.
Bác Hiền (46 tuổi), đã có thâm niên đi cổ vũ phong trào bóng đá Hải Phòng từ những năm bao cấp, quả quyết: “Bác đầu bảng SLNA về Lạch Tray còn “đứt”, huống hồ chú Thanh Hoá”.Chốt lại vấn đề, bác tung câu rặt xứ Cảng: “Con” đá “bỉnh sục”, gặp mình, “chết mạnh” (dịch nôm đơn giản thế này: Thanh Hóa hay đá bẩn, gặp Hải Phòng sẽ thua đậm).
14 giờ, sân Lạch Tray đã có hàng nghìn người ùa đến mặc dù 16 giờ bóng mới lăn. Khoác lên người chiếc áo của CLB (mua ngay cổng sân, 50.000 đồng/chiếc) để hưởng ứng lời kêu gọi “nhuốm đỏ” sân Lạch Tray, tôi hớn hở theo Hùng - một cổ động viên mới nổi vào sân.
Chưa vào đến cửa, cu cậu đã gào tướng lên: “Sống làm người Lạch Tray, chết làm ma Lạch Tray”. Nghe thế, tôi phì cười: “Sống làm người Lạch Tray, chết thì phải làm ma ở nghĩa trang chứ”, Hùng nhìn tôi rồi tung ra một câu đúng chất CĐV Hải Phòng: “Anh nói câu này với thằng khác, nó đánh cho tan mồm?”… Hùng dặn: “Anh đi xem bóng đá ở đây lúc nào Thanh Hoá có bóng hay ghi bàn thì anh đừng có ho he gì nhé, tốt nhất là im lặng. Ra chỗ này tốt nhất là… im mồm”.
Đúng như dự đoán, 15.000 CĐV của Hải Phòng đã nhuộm đỏ những khán đài, biến Lạch Tray thành một chảo lửa đúng nghĩa, từng đợt sóng người cuồn cuộn dâng lên rồi hạ xuống theo từng pha xử lý của các cầu thủ trên sân.
Đám đông ấy chỉ im bặt vào phút 61, khi cầu thủ Đình Tùng của đội khách sút tung lưới đội chủ nhà. “Tuân lệnh” Hùng, tôi chả dám ho he, tưởng thế là yên, ai ngờ Hùng quát tướng vào tai tôi: “Sao anh không chửi?” – “Chửi ai?” – “Thì chửi ai được thì chửi”…
Oái oăm là tôi chả dám chửi ai. Nhiêu khê thay khi muốn làm CĐV Hải Phòng! Khi thắc mắc: “Đi xem bóng đá, mang mấy gióng mía này đi làm gì?” thì ông CĐV ngay bên cạnh liếc xéo bảo: “Không mang mía đi, lúc đánh nhau, lấy cái gì mà “phang”. Hết chuyện!
Sau trận đấu, như thường lệ những quán bia quanh sân Lạch Tray lại kín khách, bia khuân lên kìn kìn nhưng “món nhắm” chủ đạo vẫn là bóng đá. Ghé vào tai tôi, Hùng nhắc nhở: “Anh ra đây đừng nói to như ở trong sân nhé, không thì lại vỡ mồm. Vì ở Hải Phòng đi ăn uống mà “nổ” quá có khi cũng bị người ta đánh cho, chứ chẳng cần phải có mâu thuẫn gì”.
Đơn giản là mọi người đang nuôi trong mình một “Hỏa Diệm Sơn” chờ phát hỏa mỗi khi đội nhà bị thua, nhất là cái sự nhục nhã ấy lại xảy ra trên sân nhà. Nhiều lúc nhìn thấy “thằng” nào “bỉnh sục” là cũng có thể gây chiến, rồi sau đó vác chuyện bóng đá ra mà biện hộ.
Chính vì thế nhiều ông đã chọn cách vào sân bóng để hò hét, tốn vài chục nghìn là được nói thoải mái, chửi cũng thoải mái, nhiều ông chẳng biết mù tịt gì bóng đá nhưng cũng đến hẹn là mò vào sân, chẳng phải để xem, mà chủ yếu là để phát biểu, gào thét khỏi sợ bị đập “a lô” (tức là cái mồm).
Mấy năm trước, CĐV Hải Phòng đã từng kéo đoàn xe mấy chục chiếc vào Vinh, choảng nhau sứt đầu mẻ trán với những người hâm mộ Nghệ An, sau đó còn gây ra một chiều đổ máu trên sân Thanh Hoá, hay loạn đả ở sân Hàng Đẫy của Hà Nội.
Ai cũng biết CĐV Hải Phòng lúc đó như bị dính doping là vì có Doanh nghiệp Xi măng Hải Phòng đứng đằng sau tài trợ, bao ăn, bao uống, lo xe cộ, chỉ việc leo lên xe đi cổ vũ. Thế thì làm gì mà người Hải Phòng không rủ nhau đi cho thật đông. Nhiều ông cả đời chưa bao giờ được ra khỏi Hải Phòng, vô công rồi nghề cũng tỏ ra là người hâm mộ leo lên xe để đi… tham quan miễn phí.
Năm nay, Xi măng Hải Phòng “ngãng” ra, CĐV Hải Phòng chỉ còn lại những con người yêu bóng đá thuần chất. Tình yêu với trái bóng tròn trở lại vẻ tinh khôi như những cánh phượng hồng giờ đang nhuộm đỏ miền đất Cảng.