Roberto Carlos và Yuri Zhirkov cũng đang ở đó. Carlos, đội trưởng của đội bóng đang tìm cách biến thủ đô nghèo nàn của Daghestan trở thành trung tâm thế giới bóng đá, nhận lương 5 triệu euro/ năm. Ngoài họ ra, Anzhi đã tập hợp được về đây một đội ngũ những ngôi sao có khả năng từ khắp thế giới, hoặc đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, hoặc vẫn còn sung sức, nhưng thích tiền hơn là một môi trường bóng đá trên đỉnh cao.
Đó là Diego Tardelli, từng được gọi vào ĐT Brazil cách đây hai năm. Là Balazs Dzsudzsak, một trong những tiền vệ cánh hay nhất giải VĐQG Hà Lan 3 năm qua, từng chơi cho PSV 114 trận và ghi 44 bàn. Là Jucilel, cựu tiền vệ của Corinthians, một trong những người đầu tiên được HLV Mano Menezes triệu tập vào ĐT Brazil dưới triều đại của ông. Trong danh sách dát vàng của Anzhi, người ta có thể tìm thấy cả Isah Eliakwu, cựu cầu thủ Inter (2004-2006) và Mbark Boussoufa, cầu thủ gốc Maroc từng được Chelsea lấy về từ học viện trẻ của Ajax năm 17 tuổi.
Nhưng không một “con cá” nào trong số
đó “béo bở” bằng Eto’o. Carlos đến đây khi đã 37 tuổi. Zhirkov,
Tardelli, Jucilel… đều không thể so sánh về đẳng cấp và thành tích với
tiền đạo người Cameroon. Eto’o mới 30 tuổi, vẫn còn sung sức và có thể
chơi ít nhất 2-3 mùa ở đỉnh cao nữa (với đẳng cấp của anh, thậm chí là
4-5 mùa), trên ngực đeo đầy những chiến tích gặt hái ở châu Âu và có thể
khiến Anzhi được cả thế giới biết đến chỉ sau một đêm, với những dòng
tít chạy tới tấp trên trang chủ của các hãng tin thông tấn và báo chí.
Makhachkala, thủ đô của nước Cộng hòa Daghestan, trước đó chỉ được biết đến như nơi mà Gamzatov và gia đình ông sinh sống, thì bây giờ, lại nổi bật lên nhờ Eto`o và con số hơn 20 triệu euro/ năm mà anh có thể nhận được ở đây.
Anh nhận được gì ở đây? Danh tiếng?
Không thể, tiền có thể khiến các CLB Nga giàu có lên, nhưng chất lượng
và việc quảng bá cho giải đấu không thể đến trong ngày một ngày hai.
Danh hiệu châu Âu? Không thể, trừ phi Eto`o tin rằng cũng sẽ có nhiều
ngôi sao giống như anh, sẵn sàng rút lui trên đỉnh cao để trở thành một
phần của đế chế được xây dựng nên bởi một núi tiền.
Anzhi là một CLB gần như không có lịch sử, được thành lập năm 1991, vị trí cao nhất từng giành được ở giải VĐQG Nga chỉ là một lần về thứ 4 năm 2000 và trận đấu duy nhất của họ ở Cúp châu Âu chỉ là thất bại 0-1 trước Rangers ở vòng Một Cúp UEFA mùa 2001-2002. Mùa bóng tới mới là mùa giải thứ 5 của họ tại hạng đấu cao nhất của Nga. Đó không phải là một môi trường để Eto`o gặt hái những gì thuộc về giá trị tinh thần của đời cầu thủ.
Cầu thủ đã từng đoạt 4 chức VĐQG ở
những nơi anh đi qua (3 ở La Liga và một ở Serie A), 3 Champions League,
một Cúp thế giới các CLB…, không còn mơ được đứng trên đỉnh cao ở một
sân đấu mà pháo sáng bắn rực một góc khán đài, những bài hát mừng chiến
thắng hào hùng cất lên và hàng trăm ống kính máy ảnh chĩa vào anh ngắm
bắn nữa.
Makhachkala là một thế giới khác, nơi anh sẽ chỉ đến đó 15 lần/ mùa bóng, vào cuối tuần để thi đấu các trận sân nhà (do tình hình bất ổn ở Daghestan, Eto`o và các đồng đội phải tập luyện ở Moskva, và chỉ di chuyển đến Makhachkala vào những ngày họ đá sân nhà), nơi anh có thể tắm mình trong đống euro mà chẳng phải lo nghĩ, nơi anh có thề được ông chủ Suleyman Kerimov tặng cho những món quà đắt giá trong những dịp kỷ niệm đặc biệt của bản thân (vào sinh nhật thứ 38 của mình, Roberto Carlos đã được Kerimov tặng một chiếc Bugatti Veyron), và sống như một ông hoàng, trong sự bảo vệ của các lực lượng chống khủng bố, trong sự bất ổn của đất nước này.
Thế giới mà Eto`o sẽ sống là một thế giới bị cô lập bởi đồng tiền. Không cần biết ở châu Âu, Messi, Ronaldo, Xavi…, đang cạnh tranh khốc liệt thế nào. Không cần biết rằng có bao nhiêu người chết và bị thương trong những vụ khủng bố xảy ra như cơm bữa ở đất nước bị bao phủ bởi bạo lực và tồn tại trong tiếng súng và đạn bom. Con sư tử bất khuất được nuôi dưỡng trong một cung điện bằng vàng, tập luyện, và chỉ cất tiếng gầm trên sân bóng, ở một nơi xó xỉnh đến mức chẳng ai nghe thấy nó. Daghestan của ai? Chắc chắn, không phải của Eto`o…
Theo Bóng đá số