Góc chiến thuật: Bóng đá tổng lực kiểu Scolari

Thầy trò Felipao không chỉ áp dụng thành công những yếu tố quan trọng nhất của triết lý bóng đá tổng lực, mà còn thổi vào đó những màu sắc rất đặc trưng.

Sự thay đổi đáng chú ý duy nhất bên phía Tây Ban Nha trong trận chung kết Confeds Cup là việc Juan Mata được ra sân ngay từ đầu ở vị trí tiền đạo cánh trái. Torres tiếp tục được đặt niềm tin ở đỉnh hàng công. Brazil ra sân với đội hình mạnh nhất – cũng là đội hình được HLV Luiz Felipe Scolari sử dụng nhiều nhất - của họ ở giải đấu năm nay.

Brazil không chỉ khắc chế thành công đối thủ khó chịu, mà họ còn làm được hai điều mà ĐT Italia chưa thành công ở bán kết: 1.Tận dụng thành công những cơ hội ghi bàn và 2.Vẫn giữ thế chủ động khi Tây Ban Nha thay đổi lối chơi.

Góc chiến thuật: Bóng đá tổng lực kiểu Scolari
Mô hình chiến thuật của hai đội trong trận chung kết

Có một Brazil xấu xí

Ngay từ đầu trận đấu, ĐT Brazil đã tổ chức pressing mạnh mẽ trên 2/3 phần sân. Đây là một biện pháp “lấy độc trị độc” vô cùng hiệu quả, bởi chính Brazil là đội bóng đã gặp nhiều khó khăn khi bị đối thủ áp sát (khoảng từ phút 45 đến 75, trận bán kết gặp Uruguay). Trừ cặp trung vệ, tất cả các cầu thủ trên sân của Selecao đều trong tình trạng sẵn sàng lao vào tranh chấp.

Tất nhiên, pressing đơn thuần thực chất không thể là giải pháp tối ưu để phá lối chơi của Tây Ban Nha, bởi các tuyển thủ của La Roja đều là những chuyên gia kỹ thuật. Chính vì vậy, đội chủ nhà đã kết hợp thêm một yếu tố quan trọng khác trong lối tranh chấp của họ: Phạm lỗi. Trên thực tế, nòng cốt của ĐT Tây Ban Nha là CLB Barcelona đã nhiều lần gặp khó khăn ở các mùa giải gần đây mỗi khi đối đầu với Real Madrid của Jose Mourinho. “Người Đặc Biệt” cũng dùng liệu pháp tương tự như Scolari: Áp sát và phạm lỗi.

Không quá khó để đoán được cái tên bị phạm lỗi nhiều nhất bên phía ĐT Tây Ban Nha: Andres Iniesta với 7 lần bị đốn ngã. Điều đáng bất ngờ là ngay cả Sergio Ramos (3 lần), Alvaro Arbeloa (2 lần) cũng thường xuyên bị vào bóng quyết liệt. Những cái tên khác ít gây ngạc nhiên hơn là Pedro (3 lần), Sergio Busquets, Torres và Mata (đều 2 lần). Xét trên việc Iniesta thường xuyên di chuyển sang phía cánh trái, cũng có thể dễ dàng chỉ ra người chơi xấu nhất bên phía Brazil: Dani Alves với 7 lỗi, tiếp sau là các tiền vệ trung tâm Gustavo Luiz và Paulinho (4 lỗi).

Góc chiến thuật: Bóng đá tổng lực kiểu Scolari
Lối đá rắn của Brazil đá gây ra không ít căng thẳng

Ngay cả Oscar Dos Santos, tiền vệ công của Brazil và Chelsea cũng hầu như chỉ tập trung cho nhiệm vụ tranh chấp trung tuyến ở trận này và bản thân anh cũng đã có tình huống cố tình đá vào chân Iniesta ở cuối hiệp một. Anh và Neymar đã 3 lần bị thổi còi. Nhưng bù lại, bộ đôi này đã 4 lần cướp bóng thành công từ chân của Busquets và Alvaro Arbeloa, từ đó mang về 2 bàn thắng cho Brazil.

