Bản chất thật của Vô ảnh cước
Vô ảnh cước được cho là một tuyệt kỹ “đặc sản” của Hoàng Phi Hồng. Ngay cả tên gọi Vô ảnh cước cũng đã khiến rất nhiều người bán tín, bán nghi về mức độ “vô ảnh, vô hình” của đòn thế này.
Cái tên Vô ảnh cước khiến cho người ta liên tưởng đến đòn đá nhanh đến mức “đến không hình, đi không ảnh”, hoặc là thực hiện các đòn đá khi bay người lên không trung, rất đẹp mắt.
Nhưng trên thực tế, đây không hề là đòn đá đẹp để biểu diễn, trái lại đó là một đòn cước ẩn rất hiểm, đòi hỏi người sử dụng cần một kĩ thuật vô cùng thâm hậu và chuẩn xác.
Gọi đây là độc chiêu thì cũng không ngoa vì thật sự rất nhanh và có thể hạ gục đối thủ trong tích tắc bởi chiêu này thường chỉ đánh vào hạ bộ hoặc một số huyệt đạo nguy hiểm trên cơ thể, rất dễ gây đến tử vong cho đối phương.
Theo võ sư Dư Chí Vĩ, truyền nhân đời thứ ba của Hoàng Phi Hồng thì Vô ảnh cước là do Hoàng Phi Hồng học từ Hồng Đông Huy. Bù lại, ông phải truyền lại cho Huy bài Hổ hạc song hình quyền và Cung tự phục hổ quyền.
Quyền pháp Thiếu Lâm Nam phái vốn chú trọng đòn tay mà xem nhẹ đòn chân, Hoàng Phi Hồng đã đổi mới, thêm đòn chân vào, thay đổi quan niệm “Quyền nam cước bắc”.
Riêng tuyệt chiêu Vô ảnh cước, Hoàng Phi Hồng chỉ truyền cho 3 đại đệ tử là Lương Khoan, Trần Điện Tiêu và Lâm Thế Vinh. Lâm Thế Vinh chính là sư phụ của Dư Chí Vĩ và truyền lại tuyệt chiêu này cho ông.
Dư Chí Vĩ nói rằng Vô ảnh cước chính tông không giống như trong phim, bay lên không đá liên tục mấy chục cước, rất mãn nhãn.
Vô ảnh cước thực ra là môn công phu rất thực tế, vững chắc, không đẹp mắt, thậm chí còn “xấu xí” nhưng lại rất hiệu quả.
Cũng theo vị võ sư này, Vô ảnh cước không phải là một đòn đá riêng lẻ mà là cả một hệ thống cước pháp có thể ứng phó ở mọi góc độ.
Nguyên tắc của Vô ảnh cước là “dương đông kích tây”, “hù trên đánh dưới”, “dĩ tốc chế địch” (lấy sự mau lẹ để khống chế địch thủ), dụ địch sơ hở là phóng cước ngay và thu về trong nháy mắt.
Muốn làm được như thế thì yêu cầu cước pháp phải đủ 4 yếu tố: khoái (nhanh), mãnh (mạnh), trầm (thấp), ổn (vững).
Thường áp dụng nhất là dùng đòn tay nhá phía trên nhử đòn rồi bất ngờ phóng cước vào hạ bộ.
Vô ảnh cước sử dụng cả vòng 360 độ. Mỗi góc độ đều có phương án ứng địch và sử dụng đòn chân.
Chẳng hạn khi đứng chân phải trước chân trái sau, ở phương vị đó nếu địch tấn công từ phía sau thì dùng Vô ảnh cước như thế nào, phía trước, bên phải, bên trái… đều có cách ứng phó hiệu quả.
Vô ảnh cước nổi tiếng và được nhiều người biết đến đó chính là do Hoàng Phi Hồng đưa thêm vào những đòn đá thực dụng vào, chứ không phải là phải đá lia lịa như phim ảnh vẫn làm.
Những lần xuất chiêu trong cuộc đời hành tẩu giang hồ
Võ sư Lý Xán Hoa, hội trưởng Học hội thể dục Bảo Chi Lâm Hồng Kông, rất đồng tình về cách lý giải Vô ảnh cước của Dư Chí Vĩ.
Xung quanh Vô ảnh cước cũng có rất nhiều câu chuyện đặc biệt.
Có lần, Hoàng Phi Hồng đặt chân đến Hồng Kông, gặp lại môn đồ Lục Chính Cương và được mời đến võ đường của Lục Chính Cương tham quan.
Thời gian ở đây do bất bình trước cảnh một người cô thế bị uy hiếp, Hoàng Phi Hồng ra tay can ngăn và bị một đám đông có vũ khí bao vây.
Trong thế bị dồn ép, Hoàng Phi Hồng đã dùng Vô ảnh cước một mình đánh bại cả chục người.
Sau đó Hoàng Phi Hồng bị triều đình truy nã, phải chạy trốn. Về sau Lục Chính Cương tìm đến nơi trú ẩn của Hoàng sư phụ, kể lại chuyện người phương Tây đem chó berger đến khiêu chiến và nhiều nhà sư bị chó dữ tấn công.
Hoàng Phi Hồng đùng đùng nổi giận lập tức đến Hương Giang…Đối diện với một con chó rất to lớn và hung dữ, ông dùng tay điểm nhử phía trên, một cước tung vào hạ âm con chó, đồng thời một tay đánh vào sống mõm khiến chó chết tươi.
Hoàng sư phụ sáng chế chiêu này gọi là “Hầu hình quải cước”, đưa vào trong hệ thống cước pháp “Vô ảnh cước”.
Trong suốt võ nghiệp, dấu chân của “mãnh hổ” Hoàng Phi Hồng đã đi khắp nơi và cũng từng giao đấu với rất nhiều người và đều giành chiến thắng.
Nhờ khả năng võ thuật siêu đẳng, Hoàng Phi Hồng được chọn làm trưởng ban huấn luyện võ thuật kiêm phụ trách trị thương cho binh lính. Về sau ông cũng là thành viên nổi bật trong phong trào kháng Nhật.
Cho tới ngày nay, rất ít tài liệu mô tả về các trận chiến của Hoàng Phi Hồng trên võ đài. Tuy nhiên tuyệt kỹ Vô ảnh cước vẫn luôn được gắn liền với tên tuổi của ông và cũng là một trong những “độc chiêu” nổi tiếng của võ thuật Trung Hoa.
Nữ võ sư Mạc Quế Lan, người vợ cuối cùng của Hoàng Phi Hồng nói về Vô ảnh cước: “Đòn đá của Vô ảnh cước nhanh như tia chớp”.
Mạc Quế Lan đã học và tinh thông đòn thế này, nhưng bà từ chối dạy cho bất cứ ai khác bởi vì chỗ tấn công của đòn này là hạ bộ và có thể giết chết người bị tấn công ngay lập tức.
Ngày nay, vẫn có những người vẫn tập luyện tuyệt kỹ Vô ảnh cước tuy nhiên nó đã bị biến tấu đi khá nhiều so với các kỹ thuật chuẩn mà Hoàng Phi Hồng xây dựng.
Đặc biệt, với võ thuật hiện đại thì tuyệt chiêu Vô ảnh cước dẫu rằng có thể luyện thành thục đến mấy thì cũng chẳng thể áp dụng trên các võ đài thể thao được.
Bởi chẳng có cuộc thi võ thuật chính thức nào trên thế giới cho phép võ sĩ đánh vào hạ bộ đối phương nữa.