Đó là hình ảnh của ĐT Việt Nam sau AFF Cup, và hơn thế nữa, là thực trạng của bóng đá Việt Nam.
Lại tranh cãi, lại mổ xẻ
Giống như bất cứ giải đấu nào, như thường lệ, sau thất bại, chúng ta lại mổ xẻ, lại phân tích nguyên nhân, lại tìm ra hướng đi. Đến cả 20 năm nay, trừ AFF Cup 2008, năm nào mà bóng đá Việt Nam lại chẳng ca những bài ca quen thuộc: mổ xẻ thất bại, rút ra kinh nghiệm, tìm hướng đi, và đến năm sau lại đặt mục tiêu: vào chung kết một giải đấu cấp khu vực. Buồn thay cho những giấc mộng cỏn con.
Vụ việc tranh cãi đầu tiên là những hành động, lời lẽ của Tấn Tài, khi tiền vệ của K Khánh Hòa bị cho rằng đã phản ứng lại Ban huấn luyện sau trận đấu với Thái Lan. Cả lãnh đạo của VFF đi cùng ĐT, và cá nhân cầu thủ Tấn Tài đều lên tiếng phản đối.
Tấn Tài cho rằng anh không làm vậy, rằng mình chỉ bày tỏ sự tiếc nuối về những tình huống trong trận đấu. Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung cũng lên tiếng trực tiếp để bảo vệ Tấn Tài: “Tấn Tài đã không có lời lẽ phản ứng HLV Phan Thanh Hùng, mà chỉ nuối tiếc về trận đấu”. Tấn Tài là cầu thủ ghi 1 trong 2 bàn thắng của ĐT Việt Nam ở giải đấu này.
Rồi thì nghi vấn về chuyện ĐT Việt Nam mất đoàn kết, các nhóm cầu thủ bằng mặt mà không bằng lòng với nhau. Tiền đạo ngôi sao Công Vinh đã có những phản ứng thiếu tích cực, sau 2 trận đấu với phong độ không tốt và rồi mất vị trí đá chính ở trận đấu cuối cùng gặp Thái Lan.
Ở trận đấu với Thái Lan, Công Vinh thậm chí đã không xỏ giầy khi ngồi trên bằng ghế dự bị, và tỏ thái độ thiếu hợp tác, một điều rất ít thấy ở tiền đạo vốn luôn được đánh giá cao về ý thức chuyên nghiệp này.
Rồi chính từ chuyện ĐT bị cho mà thiếu tính đoàn kết, thiếu tinh thần ý chí thi đấu, dẫn đến những kết quả quá yếu kém về mặt chuyên môn, nhiều người đã đòi đánh giá lại năng lực của HLV Phan Thanh Hùng, đặt ra câu hỏi có nên tiếp tục đặt niềm tin vào ông Hùng, có nên sử dụng lại phương án là thuê HLV ngoại.
Một điều lại lặp lại, đấy là các chuyên gia bóng đá Việt Nam. Trước giải đấu, không ai lên tiếng, nhưng giờ thì ai cũng thể hiện cái sự “chuyên gia” của mình, thi nhau đưa ra những nhận định mang tình chuyên môn cao, nào là sao không dùng cầu thủ này cầu thủ kia, đá thế này đá thế kia, chỉ ra những sai lầm, thiếu xót.
AFF Cup 2012 đã kết thúc với ĐT Việt Nam, và nhìn nhận lại thì rất đơn giản là: chúng ta đã thất bại thảm hại. Phân tích mổ xẻ bây giờ, phỏng có ích gì? Thua thì đã thua rồi.
Thất bại, đó không chỉ là thất bại của một mình cá nhân HLV trưởng Phan Thanh Hùng, của những cá nhân cầu thủ đá trên sân, mà còn là thất bại của cả một nền bóng đá.
Chúng ta không thể có một ĐT tốt, một đội bóng chất lượng cao, nếu cái nền tảng, cái gốc của cả nền bóng đá không tốt. Điều này đã được nhận thức từ lâu, và lại rút kinh nghiệm, lại cần cải tổ, nhưng bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào, thì lại cần phải tiếp tục…mổ xẻ và phân tích.
Những cầu thủ của ĐT QG, nhưng cầu thủ ưu tú nhất của một nền bóng đá, trở về từ một giải đấu thất bại, đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. V-League lẫn giải hạng Nhất vẫn đang đứng trước nguy cơ không đủ đội tham dự.
Với một cái nền tảng ấy, thì đừng hi vọng vào một sự lên ngôi, nâng tầm nào đó của bóng đá Việt Nam, dù chúng ta bao nhiêu năm nay chi quanh quẩn tầm khu vực.
Giờ thì tranh cãi để mà làm gì, AFF Cup 2012 đã chẳng còn lại gì, chỉ còn là những giấc mơ buồn. Chúng ta phải “nén đau mà bước đi”, nhưng bước đi thế nào đây, thì vẫn cứ là câu hỏi lớn, rất mông lung và xa vời.
Năm cũ cũng đã lại sắp hết, và chỉ một thời gian nữa thôi, là lại một khẩu hiệu mới: quyết tâm vào đến trận chung kết SEA Games.