Cách đây gần 1 tháng, dư luận còn không coi U23 Myanmar là "thuốc thử liều cao" với U23 Việt Nam
Trước khi diễn ra AFF Cup 2010, ĐTVN (khi đó do Henrique Calisto dẫn dắt) đã phải thi đấu ở cúp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (về nhì) và VFF Sơn Hà Cup (đứng thứ tư).
Kết quả của hai giải nhìn chung không quá quan trọng, bởi chúng chỉ là những cuộc tập dượt cuối cùng chuẩn bị cho giải đấu lớn AFF Cup. Tuy nhiên việc thi đấu ở giải này khiến ĐTVN dễ dàng bị các đối thủ trinh sát hơn. Mọi bài vở tấn công - phòng ngự đều bị ghi vào băng hình để cung cấp cho các HLV.
Henrique Calisto phải rời ghế HLV trưởng ĐTVN sau AFF Cup 2010
Vậy câu hỏi được đặt ra là, ĐTVN có NHẤT THIẾT phải ra sân và tốn sức vào những giải mang tính chất giao hữu không khi mục tiêu chính của họ đã cận kề?
U23 Việt Nam thắng tưng bừng trước đối thủ Myanmar ở VFF Cup trước đó nhưng lại bị cầm hòa ở SEA Games. Có nhiều lý do chủ quan để giải thích, nhưng không thể phủ nhận rằng U23 Myanmar đã hoàn toàn khác so với 1 tháng trước: họ vào trận với sự quyết tâm cao hơn cho một giải đấu quan trọng, và cũng biết chơi áp sát một cách quyết liệt để khắc chế các tuyển thủ Việt Nam mà họ đã từng chạm trán.
Chắc chắn thất bại ở VFF Cup đã giúp Myanmar học được nhiều điều từ cách chơi của U23 Việt Nam, đặc biệt là những trụ cột như Thành Lương, Trọng Hoàng… Phương châm của các nhà ảo thuật là không bao giờ diễn lại một trò, bởi lần thứ hai người xem sẽ quan tâm nhiều hơn đến cách thức thực hiện nó. U23 Việt Nam đã diễn lại trò ảo thuật của mình lần thứ 2, và họ đã bị bắt bài.
Ngay từ trước VFF Cup, U23 Việt Nam đã mất quân vì những trận giao hữu với các đội V-League
Việc đá quá nhiều giải giao hữu nếu thành thói quen sẽ khiến các đội trong khu vực nắm bắt được chúng ta nhiều hơn. Việc ghi hình một trận đấu của ĐTVN chẳng có gì khó khăn, nên về lâu về dài những tư liệu đó sẽ trở thành vũ khí lợi hại để giúp cả các đội chiếu dưới ngăn chặn và vô hiệu hóa chúng ta.
Những phát ngôn đầy tự tin của HLV trưởng U23 Myanmar sau trận hòa Việt Nam (“chúng tôi có thể đứng đầu bảng”) khiến người viết sực nghĩ về một câu chuyện học đường: cho bạn chép bài, để rồi bạn lại điểm cao hơn mình.
Theo GDVN