Memphis Depay sẽ giải "lời nguyền số 7" ở Old Trafford?

Khánh Tùng |

Số 7 được xem như một số áo huyền thoại ở Man United. Nhưng từ sau sự ra đi của Ronaldo, chiếc áo ấy trở nên quá lớn với những người kế tục.

Nếu không có gì thay đổi, Man United sẽ bán Di Maria cho PSG trong ít ngày nữa với giá hơn 44 triệu bảng, chấp nhận lỗ 15 triệu bảng chỉ sau một năm.

Di Maria, không còn gì phải nghi ngờ, chính là một sai lầm đắt giá của ban lãnh đạo Quỷ đỏ.

Một năm trước, họ thậm chí còn tin chắc rằng chiếc áo số 7 rốt cuộc cũng tìm được một chủ nhân xứng đáng sau Cristiano Ronaldo.

Việc Di Maria sớm phải bán xới khỏi Old Trafford cũng khẳng định một lần nữa sự tồn tại của cái gọi là "lời nguyền số 7". Từ khi Ronaldo ra đi, số 7 bỗng trở thành số áo "sát chủ".

Antonio Valencia thậm chí còn phải xin bỏ số 7 để trở lại với số 25. Áp lực từ sự kỳ vọng là quá mức chịu đựng của anh.

Ngoài ra, từ khi mang áo số 7, Valencia còn thường xuyên có vấn đề với các chấn thương, dẫn tới phong độ sa sút thảm hại.

Trước khi Di Maria đến, Man United bỏ trống chiếc áo số 7. Không ai đủ dũng cảm để mặc chiếc áo đó. Sau khi Di Maria ra đi, rất có thể chiếc áo số 7 lại đang bị bỏ trống một lần nữa.

Depay sẽ là đối tác tuyệt vời cho Rooney.
Depay sẽ là đối tác tuyệt vời cho Rooney.

Nhưng cũng có thể, sự ra đi của Di Maria sẽ mở ra cơ hội tìm được chủ nhân xứng đáng cho chiếc áo số 7, ngay trong mùa giải này.

Người được kỳ vọng sẽ giải "lời nguyền" kia chính là Memphis Depay, hiện vẫn tạm mang số 9.

Nhưng tại sao lại là Depay? Vì anh xứng đáng. Và vì ngoài anh ra, chẳng còn ai xứng đáng với chiếc áo số 7 hơn.

Ngôi sao trẻ người Hà Lan đã tạo nên một cơn sốt thực sự trong lòng đội bóng sau khi chuyển từ PSV tới với giá 25 triệu bảng mùa Hè này.

Anh không mất nhiều thời gian để khiến các đồng đội liên tưởng tới hình ảnh của Ronaldo trong những ngày đầu ở Old Trafford: Tốc độ, những pha xử lý ma thuật với cả hai chân, khả năng đánh hơi bàn thắng, kỹ năng sút phạt điêu luyện.

Trên tất cả, Depay gợi nhớ tới Ronaldo bởi sự chuyên nghiệp, tập trung, và thái độ nghiêm túc với công việc. Anh luôn bị ám ảnh về việc phải tiến bộ và tiến bộ hơn nữa.

Sự ám ảnh ấy được cho là bắt nguồn từ tuổi thơ gian khó. Khi Depay mới 4 tuổi, bố anh, một người Ghana, và mẹ anh, một người Hà Lan, chia tay nhau.

Bố anh không bao giờ có liên hệ gì với anh nữa, và đó là lý do lưng áo của anh ghi tên riêng, Memphis, chứ không phải họ, Depay.

Việc phải tự mình vươn lên từ gian khó cũng phần nào giải thích sự tồn tại của một mảng tối bên trong con người Depay. Anh bị đánh giá là có cái tôi quá lớn.

HLV Ronald Koeman từng công khai chỉ trích Depay vì điều đó. "Anh ta cư xử như thể đã giành 10 chức vô địch châu Âu vậy", ông nói. "Thái độ đó... thật không biết phải nói thế nào!"

Kenneth Perez, cựu tiền đạo của Ajax và PSV, nói rằng đôi lúc anh nghĩ Depay là một gã "điên toàn tập".

Trong khi đó Wim Kielf, cựu tiền đạo của Ajax, PSV và đội tuyển Hà Lan, người từng làm việc với Depay khi anh còn là một cầu thủ trẻ, thì cho rằng Depay gặp vấn đề về thần kinh.

Những màn trình diễn đầu tiên của Depay trong màu áo Man United:

Depay không phải là không nhận ra vấn đề của bản thân. Anh đã thuê riêng một HLV, Joost Leenders, để có thể kiểm soát tốt hơn tâm trạng của mình.

Tuy nhiên, sở hữu một cái tôi lớn không hẳn là một bất lợi. Chính sự hãnh tiến của Depay sẽ thôi thúc anh nỗ lực không ngừng nghỉ cho tới khi đạt được thứ anh cần mới thôi.

"Khi tôi nhìn vào gương, tôi thấy có thêm động lực bởi biết rằng tôi vẫn chưa ở nơi mà tôi muốn tới", Depay nói. "Tôi muốn thắng mọi lúc mọi nơi. Nếu tôi thua, tôi coi như đã mất đi một ngày".

Đó chính là thái độ sống đã biến Ronaldo từ một chàng trai mảnh khảnh ưa vẽ vời thành một cỗ máy săn bàn hàng đầu thế giới. Thái độ sống ấy cũng sẽ đưa Depay tới thành công.

Depay vẫn chưa phải là một sản phẩm hoàn thiện. Tốc độ, kỹ năng, sức mạnh và khả năng qua người của anh đều rất ấn tượng. Nhưng khả năng ra quyết định của anh lại chưa tốt. Anh có lực sút mạnh. Nhưng chưa thực sự chính xác.

Điều Depay cần là một người thầy tốt. Và anh đã có điều đó với Van Gaal. Van Gaal là người đã đưa Depay tới World Cup 2014, giải đấu mà anh đã ghi dấu ấn với 1 bàn, 1 pha kiến tạo trong trận gặp Australia, và 1 bàn thắng khác ở trận gặp Chile.

"Van Gaal đầu tư vào tôi trên khía cạnh một con người", Depay nói. "Ông ấy rất quan tâm tới quá khứ của tôi, những suy nghĩ của tôi, tham vọng của tôi, và cả những gì tôi làm trong thời gian rỗi".

"Ông ấy có thể khắc nghiệt và đòi hỏi cao, nhưng tôi cần một HLV như thế".

Còn Van Gaal? Khi ông bỏ công thuyết phục Depay từ chối PSG và Liverpool để tới Man United, ông hẳn đã nghĩ qua về chiếc áo số 7, về "lời nguyền" kéo dài quá lâu kia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại