1. Ngày Jose Mourinho chính thức trở về với Chelsea, với giải Ngoại Hạng Anh, hàng loạt cộng sự cũ của ông đánh tiếng chúc mừng. Steve Clarke – cựu trợ lý, Brendan Rodgers – cựu HLV đội trẻ, Andre Villas-Boas – nguyên trưởng bộ phận tuyển trạch. Thế nên Mourinho có lý để đùa rằng mình là… “Bố Già Ngoại Hạng Anh”.
Tuyên bố ấy hùng hồn ở chỗ, một trong những HLV được kính trọng nhất tại nước Anh là Sir Alex Ferguson đã nghỉ hưu, nhưng nếu xét về tuổi nghề, về thâm niên gắn bó với giải Ngoại Hạng, đáng lẽ ra người cần được nhắc đến phải là Arsene Wenger mới phải. Giáo Sư đã gắn bó với Pháo Thủ từ năm 1996 tới nay, tính ra đã 17 năm trời.
Thế nhưng “Bố Già” là phải quyền lực, từng câu nói phải có trọng lượng nặng nề, phải được những người khác coi trọng, e dè.
Giờ đây chính Mourinho là HLV lão luyện bậc nhất. Ông là nhà vô địch châu Âu duy nhất trên băng ghế huấn luyện. Chelsea của Mourinho đang là ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vô địch Ngoại Hạng Anh. Ông có những cận thần cũ giờ dẫn dắt những đội bóng khác cùng giải đấu. Mọi người đều e dè, thận trọng, khép nép trước từng lời của Người Hạnh Phúc. Đâm ra tuyên bố tưởng chừng thiếu khiêm tốn ấy thực chất là thừa hợp lý và tự tin.
2. Còn Wenger thì sao? Đã từ lâu, chính các cổ động viên Arsenal còn không thèm lắng nghe người HLV của họ nữa. Các học trò trẻ vẫn ngoan ngoãn trung thành, nhưng những kẻ suy nghĩ tham vọng hơn thì nhất quyết dứt áo ra đi. Nhìn lại những ngày hè đã qua, Wenger khiến cho tất cả phải nghi ngờ khi vẫn chưa chi đồng nào vào thị trường chuyển nhượng, bất chấp Arsenal giờ đây vừa yếu vừa thiếu.
Nhưng thật lạ thay, chính Mourinho lại là người đứng ra ngợi khen Giáo Sư khi nói rằng “đó là một người tốt”, “tôi tôn trọng và sẽ luôn thể hiện điều đó” với Giáo Sư.
Chẳng bao lâu sau, David Moyes, nhà cầm quân đang ngồi trên đống lửa với màn chạy nước rút tới mùa giải mới tệ hại bậc nhất trong nhiều năm qua, cũng phủ nhận hiềm khích với Mourinho, thậm chí còn mạnh miệng rằng “Jose Mourinho là một HLV vĩ đại” .
Người ta có lý để tin rằng Mourinho đã không còn là Người Đặc Biệt, một kẻ sẵn sàng gây sự với mọi đồng nghiệp cùng giải đấu như trước, mà giờ đây là một Người Hạnh Phúc. Ông hạnh phúc vì có những cộng sự cũ gật gù vỗ tay như những cỗ máy. Ông hạnh phúc vì có thể vừa ngợi khen một đối thủ này như sự nâng đỡ của kẻ "cửa trên", vừa được một đối thủ khác vỗ tay chào đón.
Tất cả những biểu hiện ấy giống như một sự e sợ. Người ta không muốn bị ông coi là những cái gai trong mắt, mà muốn là hũ mật ngọt ngào. Mật ngọt thì chết ruồi, nhưng Mourinho lại không hề ngu ngốc.
3. Và trong những màn hoan hô thật-giả lẫn lộn ấy, vẫn còn một người đàn ông điềm tĩnh đang chờ thời – Manuel Pellegrini. Sự hiền lành của ông trong thời gian qua như thể một con rắn khoan thai trước khi vồ mồi. Trong vô vàn những khó khăn của Manchester United, Arsenal, giờ chỉ còn Manchester City là đủ sức thực sự cạnh tranh ngôi vô địch với Chelsea. Trừ khi United chiêu mộ thành công Fabregas, Arsenal rước về Fellaini vàSuarez, còn không có lẽ cuộc đua tới ngôi vô địch mùa sau sẽ chỉ còn là màn đọ sức giữaNgười Hạnh Phúc và “ông lão hiền lành” Pellegrini mà thôi.