Hổ phụ sinh hổ tử
Mặc dù có thể trạng nhỏ bé nhưng giống hệt cha mình, Diệp Chuẩn cũng là một đại võ sư và là bậc thầy của Vịnh Xuân Quyền.
Khác với cha, Diệp Chuẩn không thích giao đấu trên võ đài và hầu như cũng không có tài liệu nói về những màn tỉ thí của ông.
Thậm chí thuở niên thiếu, Diệp Chuẩn còn không hứng thú với võ thuật mà chỉ “bị” cha truyền dạy một cách bất đắc dĩ.
Nghiệp võ của ông chủ yếu gắn với việc giảng dạy. Ông chính là người truyền thụ những kỹ năng đỉnh cao của Vịnh Xuân cho Chân Tử Đan, giúp nam tài tử có thể thi triển những màn kungfu cực kỳ đẹp mắt trên phim.
Diệp Chuẩn cũng là người hoàn thiện các bài đánh mộc nhân, đặc sản nổi bật của phái Vịnh Xuân. Trong đó, bài mộc nhân 108 thế và bài 116 thế do ông sáng tạo được các đệ tử của môn phái đặc biệt đề cao.
Về tuyệt kỹ này, có một kỷ niệm rất đáng nhớ của Diệp Chuẩn có liên quan tới “đệ tử ruột” của Diệp Vấn, chính là Lý Tiểu Long.
Số là khi Lý Tiểu Long đang theo học Vịnh Xuân của sư phụ Diệp Vấn thì Lý bất ngờ gây xích mích với Hội Tam Hoàng nên phải giã từ Hồng Kông và sư phụ để chuyển sang Mỹ lánh nạn.
Năm 1965, Lý trở lại Hồng Kông thăm sư phụ và đặt vấn đề muốn học nốt bài cuối cùng của kỹ thuật mộc nhân, một tuyệt kỹ mà Lý chưa kịp học trước khi đi Mỹ, đổi lại anh sẽ mua cho sư phụ và sư huynh một căn nhà lớn.
Tuy nhiên, sư phụ lập tức từ chối vì không muốn những tuyệt kỹ của mình biến thành một sản phẩm của sự trao đổi vụ lợi.
Thất bại, Lý bắt đầu chuyển sang thuyết phục sư huynh Diệp Chuẩn truyền dạy cho mình nốt tuyệt kỹ mộc nhân còn đang dang dở.
Nhưng cũng giống người cha, Diệp Chuẩn lập tức khước từ lời đề nghị của sư đệ. Diệp Chuẩn chỉ nói đúng một câu: “Bậc nam tử có nhiều thứ quý báu hơn là sự thoải mái về cuộc sống vật chất”.
Về sau, cảm phục trước khí chất của sư phụ và sư huynh nên Lý Tiểu Long đã từ Mỹ trở về Hồng Kông để trau dồi tuyệt kỹ mà mình vốn ao ước bấy lâu.
Trở lại với trình độ võ công của Diệp Chuẩn, do ông không bao giờ bước lên võ đài nên rất khó để đánh giá trình độ của ông cao siêu tới đâu.
Tuy nhiên điểm mạnh trong võ thuật của Diệp Chuẩn được cho là khả năng phòng thủ vô cùng hoàn hảo.
Thậm chí khi đã ngoài tuổi bát tuần, trong những buổi dạy võ, ông đã thử sức các đệ tử bằng cách để cho các môn đồ tìm mọi biện pháp để tấn công vào một vị trí trên cơ thể ông.
Tuy nhiên có rất nhiều đệ tử đã phải thừa nhận rằng rất khó để ra một đòn chính xác khi đối đầu với vị sư phụ.
Võ giỏi, văn còn giỏi hơn
Diệp Chuẩn (Ip Chun) sinh năm 1924 tại Phật Sơn, Quảng Đông. Ông bắt đầu được thân phụ dạy võ từ năm 7 tuổi nhưng mãi tới tận năm 34 tuổi mới thực sự gắn bó với võ nghiệp.
Không giống như cha vốn chỉ nổi danh nhờ võ thuật, Diệp Chuẩn lại là một con người đa tài ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Có thể khẳng định hiếm có một vị võ sư nào tài hoa giống như ông.
Năm Diệp Chuẩn 24 tuổi, do những biến cố của thời cuộc nên thân phụ của ông đã phải rời quê hương Phật Sơn để tới mảnh đất Hồng Kông lánh nạn và lập nghiệp.
Khi đó, Diệp Chuẩn không đi theo cha mà tiếp tục ở lại Phật Sơn để nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ lịch sử, triết học, thơ ca, âm nhạc truyền thống, Phật giáo và lĩnh vực nào ông cũng gặt hái được thành tựu.
Đến năm 1950 (26 tuổi), ông đã trở thành một thạc sĩ và có khả năng trình diễn rất siêu đẳng loại hình opera.
Thậm chí, ông còn từng được trao giải thưởng “nhà nghiên cứu tiềm năng nhất của nghệ thuật Trung Quốc” bằng các công trình nghiên cứu âm nhạc truyền thống.
Diệp Chuẩn và thân phụ Diệp Vấn.
Tuy nhiên đến năm 1962, do cuộc Cách mạng Văn hóa nên Diệp Chuẩn bất đắc dĩ phải cùng người em của mình là Diệp Chính rời mảnh đất Phật Sơn để chuyển tới Hồng Kông, nơi thân phụ đã bắt đầu gây dựng được tiếng tăm.
Tại đây, sự nghiệp nghiên cứu về âm nhạc, văn hóa một cách chính quy của Diệp Chuẩn cũng bị bỏ dở nhưng ông vẫn tiếp theo đuổi vì niềm đam mê.
Ở Hồng Kông, ông cũng chuyển sang dạy võ cùng cha và tham gia vào một hiệp hội thao tại Hồng Kông và được bầu làm chủ tịch. Thậm chí ông còn kiêm luôn công việc của một kế toán và cả phóng viên cho một tờ báo.
Cho tới tháng 12/1972 sau khi thân phụ qua đời, Diệp Chuẩn đã thừa kế di sản của cha. Suốt quãng thời gian từ năm 1985 đến năm 2001, ông chu du rất nhiều quốc gia để truyền bá Vịnh Xuân Quyền.
Năm 1992, ông thành lập một hiệp hội riêng, quy tụ những môn sinh cao cấp của Vịnh Xuân nhằm mục đích làm nền tảng để truyền bái môn phái ra khắp thế giới.
Những năm gần đây, dù đã bước sang tuổi cửu tuần nhưng Diệp Chuẩn vẫn còn đủ tâm sức để dạy võ.
Ông cũng trở thành nhà tư vấn cho hầu hết các bộ phim nói về cuộc đời và sự nghiệp của thân phụ Diệp Vấn, trong đó có cả 3 phần của bộ phim cùng tên do Chân Tử Đan thủ vai chính.
Ở thời điểm năm 2010, Diệp Chuẩn và môn đồ đã xây dựng được cơ sở tại hơn 60 quốc gia và có trên hơn 3000 cơ sở truyền bá Vĩnh Xuân Quyền.
Với những cống hiến to lớn của ông, Ủy ban Olympic Hoa Kỳ đã trao tặng ông nhiều giải thưởng quý giá. Diệp Chuẩn có rất nhiều cao đồ ở khắp nơi trên thế giới.
Trong đó có thể tới những võ sư nổi tiếng như Colin Ward (Anh), Terence Yip Pui (Mỹ), Keung Lee (Canada), Dean Jones (Nam Phi), Felix Leong Cheok Son và Gordon Shellshear (Australia), Leung Chung Wai (Hong Kong), Peter Yeung (Thụy Điển), Alex Serra (Brazil), Ken Lau (Singapore)…
Xem Diệp Chuẩn dạy Vịnh Xuân Quyền ở độ tuổi 84