Kẻ chiến bại Barca: Chết trong sự hào nhoáng

Hòa 1-1 trước Atletico Madrid, Barca chính thức trắng tay. Một mùa bóng thất bại toàn diện, từ khía cạnh chuyên môn cho đến giá trị tinh thần của đội bóng xứ Catalunya.

Sự đơn giản, chân phương giúp Atletico Madrid lên ngôi trong khi Barca dường như không thể níu kéo được chân lý giản đơn ấy khi càng ngày, họ càng bị hình thức và sự hào nhoáng chi phối.

Nụ cười của David Villa

Rất nhiều camera đã chĩa về phía David Villa sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu ở Camp Nou vang lên. Từng là người của Barca, từng giành những danh hiệu cao quý với đội bóng này (Liga, Champions League hay cúp Nhà Vua) nhưng trong buổi tối Atletico chiến thắng, "El Guaje" lại là người vui nhất. Không quá khó hiểu để lý giải cho cảm xúc của anh.

Villa đến Barca hồi năm 2010, và đã đóng góp rất nhiều. Nhưng đó chưa đủ để giúp anh trở thành một công thần. Pep và Tito sẵn sàng để Villa trên băng ghế dự bị. Đến triều đại của Martino, Villa chính thức bị bán đi. Giá trị của anh ở thời điểm đó là 5,2 triệu euro, một con số quá thấp cho nhà vô địch châu Âu và thế giới.

Villa vẫn còn đẳng cấp, dù anh đã bước sang tuổi 32. Cú vô-lê vào lưới Barca ở trận Siêu cúp TBN lượt đi là một ví dụ điển hình. 15 bàn và 3 pha kiến tạo cho Atletico mùa này là một minh chứng. Nhưng Barca dường như lại không quan tâm đến giá trị ấy. Sau khi đã đẩy đi Yaya Toure, một trong những tiền vệ trung tâm hay nhất thế giới, họ cũng không tiếc khi bán đi Villa.

Từ thời của Pep, Barca đã có được một tập thể rất mạnh. Nhưng tập thể ấy đã không giữ lại những tài năng mà họ hoặc đào tạo ra, hoặc mua về. Trong 5 năm qua, thay vì gìn giữ những viên ngọc, Barca đã chạy theo những thứ bị coi là hình thức, hào nhoáng. Họ từng mua Ibrahimovic với giá cắt cổ (75 triệu euro), mới nhất là Neymar, thương vụ bị cho là lên tới 100 triệu euro (thay vì 57 triệu euro như Barca công bố). Đó là một sự phung phí quá mức cần thiết.

Nhìn Atletico, Barca có thấy chạnh lòng?

Khi một đội bóng muốn chạy theo hình thức và sự hào nhoáng thì khả năng duy trì tính tập thể sẽ giảm đi. Điều đó đã được hiện rõ nhất ở Barca mùa giải này. Họ hỗn loạn từ thượng tầng, với những rắc rối từ cựu Chủ tịch Sandro Rosell, cho đến mâu thuẫn giữa Lionel Messi với Phó chủ tịch Javier Faus. Từ một tập thể gắn kết, luôn nhìn về một hướng, Barca đang rệu rã, đánh mất đi bản sắc của chính mình.

Làm một phép so sánh giữa Barca và Atletico. Đội bóng xứ Catalunya được đánh giá cao bởi những giá trị nhân văn, bởi lối sống giàu đạo lý và triết lý. Nét tính cách ấy đặc trưng kiểu vùng miền xứ Catalunya ấy được thể hiện rất rõ khi mỗi thành viên của Barca nói trước truyền thông. Atletico thì không thế. Họ là một đội bóng "hỗn hợp" đúng nghĩa, với rất nhiều những cầu thủ mang quốc tịch và vùng miền khác nhau. Khái niệm "sao" bị cho là xa xỉ ở đội bóng được cho là mộc mạc và bình dân này.

Rất hiếm khi người ta được nghe một lời ca thán nào từ phía Atletico. Ngay cả khi họ bị trọng tài xử ép (trận thua 0-2 trước Almeria, bị từ chối hai quả 11m), Diego Simeone chỉ nói trước báo giới: "Đó là một phần của bóng đá, chúng tôi chấp nhận". Không phải một sự cam chịu bạc nhược, đó là bởi Atletico thấy không cần thiết. Họ muốn khẳng định rằng mọi tranh chấp, mọi tai tiếng và những phản ứng thái quá đều không quan trọng, nhất là khi sân cỏ đã nói lên tất cả.

Đây là điều mà ngay cả Barca hay Real Madrid không bao giờ có. Nói một cách khác, Atletico là một đội bóng đặc biệt với những phẩm chất dường như không thể tồn tại trong làng bóng đá hiện đại. Nhưng cũng nhờ chính sự đặc biệt ấy, Atletico lại vượt qua cả Barca lẫn Real để đăng quang một cách ngoạn mục nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại