Khi bầu Đức rút lui

Hà Thành |

Hai người rút khỏi VPF lại chính là ông Lê Hùng Dũng hiện là Chủ tịch VFF và ông Đoàn Nguyên Đức.

Ngày VPF chào đời, với những tuyên bố đanh thép của bầu Kiên nó được kỳ vọng sẽ thay da đổi thịt nền bóng bóng đá nước nhà. Thế nhưng, sau nhiệm kỳ trứng nước, VPF suýt… “chết nước”.

12 CLB GIẢI TÁN

Cty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) được thành lập vào cuối năm 2011 do bầu Kiên khởi xướng để giành lại quyền tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp V-League, hạng Nhất, Cúp Quốc gia từ tay VFF.

Ngày VPF chào đời, nhìn vào “dàn bầu” vừa có tiền, vừa có danh tiếng đứng ra cầm chịch, ai chả nghĩ, rồi VPF sẽ sống khỏe - hệt như những lời lẽ có gang, có thép của bầu Kiên.

Thực tế đã có cái để mừng khi bầu Kiên “đôi công” lấy lại bản quyền truyền hình giải đấu từ tay AVG (đơn vị đã mua của VFF với thời hạn 20 năm trước đó).

Thế nhưng, mừng chẳng tày gang. Bầu Kiên rơi vào vòng lao lý, đội bóng của bầu Kiên cũng theo ông mà… giải tán.

Và sau 3 năm tuổi, tức một nhiệm kỳ nhìn lại, dưới sự tổ chức của VPF, đã có thêm 10 CLB nữa theo chân đội bóng của bầu Kiên đi vào quá vãng.

Đại hội cổ đông VPF 2014 (Ảnh: Quang Minh)...

Đại hội cổ đông VPF 2014 (Ảnh: Quang Minh)...

Cụ thể, có 8 CLB là thành viên sáng lập Cty VPF gồm CLB Vissai Ninh Bình, SQC Bình Định, Khatoco Khánh Hòa, TMN Cảng Sài Gòn, Navibank Sài Gòn, Xuân Thành Sài Gòn, CLB Hà Nội, CLB Bóng đá Hà Nội giải thể.

Bốn CLB Kiên Giang, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu và mới nhất là An Giang ngừng cuộc chơi vì… hết tiền.

Ba mùa bóng, 12 CLB của V.League và hạng Nhất biến khỏi bản đồ bóng đá nước nhà thực sự là một thảm kịch lớn kể từ ngày giải đấu cao nhất làng bóng đá quốc nội tiến hành chuyên nghiệp hóa (2001).

Sự ra đi của các CLB không những khiến giải đấu mùa nào cũng bị xáo trộn mà còn khiến vốn điều lệ của VPF chưa bao giờ đạt đủ 30 tỷ đồng như quy định vì vẫn tồn tại những CLB không chịu góp vốn rồi cho đến khi giải thể thì “bùng luôn”.

Thậm chí tồn tại tình trạng nhiều CLB tham gia giải đấu chây ì không chịu đóng tiền niên liễm dự giải khiến BTC giải phải khản cổ kêu gọi, thúc ép.

LỢI NHUẬN GIẢM THÊ THẢM

Mùa bóng 2012, năm đầu tiên hoạt động VPF đạt lợi nhuận là 11 tỷ đồng nhưng đến mùa 2013 lợi con số này chỉ còn khoảng 1,5 tỷ đồng, tức chưa đầy… 10% kế hoạch.

Gần đây nhất, mùa bóng 2014, VPF đặt ra kế hoạch kiếm được lợi nhuận là 35,8 tỷ đồng nhưng trên thực tế khi năm 2014 chỉ còn 1 ngày nữa khép lại, lợi nhuận chỉ có 3,56 tỷ - tức đạt có 9,95%. Đây là thực tế rất đang buồn của VPF.

Vì sao VPF rơi vào cảnh này thì có 3 nguyên nhân được chỉ ra. Thứ nhất, người cầm trịch VPF là bầu Kiên vướng vòng lao lý, khiến công việc dở dang.

Thứ hai, sau giai đoạn phát triển quá nóng và mất định hướng dưới thời VFF điều hành thì bóng đá Việt Nam đã gánh hậu quả và VPF về mặt nào đó chỉ là “nạn nhân”.

Thứ ba, trình độ, ý thức làm bóng đá chuyên nghiệp của nhiều CLB lẫn VFF và chính VPF còn yếu kém để có thể phát triển mô hình bóng đá chuyên nghiệp đúng đắn.

Ở Đại hội thường niên vừa qua mọi thứ đã trở nên dè dặt hơn rất nhiều, bộ máy điều hành VPF cũng đã có những thay đổi. Theo đó số lượng thành viên HĐQT từ 9 người ở nhiệm kỳ cũ chỉ còn lại 7 người trong nhiệm kỳ mới.

2 người rút khỏi VPF lại chính là ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch VFF và ông Đoàn Nguyên Đức, người mà 3 năm trước hừng hực quyết tâm, gạt bỏ sĩ diện để tuyên bố cả đời chưa từng làm phó song vì sự phát triển của VPF mà nhận lời làm phó cho ông Võ Quốc Thắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại