Không phủ nhận những khó khăn trong ít nhất một năm nữa, nhưng ông Dũng vẫn rất tin tưởng bóng đá VN vẫn sẽ lớn mạnh nếu người hâm mộ không bỏ rơi bóng đá.
Chúng tôi bắt đầu câu chuyện bằng thất bại của tuyển VN ở AFF Suzuki Cup. Ông Dũng không giấu được sự phẫn nộ khi nói:
“Theo tôi, đây là đội tuyển tệ nhất kể từ khi bóng đá VN chúng ta hoà nhập trở lại với bóng đá quốc tế.
Nếu đơn thuần là chuyên môn không tôi không nói vì bóng đá mạnh nhất Đông Nam Á như Thái Lan, hay mạnh nhất thế giới như Brasil cũng có lúc thất bại.
Tôi chỉ bất mãn vì cách hành xử quá nghiệp dư, nghiệp dư cả trong cách suy nghĩ của một số cầu thủ khiến bóng đá chúng ta, và nói chung hơn là người dân VN chúng ta mất mặt.
Cầu thủ bóng đá theo tôi biết đã vào sân là như một chiến sĩ. Vậy mà, đa phần cầu thủ VN của đội tuyển tham dự vòng loại AFF Suzuki Cup trên đất Thái như những kịch sĩ khi đuổi theo trái bóng. Cá nhân tôi, một trong những người có trách nhiệm cầm trịch bóng đá nước nhà phải vô cùng xấu hổ cho họ, cho bản thân.
Tôi đã thống nhất với những người có trách nhiệm là sẽ không nêu tên cụ thể họ. Nhưng, tôi tin người hâm mộ của một trong những nền bóng đá cuồng nhiệt nhất thế giới sẽ không khó nhìn ra tôi đang nói về những người nào.
Tôi cam đoan, sẽ phản đối đến cùng việc gọi lại những cái tên như thế vào đội tuyển. Ít nhất là trong thời điểm tôi còn ngồi một trong những chiếc ghế ở VFF trong đời”.
Phó chủ tịch của VFF, Ông Lê Hùng Dũng
(PV): Nhưng lại có người thông cảm cho họ khi “nồi cơm” của họ là CLB vẫn chưa biết còn dùng đến ngày nào nữa nên cầu thủ không thể tập trung?
( Ông Lê Hùng Dũng): Đó chính là sự nghiệp dư mà tôi vừa nói ở trên. Nếu là một con người chuyên nghiệp – cầu thủ chuyên nghiệp tại sao họ không nghĩ sẽ được các đội bóng lớn chào đón bằng hợp đồng tiền tỷ nếu họ trình diễn tốt trong màu áo đội tuyển quốc gia.
Đằng này, chưa vào sân họ đã lo chấn thương, hoặc đá không tốt sẽ mất điểm trong mắt CLB. Nếu là tôi – bằng niềm tự tin của bản thân, tôi sẽ hành động khác. Tôi tin khi mình đã chiến đấu hết mình thì thành quả sẽ tới. Cả thành quả trước mắt và lâu dài.
Lê Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Hữu Thắng,... những cái tên cầu thủ lớn và giờ đang là HLV lớn - tất cả đang sống cả đời nhờ những giọt mồ hôi, và cả máu bằng những trận đấu không khoan nhượng trong quá khứ đó sao?
Nếu có cơ hội được nói với đội tuyển trước các trận thua bạc nhược trước vòng loại AFF Suzuki Cúp tôi sẽ nói như vậy. Tuy nhiên, thất bại là không ai biết trước được.
(PV): Thực tế thì đã có bầu Thuỵ bỏ chạy khỏi Sài Gòn – Xuân Thành, bầu Trường bỏ V.Ninh Bình, Khánh Hoà cũng bị bán cho Hải Phòng đấy thôi?
(Ông Lê Hùng Dũng): Tôi lại có suy nghĩ khác và thấu hiểu cho tình cảnh về những cái tên anh vừa nói. Không gì đau xót hơn khi phải dứt bỏ những đứa con tinh thần mà họ đã dành cả tâm huyết, tiền bạc để nuôi dưỡng. Như anh cũng đã biết, bóng đá VN chúng ta chưa sinh lời được.
Do vậy, gần như 100% ông bầu chơi bóng đá đều vì niềm đam mê, sở thích là chính. Để một đội bóng tồn tại trung bình cỡ K.Khánh Hoà cũng gần 50 tỷ đồng/mùa. Trong khi đó, để cạnh tranh thành tích thì tôi biết B.Bình Dương, HN.T&T, Sài Gòn – Xuân Thành phải bạo chi gần 100 tỷ đồng.
Bỏ ra tiền tỷ như vậy nhưng đổi lại chỉ là niềm vui sướng khi đội nhà thắng trận, buồn bã khi thảm bại thử hỏi có đắt hay không?
Do vậy, tôi nghĩ người hâm mộ, và cả giới truyền thông các anh hãy lặng im một chút để nghĩ về những gì các ông bầu bóng đá đã làm cho bóng đá thay vì lao vào chỉ trích.
Bóng đá VN chúng ta không khác gì bóng đá thế giới khi không thoát ra khỏi sự trì trệ của cơn khủng hoảng kinh tế được. Nhưng tôi tin bóng đá VN sẽ không chết vì vẫn còn đó niềm tin yêu, sự độ lượng của người hâm mộ.
(PV): Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.