Tiền vệ người Đức khởi đầu như mơ ngay những ngày đầu cập bến Emirates. Trong bảy trận đầu tiên, anh ghi ba bàn thắng và thực hiện bốn đường kiến tạo. Ngay lập tức, những mỹ từ dành đến Ozil. Nào là “mảnh ghép hoàn hảo”, hay “miếng ghép cuối cùng” cho Arsenal; nào là chìa khóa có thể giúp Arsenal chấm dứt tám năm không danh hiệu.
Thế nhưng, tất cả đã phải thất vọng khi Ozil thi đấu như mất hồn và chẳng hề có đóng góp gì trong những trận đấu lớn gần đây của thầy trò Arsene Wenger. Mới tuần trước, anh gần như lặn mất tăm trong thảm bại 1-5 trước Liverpool và cũng chẳng để lại chút dấu ấn nào trong trận hòa 0-0 với Man United trên sân nhà.
Phải chăng, những kết quả thất vọng đó đều xuất phát từ sự xuống phong độ đến khó tin của cựu tiền vệ Real Madrid này? Xin đừng vội đưa ra những kết luận đó khi nhìn vào những gì mà Ozil đã làm được trong thời gian qua; nhất là khi đặt ngang với những chân chuyền hàng đầu ở năm giải vô địch quốc gia lớn nhất châu Âu.
Tính đến thời điểm này, tiền vệ 25 tuổi đã tạo ra tới 65 cơ hội ghi bàn, nhiều hơn bất cứ cầu thủ nào khác. Anh cùng James Rodriguez của Monaco là những người duy nhất kiến tạo hơn 60 cơ hội. Dù vậy, Ozil mới chỉ có tám đường kiến tạo thành bàn. Vậy, đâu là nghịch lý?
Ở Emirates hiện tại, hàng công đang là vấn đề nhức nhối. Olivier Giroud thì vẫn cứ ‘tìm lại bản năng sát thủ như thời ở Ligue 1’. Trong khi đó, Theo Walcott không phải là một tiền đạo săn bàn thực thụ. Thêm vào đó còn là một Nicklas Bendtner được mệnh danh là “chân gỗ” hay một Lukas Podolski mài đũng ống quần trong phòng y tế. Lẽ đó, tuy kiến tạo nhiều cơ hội song tất cả đó không được đồng đội tận dụng một cách triệt để nhất.
Đó là về mặt nội tại! Để kiểm chứng hơn nữa việc Ozil có chơi đúng phong độ hay không, hãy dành những so sánh của tiền vệ này với các chân chuyền hàng đầu ở các giải đấu khác.
Ở Premier League hiện tại, đứng trên Ozil ở danh sách những cầu thủ kiến tạo hàng đầu là Steven Gerrard và Wayne Rooney. Dù là một tiền đạo thực thụ song Gã Shrek thường được HLV David Moyes xếp đá thấp và anh đã làm rất tốt nhiệm vụ liên kết hai tuyến tiền vệ và tiền đạo của Man United.
Dẫu vậy, Gerrard mới là người xuất sắc nhất. Đội trưởng của Liverpool sẵn sàng tung ra những đường chuyền tầm xa (độ dài đường chuyền là 22 mét, so với con số 16 mét của Ozil và 19 mét của Rooney) và đem lại những kết quả rất tốt (9 đường kiến tạo thành bàn).
Ngó sang La Liga, Cesc Fabregas hiện là chân chuyền hàng đầu châu Âu với 10 đường kiến tạo dù anh chỉ tạo ra 37 cơ hội. Nguyên nhân ở đâu? Đơn giản, ở Barcelona có những cây săn bàn thượng thặng; điển hình như Lionel Messi hay Neymar. Tất cả họ đều làm rất tốt nhiệm vụ dứt điểm.
Ở Bundesliga, thật ngạc nhiên khi những cầu thủ chạy cánh thuần túy. Đó là Franck Ribery, Marco Reus. Họ thường tăng tốc vượt qua đối thủ hơn là chuyền ngay sau khi có bóng. Dẫu vậy, số cơ hội mà Reus tạo ra gần bằng với Ozil (57 cơ hội), còn tỷ lệ chuyền bóng thành công của Ribery lại lên đến 85%. Một tỷ lệ khá ấn tượng với một tiền vệ cánh.
Cùng có tám đường kiến tạo thành bàn như hai đồng nghiệp là Gonzalo Castro song tiền vệ đang thi đấu cho Bayern Leverkusen lại là mẫu cầu thủ kiến tạo cổ điển.
Ở Serie A, nơi mà những hàng phòng ngự vẫn nổi tiếng với sự chắc chắn thì con số tám đường kiến tạo của Romulo thật ấn tượng; nhất là khi anh thi đấu cho tân binh Hellas Verona.
Trong khi đó, tại Ligue 1, dù thi đấu ở vị trí tiền đạo cắm nhưng Zlatan Ibrahimovic đã tạo ra tới 46 cơ hội ghi bàn, thực hiện tới chín đường kiến tạo và tự mình lập công tới 18 lần. Một siêu tiền đạo đẳng cấp thế giới. Đứng cùng bậc với đàn anh là James Rodriguez. Tiền vệ này đã chứng minh con số 39 triệu bảng mà Monaco bỏ ra để chiêu mộ anh hồi đầu mùa đáng từng xu từng cắt. Con số chín đường kiến tạo đã phần nào nói lên tất cả.
Tựu chung, dù phong độ có phần sút giảm song Mesut Ozil vẫn hiện đang là chân chuyền hàng đầu châu Âu. Ở đó, chỗ đứng của tiền vệ người Đức vẫn rất vững chắc ở nhóm đầu.