Tổng cộng, Brazil đã phạm tới 15 lỗi ở hiệp một và 12 lỗi ở hiệp hai. Lối chơi chặt chém này vừa đảm bảo sự an toàn (vì đều là các lỗi nhỏ nhặt hoặc ở xa khung thành, ít khả năng phải nhận thẻ), vừa cắt đứt nhịp luân chuyển bóng của Tây Ban Nha.

Và có một Brazil tổng lực

Phần tổng hợp lỗi phía trên của các cầu thủ Brazil là đủ để thấy rằng, tất cả các cầu thủ ở cả ba tuyến của họ đều tham gia vào quá trình phòng ngự. Nếu không thể áp sát từ xa khung thành, họ sẽ nhanh chóng lùi toàn bộ đội hình về phần sân nhà. Trừ Neymar được phép giữ vị trí ở vạch trắng giữa sân để sẵn sàng phản công, còn lại tất cả đều phục vụ cho việc tranh chấp bóng, kể cả tiền đạo Fred.

Ngược lại, mỗi khi tấn công, họ luôn có sự có mặt của một trong hai hậu vệ biên (thường là Marcelo) và Paulinho để hỗ trợ cho bộ tứ phía trên. Hẳn ai cũng hiểu rằng, trong bóng đá hiện đại, việc phòng thủ một kèm một gần như là không thể mà hàng thủ luôn phải có nhiều hơn từ một đến hai người mới đảm bảo được độ vững chắc, thế nhưng hàng thủ áo đỏ luôn trong tình trạng bị cân bằng hoặc thậm chí là áp đảo về số lượng, đặc biệt trong các pha phản công khi Jordi Alba dâng cao chưa về kịp. Tây Ban Nha luôn trong tình trạng chỉ có từ 3 đến 5 người phòng ngự là hậu quả của việc cả Iniesta và Xavi đều thiếu tốc độ và kỹ năng phòng thủ thực thụ, còn các cầu thủ tuyến trên cùng hầu như không bao giờ lùi về để hỗ trợ. Đặc biệt, vị trí của Arbeloa đã bị Neymar khai thác tối đa trong trận này.

Chúng ta đã quen với việc Tây Ban Nha kiểm soát hoàn toàn trận đấu và tấn công liên tục, nhưng khi họ mất kiểm soát với mọi thứ (chỉ có được 559 đường chuyền trong trận này), điểm yếu cứ nối tiếp nhau hiện ra.

‘Lá bài tẩy’ của Del Bosque mất tác dụng

Cũng giống như trong trận gặp Italia ở bán kết, khi bế tắc với tiqui-taka, HLV Vicente Del Bosque đã chuyển chiến thuật sang phương pháp tấn công nhanh, khoan phá cánh với sự xuất hiện của Jesus Navas. Thế nhưng Brazil hầu như không hề bị bất ngờ bởi sự thay đổi này.

Tân binh của Manchester City dù đã có tới 4 lần qua người nhưng anh hầu như không thể vượt qua hậu vệ thứ hai, hoặc sẽ bị phạm lỗi từ sớm. So với trận trước, Navas tung ít cú sút hơn (2 so với 4) và tỉ lệ trúng đích cũng trái ngược (0% so với 100%), và anh cũng không thể tung ra đường chuyền nguy hiểm nào.

Kết luận

Trên thực tế, nếu như trọng tài nhận định chuẩn xác hơn, trận đấu hoàn toàn có thể kết thúc từ sớm hơn nữa trong các tình huống cản người không bóng của Arbeloa ở phút thứ 15 hay Ramos phút thứ 28. Đây đều là những tình huống mà Neymar sẽ có cơ hội đối mặt thủ môn nếu thoát xuống, nhưng dù anh đã bị cản lại thì trọng tài cũng chỉ rút thẻ vàng trong cả hai lần.

“Quá tam ba bận”, một lần nữa Neymar lại bị phạm lỗi tương tự ở phút thứ 68 nhưng lần này Gerard Pique phải nhận thẻ đỏ trực tiếp, và hi vọng gần như đã khép lại hoàn toàn với Tây Ban Nha kể từ thời điểm ấy.

Tân binh của Barcelona đã kết thúc một giải đấu tuyệt vời bằng một trận chung kết tuyệt vời. Cầu thủxuất sắc nhất giải, còn ai khác ngoài Neymar?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại