KhiMessicó mùa giải chính thức đầu tiên với Barcelona, anh chỉ là một chú nhóc 17 tuổi. Thân hình nhỏ bé và dáng chạy cúi đầu không lẫn vào đâu được, Leo đã làm say đắm biết bao trái tim người hâm mộ. Gần như ngay lập tức, anh gây ấn tượng với tất cả. Sau trận ra mắt thành công với Espanyol, HLV Rijkaard tiếp tục để Messi vào sân ở trận gặp Albacete và anh ghi bàn đầu tiên cho Barca. Cả xứ Catalan tin rằng họ đang sở hữu một ngôi sao của tương lai. Rijkaard cũng tin như thế nhưng tiếc là dưới sự dẫn dắt của ông, Messi chưa bao giờ thực sự là chính mình.
Dưới triều đại của Rijkaard, sân khấu Nou Camp là của “nghệ sỹ” Ronaldinho. Ngôi sao người Brazil là nguồn cảm hứng trong lối tấn công tuyệt đỉnh của Barca. Anh giúp đội bóng vô địch Liga và Champions League trong khi Messi mới chỉ là một chú bé chưa có tầm ảnh hưởng. Nói đến Barca khi ấy là nói đến Ronaldinho. Nhưng điều đó vô tình lại làm hại những người khác. Khi đội bóng chỉ tập trung vào một ngôi sao, thành tích của họ sẽ bị phụ thuộc vào phong độ của ngôi sao ấy. Sau quá nhiều vinh quang, Ronaldinho bắt đầu ngủ quên trên chiến thắng và đánh mất mình. Barca cũng vì thế mà suy yếu.
Rijkaard đã trao cho Messi những cơ hội đầu tiên
16 bàn thắng và 13 đường kiến tạo củaMessitrong mùa giải cuối cùng của Rijkaard không thể giúp Barca đi đến đỉnh vinh quang và càng không giữ được chiếc ghế của chiến lược gia người Hà Lan. Tương lai của Ronaldinho và nhiều người khác trở nên bấp bênh. Thế rồi Pep Guardiola lên ngồi ghế nóng và được trao toàn quyền tái thiết đội bóng. Ông lập tức gạt bỏ Ronaldinho, Eto’o và Deco, những công thần đã sa sút. Rốt cuộc, Ronaldinho và Deco ra đi. Eto’o ở lại bất chấp mâu thuẫn với Pep. Tiền đạo người Cameroon ghi bàn trong trận chung kết Champions League với MU ngay cuối mùa giải đó. Nhưng khi ấy, ngôi sao lớn nhất của Barca không phải là Eto’o, mà là Messi.
Được trao chiếc áo số 10 của Ronaldinho, Messi chẳng hề cảm thấy áp lực. Trái lại, việc đàn anh người Brazil rời khỏi Nou Camp còn giúp Leo có nhiều đất diễn hơn. Anh nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của Pep, được bố trí bên cánh phải sát với khu cấm địa và được tự do đi bóng rồi dứt điểm. Với sự hỗ trợ tuyệt vời của hàng tiền vệ, Messi ghi 38 bàn và kiến tạo 18 lần, vượt xa những con số tương ứng của một năm về trước.
Pep biến Messi thành người giỏi nhất
Nhà cầm quân trẻ tuổi biết mình đang có trong tay một “sát thủ” siêu đẳng nên sẵn sàng bán Eto’o. Khi tiền đạo chủ lực ấy ra đi, Messi chính là nguồn sống của đội bóng. Hai mùa giải qua, anh ghi tổng cộng 100 bàn và có 35 đường kiến tạo. Phần lớn trong số này là những tuyệt phẩm đẹp mắt và rất nhiều trong đó mang tính quyết định. Chẳng hạn như cú đúp vào lưới Real Madrid ở bán kết lượt đi Champions League năm nay hay bàn nâng tỷ số lên 2-1 trong trận chung kết với MU vừa qua. Thành tích ấn tượng ấy có công lớn của Pep khi ông mạnh dạn đẩy Messi từ biên vào trung lộ nhằm tạo điều kiện cho anh có mặt nhiều hơn trước vòng cấm, phát huy khả năng giữ bóng, đi bóng và dứt điểm siêu hạng. Ở vị trí đó, Leo cũng dễ phối hợp với cặp đôi Xavi – Iniesta hơn. Và ai cũng biết, khi tiqui-taca đã đạt độ nhuần nhuyễn, bàn thắng sẽ đến một cách vô cùng dễ dàng.
Đã ở đỉnh cao danh vọng với mọi thành công cùng “Barca thần thánh của Pep”, nhưng Messi không hề quên Rijkaard: “Tôi không bao giờ quên ông ấy chính là người cho tôi sự khởi đầu tốt đẹp trong sự nghiệp. Ông ấy rất tin tưởng và không ngừng khuyến khích khi tôi mới 16 hay 17 tuổi”. Đương nhiênMessikhông thể quên công lao của Rijkaard. Nhưng nếu được, chắc chắn anh muốn làm việc mãi với Pep Guardiola, người hiểu đến chân tơ kẽ tóc Barca, đội bóng mà Leo nguyện gắn bó trọn sự nghiệp, và có lẽ là người duy nhất có thể giúp Messi đạt đến độ hoàn hảo trong lối chơi.
Theo 24h.com.vn