Hãy học người Đức

Đức Phan |

(Soha.vn) - Có lẽ ngay cả những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể hình dung ra kịch bản Barca và Real Madrid - 2 CLB được coi là mạnh nhất thế giới lại bị các đại diện Bundesliga vùi dập đậm đà và dễ dàng đến thế ở bán kết lượt đi Champions League mùa này. Thế nhưng, điều đó lại là sự thật, thật như sức mạnh đáng sợ của Bundesliga ở thời điểm này vậy…

Dù các tờ báo thân Barca và Real cũng như CĐV của 2 đội bóng này đang cố gắng soi mói các quyết định của trọng tài để bào chữa cho thất bại đậm đà của đội nhà. Song rõ ràng chẳng ai có thể phủ nhận được người Tây Ban Nha đã thua một cách toàn diện, tâm phục, khẩu phục. Tổng tỉ số 8-1 sau 2 trận bán kết lượt đi có thể coi là minh chứng hùng hồn nhất cho sự thăng tiến ngoạn mục của Bundesliga. Đây hoàn toàn có thể coi là một điều thần kì nếu quay ngược thời gian trở lại khoảng chục năm. Khi ấy bóng đá Đức gần như đã chạm đáy ở cả cấp ĐTQG lẫn CLB.


	Dortmund đang là đại diện tiêu biểu của bóng đá Đức

Dortmund đang là sản phẩm tiêu biểu của bóng đá Đức

Ở ĐTQG, ĐT Đức lừng danh đã bị loại ngay tại vòng bảng Euro 2004 một cách tủi hổ khi không có nổi 1 trận thắng (dù trong bảng đấu có đối thủ nhược tiểu như Latvia). Còn ở cấp CLB, mọi thứ thảm hại không kém. Mùa giải 2003/04 đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp bóng đá Đức không có nổi 1 đại diện ở vòng tứ kết của 2 cúp Châu Âu. Sự bết bát này tiếp tục được duy trì trong 2 năm sau đó. Ở mùa 2004/05 và 2005/06 chỉ có đúng 1 lần CLB Đức lọt vào đến tứ kết ở Champions League và 1 lần ở tứ kết Cup UEFA (và đều bị loại). Tồi tệ hơn nữa là ở mùa 2004/05, thậm chí còn chẳng có đại diện nào ở Bundesliga đủ sức góp mặt ở vòng 16 đội của Cup UEFA (nay là Europa League). Vậy đâu là “phép màu” giúp bóng đá Đức lột xác? Câu trả lời là chẳng có phép màu nào có, mà sự thành công nằm ở phương pháp làm bóng đá khoa học của người Đức.

Thay vì lao vào cuộc đua tiền để tăng cường sức mạnh theo kiểu ăn xổi, các nhà làm bóng đá ở Đức đã chọn cách xây nhà từ móng: tập trung nguồn lực cho đào tạo trẻ. Theo đó, LĐBĐ Đức (DFB) đã xây dựng hệ thống tìm kiếm và đào tạo các tài năng trẻ thông qua mô hình 4 mạng lưới: cấp trường học, các cơ sở đào tạo của DFB, học viện bóng đá của các CLB chuyên nghiệp và các đội tuyển trẻ.

Để có kinh phí hoạt động cho hệ thống này, DFB yêu cầu các CLB phải nộp lại 3% doanh thu từ bản quyền truyền hình và 2% doanh thu từ bán vé. GĐĐH DFB, Robin Dutt đã tự tin khẳng định: “Không thể có ngôi sao nào có thể bị bỏ lọt với mạng lưới này”. Chính hệ thống đó là nguồn cung cấp tài năng vô tận, đảm bảo sự phát triển bền vững của bóng đá Đức. Bằng chứng là người Đức đã nhanh chóng trình làng được 1 loạt tài năng trẻ, sóng sau đè sóng trước: thế hệ của Schweinsteiger, Lahm… chưa kịp già thì đã có những Goetze, Reues… Bên cạnh đó, các đội tuyển U của Đức cũng chơi cực kì thành công ở các giải vô địch trẻ.

Cũng vì không lao vào các cuộc đua tiền như các CLB ở Premier League, La Liga hay Serie A mà nền tảng tài chính của các đội bóng Đức là cực kì ổn định. Họ là những CLB có hệ số an toàn tài chính cao nhất tại Châu Âu. Điều này rõ ràng là một lợi thế cực lớn cho Bundesliga khi Luật công bằng tài chính của UEFA sẽ chính thức có hiệu lực từ mùa tới.


	Bayern đã đánh bại gã khổng lồ Barca

Bayern đã đánh bại gã khổng lồ Barca

Ở đây, cũng phải nhấn mạnh đến vai trò quản lý vĩ mô của DFB. Các quy định về tài chính mà LĐBĐ Đức đặt ra là hết sức chặt chẽ và hợp lý. Hàng năm BTC đều kiểm tra gắt gao tư cách dự giải của các CLB, bao gồm các tiêu chí như năng lực tài chính, hạ tầng cơ sở, trung tâm đào tạo trẻ, an ninh, khả năng tổ chức trận đấu… Đội nào không đáp ứng được yêu cầu có thể bị rút giấy phép tham dự và phải xuống hạng. Để hỗ trợ cho các đội bóng phát triển, DFB áp dụng cách bán chung gói bản quyền truyền hình Bundesliga sau đó chia lại cho từng CLB theo thứ hạng trên BXH, thay vì cho phép các CLB tự đàm phán bản quyền truyền hình. Phương án này đảm bảo cho các đội bóng nhỏ cũng có được 1 nguồn thu đáng kể. Ví dụ ở mùa giải này đội bét bảng Greuther Furth cũng nhận được số tiền bản quyền truyền hình bằng 1/2 nhà tân vô địch Bayern (12,97 so với 25,83 triệu euro).

Thêm vào đó, một điểm quan trọng khác làm nên thành công của các đội bóng Đức. Đấy là theo quy định của Đức, các CLB phải thuộc sở hữu của cộng đồng. Tức là không có ai có thể trở thành ông chủ của đội bóng, giống như Abramovich ở Chelsea , Glazer ở MU… Yếu tố này đảm bảo cho các CLB Đức không bị phụ thuộc duy nhất vào một “nguồn sữa” tài chính nào, đồng thời không có cá nhân nào có thể chi phối hoàn toàn hoạt động. Ngược lại, đứng sau các CLB là một động đồng doanh nghiệp hỗ trợ về tài chính, cũng như lực lượng CĐV hùng hậu (vì đội bóng thuộc về họ). Các khán đài luôn đầy ắp khán giả ở Bundesliga thực sự là nỗi thèm khát của bất kì giải đấu nào ở Châu Âu (kể cả Premier League).

Tất cả những chính sách, bước đi hợp lí kể trên chính là nền tảng tạo cho Bundesliga nói riêng và bóng đá Đức nói chung sự phát triển bền vững.

Thế nên, nếu cần một tấm gương hãy học người Đức!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại