Khởi điểm là như thế, những người chơi dù cứ tự tìm đến với nhau, để cùng dấn thân vào đam mê, niềm đam mê mà người viết có dịp được tiếp cận, khi theo chân họ đến những triền núi tỉnh Hòa Bình...
Bay vút vào tầng không, in đậm hình ảnh của mình lên mầu xanh lơ của bầu trời, mầu lục của cỏ cây và mầu lam của những đỉnh núi, chiếc dù và những cảm giác mà nó mang đến có thể "nhấn chìm" bất cứ ai. Khởi điểm là như thế, những người chơi dù cứ tự tìm đến với nhau, để cùng dấn thân vào đam mê, niềm đam mê mà người viết có dịp được tiếp cận, khi theo chân họ đến những triền núi tỉnh Hòa Bình...
Muôn nẻo đường bay
VĐV duy nhất của đơn vị chủ nhà Hòa Bình, anh Nguyễn Quang Chuẩn tâm sự: "Đây là môn thể thao đòi hỏi sự dũng cảm, gan dạ. Cũng như bao người bạn yêu dù lượn, tôi luôn muốn chinh phục thiên nhiên, thích cảm giác bay bổng trên bầu trời". Chung niềm đam mê ấy, những con người như: Lê Minh Hoàng Sơn, Hồng Mạnh Cường, Tạ Tuấn, Lê Hoàng Bách, Nguyễn Duy Hải, Trần Minh Đức, Cấn Mạnh Hùng, Bùi Thái Giang... đến với nhau từ khắp mọi miền Tổ quốc, để chia sẻ những cảm giác tuyệt vời mà cánh dù mang lại.
Dù lượn thu hút cả những đại diện "phái yếu". Mỹ Linh là một trong những cô gái Việt Nam đầu tiên đến với dù lượn. Cô luôn gây ấn tượng mạnh bằng thao tác chuyên nghiệp, cũng như sự tự tin, háo hức lấp lánh trên khuôn mặt. Cô cựu sinh viên ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh chuyên ngành đồ họa ấy bị "chinh phục" ngay bởi những cánh dù đầy mầu sắc cùng những đường cong mềm mại vẽ trên nền trời, khi được "giới thiệu" bởi Long "Loco" (HLV của nhóm dù lượn Vietwings). Sau đó, cô gái nặng 55 kg, cao 1m56 này đã lập tức sắm cho mình một "đôi cánh" riêng, với hai sắc mầu chủ đạo đỏ và vàng. Một "hành trình nhập môn" thật đơn giản!
"Môn thể thao này mạo hiểm lắm, nhưng khi đã thích rồi sẽ không thể bỏ được. Phụ nữ mà đã theo môn này hầu như cũng chỉ lấy được chồng cùng sở thích" - một "nữ đồng đội" của Linh chia sẻ, khi đang lúi húi chuẩn bị. Vừa nói, cô vừa chỉ sang người bên cạnh: "Chồng mình đấy, cũng là một tay dù cự phách".
Không chỉ có các VĐV Việt Nam, rất nhiều VĐV nước ngoài cũng tìm đến mảnh đất hình chữ S, bởi ở đây có những địa điểm bay lý tưởng. Anh chàng phi công khá điển trai người Cộng hòa Séc Ma-sa-xơ (Robert Machace) tỏ ra rất thân thiện, hay biểu diễn cho bà con xem trong lúc chờ các VĐV khác khởi động.
Hành trình "thăng thiên"
Đỉnh núi Bái Nhạ, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình) đang được biết đến như một địa điểm nhảy dù đẹp nhất miền bắc. Đỉnh Bái Nhạ lộng gió, sừng sững như mời chào, thách thức. Bất cứ người chơi dù lượn nào cũng đều muốn được chinh phục đỉnh cao ấy, để rồi cất cánh lên bầu trời ngay lập tức.
Thế nhưng, môn dù lượn là một trong những môn đòi hỏi sự chuẩn bị công phu nhất. Các thiết bị hỗ trợ như mũ bảo hiểm, găng tay, giày cao cổ, bộ quần áo chuyên dụng, máy bộ đàm, liên lạc vô tuyến - ra-đi-ô, máy đo độ cao, dù chính, dù phụ, đai ngồi, dây dù, la bàn, các thiết bị đo gió... tất cả phải đồng bộ và hoạt động tốt. Người chơi dù cũng phải có thể lực tốt, bởi có những hôm thời tiết không phù hợp, sẽ phải ngồi chờ cả ngày chỉ để được bay một lần. Môn dù lượn cũng nổi tiếng với độ "dã chiến": từ đồ ăn, nước uống, quần áo, lều, xe...
