1. Tiqui-taca đã được nâng tầm lên thành một thương hiệu mạnh và cho đến khi Barca vẫn còn những đứa con của tiqui-taca như Xavi, Iniesta, Messi, họ vẫn không muốn “rút ống thở” để kết liễu lối chơi này.
“Big brand, big trouble” - cuốn sách ăn khách nhất thế giới về marketing của tác giả Jack Trout đã chỉ ra một vấn đề ngay từ cái tựa đề của nó:
Thương hiệu lớn, rắc rối lớn. Tác giả viết rất rõ, những thương hiệu lớn luôn gặp vấn đề giống nhau trong thời điểm chuyển giao: Không chiến thắng được cái tôi của mình.
Có rất nhiều ví dụ kinh điển. Hãng sản xuất máy ảnh phim Kodak từng là một thương hiệu mạnh, chiếm tới 90% thị phần máy ảnh vào thời điểm đỉnh cao.
Nhưng khi dòng máy kỹ thuật số được phát minh, Kodak đứng trước bài toán phải thay đổi để thích nghi. Họ đã không chiến thắng được cái tôi quá lớn của mình: Tại sao một thương hiệu lớn lại cần thay đổi?
Hậu quả thì như chúng ta đều biết, Kodak phá sản.
Suốt 1 năm qua, Barcelona cũng đứng trước câu hỏi tương tự: Có nên thay đổi tiqui-taca hay không?
Họ cũng đã nhận được rất nhiều bài học cảnh tỉnh, như thất bại trước chính Real trong cả 2 trận El Clasico gần đây hay nhận cái tát tăm tối mặt mũi từ Hùm xám Bayern Munich, để có thêm dũng khí.
2. Và Barca rốt cuộc đã chiến thắng được cái tôi của mình. Họ dám dũng cảm thừa nhận tiqui-taca đã không còn thích hợp để chơi những trận đỉnh cao.
Trước Real Madrid đêm Chủ nhật vừa qua, Barca không đá tiqui-taca, mà họ bất ngờ dùng chính cách chơi của Real mùa trước: Phòng ngự rình rập.
Và hẳn chúng ta cũng đều đã nhận ra, bàn thắng của Luis Suarez được ghi không có một chút dính líu gì đến tiqui-taca cả. Bóng được phất lên từ phần sân nhà, Suarez đỡ mềm mại rồi sút ngay góc xa. Đó là một đường phản công kinh điển.
Nếu như pha bóng đó rơi vào Barca trước đây, Dani Alves sẽ không thực hiện quả phất bóng đó, mà chuyền vào giữa sân cho Iniesta rồi cứ thế từ từ phối hợp dẫn bóng gần vào khung thành Real.
Bàn thắng của Suarez là đến từ một đường phất bóng dài, thay vì tiqui-taca rối rắm.
Pha phản công mẫu mực xuất phát từ một đường chuyền dài theo đúng chất bóng đá Anh mà Barca vừa thực hiện cũng chứng minh một điều rất quan trọng: Barca bị cái tôi của họ trói vào tiqui-taca khiến người ta có cảm giác họ không thể chơi thứ bóng đá gì khác.
Nhưng tất cả đều nhầm. Nếu Barca muốn đá phòng ngự phản công, họ sẽ đưa lối chơi này lên hẳn một tầm cao nghệ thuật mới.
Tháng 4 năm ngoái, trong hành trình đi tìm những lời góp ý để vực dậy Barca, báo chí TBN đã phỏng vấn huyền thoại Johan Cruyff. Và ông nói: Barca nên mời lại Pep Guardiola. Chỉ Guardiola mới giúp tiqui-taca sống dậy.
Vào thời điểm đó, tờ AS lên bài bình luận chê Cruyff có góc nhìn thiển cận, ngắn hạn. Bài báo này bị khá nhiều cule chỉ trích vì vào thời điểm đó, họ cũng mong Pep Guardiola sẽ trở lại.
Nhưng bây giờ thì không ai cần Pep nữa, cũng chẳng cần tiqui-taca nữa. Barca đã dũng cảm tạm quên đi những hào quang quá khứ để hướng đến một tương lai còn rực rỡ hơn thế - một tương lai không tiqui-taca.