Maria Sharapova: Lớn lên trên lưng cha & bước đi vào địa ngục

Bảo Nam |

Mồ hôi, nước mắt, tâm huyết của ông Yuri đã mang cô con gái độc nhất Maria Sharapova đến với đỉnh cao. Nhưng chưa kịp trả ơn cha, Masha dính vào doping...

Tuổi thơ êm đềm

Đứng trong phòng họp báo tại khách sạn Los Angeles chiều qua (theo giờ địa phương), Maria Sharapova đeo chiếc đồng hồ trị giá hơn 1 triệu USD, mặc bộ cánh hàng hiệu có giá hơn 300.000 USD.

Cô lái một chiếc Bentley, ở biệt thự có giá 7 triệu USD và trên hết là khối tài sản hơn 30 triệu USD trong ngân hàng.

Sharapova sở hữu cuộc sống của một bà hoàng trên đất Mỹ, và tất cả sẽ hoàn hảo biết bao nếu như câu chuyện cô nói trong phòng họp báo không phải là những lời giải thích, những lời hối lỗi về chuyện phản ứng dương tính với chất doping.

Từ vùng quê nghèo khó Gomel, gần khu vực diễn ra thảm họa hạt nhân Chernobyl cho tới căn phòng họp báo lộng lẫy là một chặng đường rất dài.

Masha dĩ nhiên tiến lên đỉnh cao quần vợt nhờ năng lực của bản thân, nhưng để cô bén duyên với tennis, ông Yuri, bố của Sharapova đã phải hy sinh gần như cả tuổi trẻ.

Gia đình Sharapova vốn sống tại Gomel (Belarus), nhưng lo ngại thảm họa Chernobyl sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của cô công chúa vẫn còn đang nằm trong bụng mẹ, bố của Masha, ông Yuri đã quyết định chuyển tới Nyagan, (Siberia, Nga) vào năm 1987, đúng năm Sharapova chào đời.

Cuộc sống của gia đình Sharapova không dư dả gì, nếu không muốn nói là tương đối khó khăn, chật vật. Nhưng tuổi thơ trong trí nhớ của Sharapova là những chuỗi ngày êm đềm trong vòng tay của bố mẹ.

“Tuổi thơ của tôi là những ngày mà buổi sáng gia đình tôi có thể bơi ở biển Chết, chiều lên núi đi dạo và tối trượt tuyết trên ngọn núi đó”, Sharapova tâm sự.

Không ai nghĩ Sharapova sẽ chơi quần vợt cho đến ngày cô được một người bạn của bố, Aleksandr Kafelnikov (có con trai là Yevgeny, tay vợt Nga đầu tiên lên số 1 thế giới) tặng cho chiếc vợt tennis.

Đó chỉ là một chiếc vợt đã được cắt ngắn cho phù hợp với trẻ em. Năm đó, Masha 4 tuổi.


Bắt đầu yêu tennis từ khi 4 tuổi, Masha và bố đã trải qua một hành trình dài để vươn tới đỉnh cao.

Bắt đầu yêu tennis từ khi 4 tuổi, Masha và bố đã trải qua một hành trình dài để vươn tới đỉnh cao.

Niềm đam mê tennis đến với Sharapova một cách tự nhiên. Trong những lúc rảnh rồi, Masha lấy chiếc vợt đó tập đánh bóng với bức tường nhà. Nhận thấy sở thích của con, ông Yuri bắt đầu cùng con gái tập tennis ở công viên.

Sáng đi làm, chiều tối lại cùng con gái ra công viên chơi tennis, trong trí nhớ của Sharapova, bố cô luôn trong tình trạng mệt mỏi cực độ, nhưng vì niềm vui của con gái, ông không bao giờ phàn nàn nửa lời.

Thế rồi bằng những mối quan hệ cá nhân, Yuri xin cho Sharapova được học tennis một cách bài bản với thầy Yuri Yutkin.

Năm 1993, mối lương duyên trời định đến với Masha, khi cô lọt vào tầm ngắm của huyền thoại Martina Navratilova chỉ nhờ vài đường đánh biểu diễn trong một giải đấu nhỏ ở Moscow.

Navratilova gợi ý Masha nên gia nhập học viện Nick Bollettieri ở Florida, Mỹ - nơi đã từng đào tạo ra những Andre Agassi, Monica Seles, hay Anna Kournikova.


Tay vợt nữ người Nga hiện sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng trước đó, cô và ông Yuri đã bắt đầu ước mơ Mỹ chỉ với 700 USD.

Tay vợt nữ người Nga hiện sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng trước đó, cô và ông Yuri đã bắt đầu ước mơ Mỹ chỉ với 700 USD.

Từ 700 USD thành triệu phú

Nước Mỹ với Sharapova lúc đó là một giấc mơ. Một đất nước xa xôi, tốn kém là vượt quá khả năng tài chính của gia đình cô. Masha không bao giờ nghĩ rằng cô sẽ đến với học viện Nick Bollettieri.