Ngoài trang thiết bị, địa hình, thì gió chính là yếu tố quan trọng cho một lần bay thành công. "Không có gió thì không có dù lượn", một VĐV Hà Nội khẳng định. Gió to quá dễ thổi dù vào vách núi, còn gió nhẹ thì lại dễ bổ nhào xuống đất, đều vô cùng nguy hiểm. Do vậy, người chơi dù lượn luôn có máy đo gió để biết lúc nào nên bay, lúc nào không. Với những ai có kinh nghiệm, chỉ cần luồng gió qua mặt, là biết gió đó "đẹp" hay "xấu". "Mọi sự chuyển động của thiên nhiên, bạn phải quan sát và làm chủ được nó", anh Bùi Thái Giang khẳng định.
Phải tận mắt chứng kiến các phi công bay lượn mới thấy hết sự hấp dẫn của môn thể thao này. Dọc con đường vắt ngang sườn núi, hàng trăm người dân cũng dõi lên bầu trời chiêm ngưỡng những đường bay và trầm trồ thán phục. Họ có mặt từ rất sớm để được tận mắt chứng kiến một cảnh tượng lạ lẫm: con người bay vào không trung như những cánh chim...
Những ước mơ mới chớm
Khoảng chục năm trước, một người chơi dù thường chỉ mơ ước được sở hữu những bộ dù "xịn" được nhập từ nước ngoài, thì bây giờ, hầu như ai cũng đã có. Họ bắt đầu khao khát những điều cao hơn, quan trọng hơn: được các ban, ngành chức năng ban hành luật lệ, quy định cụ thể đối với môn dù lượn, nhằm bước đầu xây dựng một môi trường chuyên nghiệp.
Hiện tại, tất cả đều mới chỉ là những cuộc chơi tự phát. Sự an toàn của người chơi còn hoàn toàn tùy thuộc vào tính cẩn thận của từng cá nhân, từng nhóm mà chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, chặng đường phát triển từ mức "phong trào" trở thành một môn thể thao "chính thống" cũng còn khá "mờ mịt". Theo HLV Hồng Mạnh Cường, "cho đến nay, những cơ quan quản lý thể thao cũng chưa có định hướng rõ rệt để phát triển môn dù lượn".
Những "tay dù" vẫn cứ chờ đợi, và trong khi chờ đợi, họ không ngừng tự lực bồi đắp kiến thức cho chính mình để sẵn sàng thực hiện những bước tiến. Trong quá khứ, cũng đã từng có những môn thể thao, những đội tuyển "cất cánh" từ nền tảng phong trào rộng khắp và vững mạnh như thế này. Thể thao Việt Nam từng nhận được những thành quả ngọt ngào từ các cơ thủ bi-a (Billard - snooker), từ những tay ném ki (bowling), từ các VĐV nhảy dù... thì sao lại không thể đón nhận một điều mới mẻ và hấp dẫn như dù lượn?
* Lãnh đạo Tổng cục Thể dục - Thể thao đánh giá:
Dù lượn là hoạt động thể thao góp phần làm phong phú cho cả ngành thể thao lẫn du lịch trong nước. Chính vì thế, ngành thể thao luôn ủng hộ kế hoạch phát triển môn này trong tương lai.
"Xu hướng chơi các môn thể thao giải trí đang phát triển mạnh trong khu vực, châu lục và thế giới. Tôi cho rằng, các VĐV Việt Nam hoàn toàn có thể chơi tốt môn này. Bằng chứng là chúng ta đã đạt thành tích cao tại kỳ SEA Games 26 (xếp thứ tư toàn đoàn ngay lần đầu tham dự). Vấn đề còn lại chính là xây dựng một đội tuyển thật sự mạnh, bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy phong trào, thu hút nhiều người chơi dù lượn trong cả nước", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành nói.
* Anh Bùi Thái Giang - một VĐV dù lượn "thâm niên": "Muốn tiến lên chuyên nghiệp, dù lượn Việt Nam bắt buộc phải có sự đầu tư, quản lý của Nhà nước, nhằm tạo ra những sân chơi, tạo cơ hội cho đội tuyển đi thi đấu nước ngoài, để có cơ hội cọ xát, học hỏi".
* Cuối năm ngoái, một cuộc thi có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã được tổ chức tại Hòa Bình, thu hút hơn 50 VĐV dù lượn trong và ngoài nước tham dự.