Giải đấu của 1 đội
Trước khi V.League 2015 khởi tranh, nhiều người tin rằng sự xuất hiện của lứa cầu thủ học viện HAGL JMG sẽ là "đòn bẩy" tạo nên sức hấp dẫn của giải đấu sau khi mùa giải 2014 được coi là kém hấp dẫn nhất và "chạm đáy" niềm tin của người hâm mộ.
Quả thực, HAGL đi đến đâu cũng kéo một lượng khán giả rất đông đến các sân theo dõi các tài năng trẻ thi đấu.
Tuy nhiên, việc truyền thông và người hâm mộ dành quá nhiều sự quan tâm đến đội bóng này lại vô hình khiến cho V.League kém hấp dẫn hơn về mặt tổng thể.
Một vòng đấu có tới 7 trận, nhưng người ta lại quá tập trung vào một trận đấu có đội bóng phố núi, nên các đội bóng còn lại cũng vì thế chịu thiệt thòi đáng kể.
Ngay đầu mùa giải, các đội bóng nghèo như Đồng Tháp, Đồng Nai, Khánh Hòa, ĐTLA ... hơn một lần bày tỏ việc Đài truyền hình Quốc gia chỉ tập trung tường thuật trận đấu có HAGL thi đấu khiến cho họ bất lợi về mặt quảng bá hình ảnh, các nhà tài trợ ít đầu tư vào bóng đá.
Mà bóng đá không có đầu tư, đồng nghĩa chất lượng cũng đi xuống.
Thực tế cho thấy ngay cả những đội bóng các mùa giải trước luôn chật kín khán giả khi thi đấu trên sân nhà là SHB Đà Nẵng, Than Quảng Ninh, SLNA, Hải Phòng... mùa giải năm nay lại đi xuống trông thấy, thậm chí sân Vinh chạm đáy về lượng khán giả đến sân khi có trận chỉ vỏn vẹn 3.000 người.
Khán giả Quảng Ninh, Hải Phòng vốn nổi tiếng về độ cuồng nhiệt thì năm nay cũng "nhạt" đi rất nhiều. Đó là dấu hiệu cho thấy sức hút của các đội bóng này đã giảm xuống đáng kể, khi họ ít được nhắc đến trên truyền thông.
Nếu nhìn V.League trên góc nhìn khán đài thì rõ ràng mùa giải năm nay đã đi xuống trông thấy, con số trung bình chỉ hơn 7 nghìn khán giả/trận, còn thua cả mùa giải V.League 2014 vốn bị nhận xét là kém nhất, đã nói lên tất cả.
Các trận đấu chật kín khán đài mỗi khi HAGL thi đấu chỉ là bề nổi, nếu không muốn nói chính những trận đấu này là nguyên nhân khiến các sân bóng khác ít khán giả hơn.
HAGL trụ hạng khiến V.League mất điểm
Đặt giả sử, nếu HAGL có thể tham gia vào cuộc đua vô địch, thì chắc chắn họ sẽ là "đòn bẩy" tích cực để các đội bóng khác chạy đua theo, lượng khán giả cũng vì thế mà tăng lên.
Nhưng đáng tiếc, đội bóng được coi là trung tâm của cả giải đấu lại đá đâu, thua đó một cách dễ dàng khiến tính cạnh tranh của giải đấu vì thế kém đi rất nhiều.
Khi một giải đấu kém sức hút ở trên khán đài, các nhà tài trợ không mạnh mẽ đầu tư thì đương nhiên động lực để các đội bóng chạy đua thành tích cũng không cao.
B.Bình Dương quá mạnh so với phần còn lại ở cuộc vô địch, trong khi cuộc đua trụ hạng tưởng chừng sẽ hấp dẫn và lôi cuốn để cứu vãn một mùa giải thất bại thì cú ngược dòng đầy lạ lùng của HAGL cũng khiến cho người hâm mộ mất dần niềm tin.
Sở dĩ nói như thế bởi những trận thắng của HAGL đều đầy tính kịch và khiến những người lạc quan nhất cũng phải nghi ngờ.
Việc V.League chỉ có 1 đội phải xuống hạng cũng là một nguyên nhân tạo ra rất nhiều đội bóng không còn mục tiêu để ra sân khi các đồng tiền thưởng sau mỗi trận thắng bây giờ đã bị thắt chặt bởi nguyên nhân tài chính khó khăn.
Tất nhiên, phải ghi nhận những mặt tích cực mà lứa Công Phượng đem lại cho giải đấu, nhưng về tổng thể thì chính sự xuất hiện của lứa cầu thủ này cùng việc HAGL có những màn thể hiện không được như kỳ vọng đã kéo một giải đấu kém đi nhiều sức hút.