Sau vài đêm suy nghĩ, ông Yuri quyết định chơi một canh bạc lớn trong cuộc đời. Ông chạy vạy vay của người quen đúng 700 USD và đưa cô con gái sang đất Mỹ. Vào thời điểm đó do không xin được visa nên mẹ của Masha, bà Yelena vẫn ở lại Nga.

Masha và cha đến Mỹ vào năm 1994, khi cô mới 7 tuổi. Không dễ gì để ngay lập tức được học tennis ở một nơi đắt đỏ như Mỹ. Với vốn liếng chỉ 700 USD, những tháng ngày đầu của Masha và bố ở nước Mỹ thật sự là một cơn ác mộng.

Không biết tiếng Anh, không có tiền, ông Yuri nhận bất kỳ công việc nào có thể kiếm ra tiền. Ban ngày ông đi rửa bát, chiều tối lại làm thêm cho những người Nga đang sinh sống ở Mỹ.

Nhưng nỗ lực của Yuri vẫn chưa đủ để cô con gái độc nhất được nhận vào học viện Nick Bollettieri. Masha còn quá nhỏ để tiếp nhận đào tạo ở đây.

Cô phải vào tạm học viện Rick Macci, tập luyện tennis hàng ngày còn ông Yuri miệt mài kiếm tiền, đơn giản để ông và con gái có đủ 3 bữa cơm mỗi ngày.


Maria Sharapova khởi nghiệp trên đất Mỹ với không ít khó khăn.

Maria Sharapova khởi nghiệp trên đất Mỹ với không ít khó khăn.

Theo miêu tả của ông Yuri thì những năm tháng đầu tiên của Sharapova trên đất Mỹ cũng chẳng dễ dàng, ngay cả khi cô đã được học tennis chuyên nghiệp.

“Masha không biết tiếng Anh. Tôi còn nhớ là trong 1 tháng đầu, nó chỉ nói duy nhất được 1 từ: Cat (con mèo). Đứa con gái mới 7 tuổi phải xa mẹ, đó cũng là khó khăn rất lớn với Masha”, ông Yuri nói.

Trong buổi trả lời phỏng vấn trên Daily Mail, Sharapova cho biết, sau 2 năm ở Mỹ, mẹ cô rốt cuộc cũng nhận được visa để gia đình đoàn tụ. Đó là thời điểm mà bà Yelena Sharapova dồn toàn bộ tình yêu và sự quan tâm dành cho cô con gái.

“Mẹ tôi yêu cầu tôi phải đi học ballet, học vẽ, hay đơn thuần là học một môn nghệ thuật nào đó. Bà là người nhắc tôi phải hoàn thành bài tập về nhà mỗi ngày, là người cuối cùng ở bên cạnh giường trước khi tôi ngủ.

Mẹ tôi cũng dạy rằng, người phụ nữ phải đẹp, ngay cả khi tôi chơi thể thao. Đó là lý do sau khi nổi tiếng, tôi luôn nhận lời làm đại diện cho các nhãn hàng làm đẹp.

Mẹ tôi luôn muốn thấy tôi đẹp trên các mặt báo. Thời còn trẻ, bà ấy là người đẹp nhất làng”, Sharapova trong lần hiếm hoi nói về mẹ.

Xuyên suốt cả hành trình tuổi thơ cho đến khi đã chập chững gia nhập thế giới của những siêu sao quần vợt, Maria Sharapova luôn lớn lên trên lưng cha, trong vòng tay mẹ.

Bố của cô đã hy sinh tất cả để con gái có thể sang Mỹ và mẹ cô là người, mà theo miêu tả của Masha, đưa cô đến với thế giới văn minh, giúp cô có những cái nhìn đúng đắn.

Tuy Masha vươn lên đỉnh cao nhờ năng lực của bản thân, nhưng trong suốt hành trình đến với những khối tài sản khổng lồ sau này, cuộc sống của cô gặp rất nhiều may mắn.

Từ gia đình, cho đến mối lương duyên với người đại diện Max Eisenbud, người đầu tiên Masha gặp khi vào học viện Nick Bollettieri, chưa bao giờ Sharapova thiếu tình cảm, thiếu những bệ phóng.

Đáng tiếc, khi đã ở đỉnh cao của sự nghiệp thì cô lại tự tay hủy hoại tất cả. Dư luận người đồng tình, kẻ phản đối Sharapova, nhưng tựu chung lại, chính Masha cũng thừa nhận, cô đã sai lầm.

Từ 700 USD vay mượn cho tới một triệu phú có khối tài sản hàng chục triệu USD là một chặng đường rất dài của Sharapova. Chỉ tiếc rằng cái kết thật không có hậu với Búp bê Nga.

Trong sự nghiệp quần vợt của mình, Maria Sharapova từng 5 lần được Hiệp hội quần vợt nữ (WTA) xếp top 1, với tổng thời gian ngự trị là 21 tuần.

Hiện, cô đang được xếp đứng vị trí thứ 7, trước khi bị đình chỉ thi đấu (chưa rõ thời hạn)

Maria Sharapova dính doping, bị cấm thi đấu tennis

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại