Man United và Chelsea: Những nỗi khổ riêng

Theo tinthethao |

Man Utd và Chelsea, hai màu xanh đỏ, hai đại diện máu mặt nhất của hai phong cách bóng đá, hai mô hình phát triển đối lập ở Anh. Thời gian đã làm cả hai thay đổi, cả về con người lẫn lối chơi, nhưng không hẳn theo nghĩa đi lên. Mỗi đội lại gặp những vấn đề khác nhau và đôi lúc có lý do phải nhìn “bên kia” để “ghen tỵ”.

Khi Chelsea không còn những “Voi rừng”

Không chỉ cá nhân Didier Drogba, cả tập thể Chelsea trước đây đã tạo nên một phong cách, dáng vẻ, một thứ bóng đá sần sùi, mạnh mẽ, lạnh lùng, đôi khi đến khô khốc. Với đông đảo người hâm mộ toàn cầu, nhắc tới The Blues gần đồng nghĩa với nhắc tới đội bóng chỉ tính từ lúc Mourinho về tiếp quản và được Abramovich rót tiền.

Chất thép, chất đấu sĩ, thực dụng ngày ấy là mồi lửa châm sáng những tình yêu, khẳng định hẳn một chỗ đứng, một thương hiệu “phủ xanh” trên diện rộng – những thứ chỉ dùng tiền không thôi chẳng thể nào mua được. Tình yêu bóng đá là thứ tình yêu đặc biệt, không dễ bị lung lay khi có những đổi thay, và fan Chelsea vẫn cứ là fan Chelsea dù câu lạc bộ đang “biến hình” sang một diện mạo khác hẳn.

Cái khác ấy bắt đầu ngay từ cách gây dựng đội hình. Vẫn tiêu tiền đấy, nhưng nếu như mọi bản hợp đồng dưới thời Mou đều đậm ý nghĩa chiến thuật, có sự tính toán cao, thì bây giờ Chelsea lại mua người theo kiểu “thấy đẹp là mua”. “Đẹp” ở đây có thể là chơi bóng đẹp mắt, là mới nổi, là hàng hot, là được báo chí tung hô, và mua càng nhiều càng tốt.

Ba bản hợp đồng quan trọng trong một mùa hè với những cầu thủ mà nhiều đội chỉ mua một là đã đủ đình đám rồi, vậy nhưng cũng chỉ thi thoảng, tùy hứng, họ mới phát huy tác dụng. Mata vẫn ổn định, nhưng khi bế tắc thì mình anh cũng không làm sao được, kiểu hình ảnh như thế của Chelsea mùa này xuất hiện như cơm bữa, và một trận thắng MU không có vẻ gì sẽ làm nó thay đổi.

Man United và Chelsea: Những nỗi khổ riêng
Man Utd và Chelsea, hai đại diện máu mặt nhất của hai phong cách bóng đá, hai mô hình phát triển đối lập ở Anh

Chỉ cần gặp một đối thủ chơi áp sát và tấn công đơn giản, Chelsea lập tức trở nên bị động. Khổ cho họ là chuyện ghi bàn lại chỉ trông vào một Torres đã đánh mất mình, chỉ khi Demba Ba có mặt, sức khỏe, sự nhiệt tình, khả năng càn lướt và cả chất ngẫu hứng của anh mới đem về những nét tươi mới. Nhưng tổng quan mà nói, hiện tại anh vẫn chưa phải một tiền đạo đủ đẳng cấp để “đứng trên” dàn tiền vệ ngôi sao bạc triệu một cách lâu dài, những gì làm được vẫn mang tính phong độ, bộc phát nhiều hơn.

Ai cũng nói Chelsea nổi lên nhờ tiền và có lực lượng mạnh, song riêng về các cá nhân tuyến đầu thì họ sẽ phải ghen tỵ với Man Utd. Đúng là Rooney không bùng nổ, Persie đã chững lại, Chicharito không ở đẳng cấp quá cao và Welbeck thì chỉ trên mức khá, song nhờ có đến bốn cái tên thay đổi, nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đẳng cấp, cái duyên, sức trẻ, và dòng máu truyền thống, Man Utd đang là đội ghi bàn nhiều nhất Premier Leage.

Tuy nhiên, ngoài hàng tiền đạo ai cũng thấy là “thiếu”, sức mạnh của Chelsea chỉ thực sự được đánh giá đúng khi có một huấn luyện viên đưa họ vào guồng, giữ được một bản sắc cụ thể. Mourinho được chờ đợi sẽ trở về, song nếu quá phụ thuộc vào giả thiết chẳng ai biết xảy ra hay không ấy, Chelsea sẽ mắc kẹt mãi trong sự cải cách chưa đến nơi của mình.

Và một Quỷ đỏ “bình thường”

Ba tiền vệ công biên đích thực của Man Utd là Nani, Ashley Young, Valencia mới ghi được tổng cộng 3 bàn. Trong khi đó ở vị trí “hỗ trợ tấn công” của mình, Mata và Hazard đã có tới 30 bàn cho Chelsea. Nếu như Quỷ đỏ có thể yên tâm về các tiền đạo thì hàng tiền vệ của họ lại thua xa những đội chịu chơi như The Blues – những đội rất thích tậu những cầu thủ danh tiếng có thiên hướng sáng tạo, tự do, làm hạt nhân cho lối đá trong bối cảnh ai cũng muốn chạy theo mốt tấn công hoa mỹ.


	Những ngôi sao của Man Utd bỗng nhiên ngừng tỏa sáng

Những ngôi sao của Man Utd bỗng nhiên ngừng tỏa sáng

Nhìn lại ngay trận gặp nhau ở cúp FA để so sánh. Carrick đáng khen và ổn định thật đấy, nhưng sở trường là chơi “chính giữa” một cách tròn trịa, bảo anh phải tiến sâu vào vòng cấm và gây đột biến như Mata thì không thể. Những người thỉnh thoảng tạo ra kỳ vọng như Cleverley hay Anderson thì không để lại bất cứ một ấn tượng nào ngoài việc làm tròn nhiệm vụ tranh bóng, bóng đến thì chuyền đi, phần lớn ở sân nhà.

Valencia không còn những pha bứt tốc ấn tượng, Nani vẫn “thế”, Young quá “bình thường”, mỗi điểm mạnh của từng cá nhân đều một là đã cùn, hai là chỉ chớp nháy, không ai ở đẳng cấp cao thực thụ. Đây không phải vấn đề của chỉ một trận đấu. Không có cái tên nào mà trong một trận cầu lớn đối thủ sẽ phải thật kiêng dè từ hàng tiền vệ Man Utd, họ đá ra sao thì ai cũng đã biết cả rồi.

Quỷ đỏ vốn là điển hình của bóng đá Anh truyền thống giao thoa với sự tinh tế, điều tiết, khai triển cả trục giữa sân. Nhưng nó đã dần mất đi khi tiền vệ cánh của họ chẳng khiến hậu vệ nào phải “sợ”, còn những Scholes, thậm chí Hagreaves, không còn tái hiện nữa. Giả sử sau lưng các tiền đạo rất ổn của Man Utd là những Oscar, Mata, Hazard, đó sẽ là một hàng công tuyệt đỉnh, nhưng rất tiếc, chuyện như vậy không xảy ra ở Old Trafford, nơi Sir Alex chẳng bao giờ mua nhiều sao như thế để “tiến nhanh hơn”.

Nói không quá, với tiềm lực đang có, Man Utd và Chelsea là hai đại diện hàng đầu để đặt hy vọng của bóng đá Anh khi bước ra châu lục, cùng với Man City – đội chỉ thiếu chút nữa thôi để là ông lớn hoàn hảo.

Trong khi Chelsea đang phụ thuộc quá vào sự khác biệt của các tiền vệ và mô hình vận hành chung còn chưa vững chãi, thì Man Utd dù khá chắc chân lại thiếu tính áp đảo, thăng hoa của một kẻ chinh phục “ngoài biên giới”. Những hạn chế tuy không mới nhưng vẫn sẽ là rào cản cho mỗi đội khi chinh chiến ở châu Âu. Nếu muốn tiến tới đỉnh cao thật sự, không sớm thì muộn sẽ phải có những đổi thay, cải thiện nơi hai màu xanh, đỏ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại