Trong và sau 2 vai diễn ấy, thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc hẳn sẽ có chút băn khoăn, nhưng vấn đề còn lại với nền bóng đá lớn hơn: ứng xử thế nào với thời cuộc. Như ở số báo trước, TT&VH đã từng đề cập, bóng đá, lại ở tầm ĐTQG, chắc chắn không tham dự một cuộc chơi vô thưởng vô phạt, càng không thể xuất trận mà cầu bại được.
1. Cần thẳng thắn với nhau rằng, sân chơi châu lục mà cụ thể là Asian Cup 2015, vẫn là quá tầm so với thực lực của nền bóng đá chúng ta. Năm 2007, chúng ta được đặc cách dự VCK trong tư thế của một trong 4 nước đồng chủ nhà. Và ở giải đấu năm đó, ĐT Việt Nam dưới triều đại HLV Alfred Riedl đã làm nên một cuộc địa chấn mini, khi vượt qua UAE để giành quyền vào chơi tứ kết bằng sự hỗ trợ của chính đối thủ này.
Tại sao nói là UAE đã hỗ trợ thầy trò ông Riedl? Sau chỉ lượt trận đầu tiên ở Mỹ Đình, mặc cho ĐT Việt Nam đã bất ngờ vượt qua UAE với tỷ số 2-0 (Quang Thanh và Công Vinh là những người ghi bàn), giới chuyên môn đã xác định luôn, Nhật Bản và Qatar (hòa nhau 1-1) mới là những đội bóng mạnh nhất bảng B. Nhưng bất ngờ đã xảy ra ở lượt trận cuối, khi UAE hạ Qatar trên SVĐ QK7 và dù chúng ta thua Nhật Bản với tỷ số đậm 1-4, nhưng vẫn đi tiếp.
Sau chiến tích lọt vào tốp 8 đội mạnh nhất châu lục, cùng các kết quả khả quan ở vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008, người trong cuộc (và cả các CĐV, giới truyền thông) như thể đi trên mây. Quan chức VFF thậm chí còn cho rằng đó là một bước tiến vĩ đại của nền bóng đá và “SEA Games 2007, chúng ta không giành HCV thì còn đợi đến bao giờ?”. Câu chuyện của nền bóng đá xứ sở, sau đó và cho đến tận bây giờ như thế nào, chắc không cần phải nhắc nữa.
Cách ứng xử với thành công và thất bại trong bóng đá là cả một nghệ thuật. Không thể bi quan hay bi kịch hóa một (hay vài) thất bại; nhưng cũng không thể thăng hoa đến độ quên hết tất cả với thành công bước đầu, càng khi nó đến một cách bất ngờ, không giống với tiên liệu ban đầu. Bóng đá, kể cũng khó nói trước.
2. ĐT Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử, khi các đối thủ ở bảng E không mạnh như nhiều người nghĩ. Á quân Asian Cup 1996 UAE chưa bao giờ được đánh giá cao, kể từ lần cuối cùng thăng hoa ở giải đấu trên sân nhà cách đây 17 năm, bằng chứng là họ đã từng bị chúng ta đánh bại; Uzbekistan suy yếu sau VCK 2011 từng lọt vào bán kết, còn Hong Kong thậm chí còn bị xếp ở nhóm 4 các đội phải dự vòng loại sơ bộ (sau cả Việt Nam ở nhóm 3).
Trong trận đấu mở màn bảng E với UAE trên SVĐ Mỹ Đình, thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc đã có thời điểm làm chủ hoàn toàn cuộc chơi, với tỷ lệ giữ bóng và các pha vây hãm khung thành đối phương vượt trội. Chúng ta mất điểm bởi ít nhất một sai lầm (pha phạm lỗi không cần thiết, nếu không muốn nói là ngờ nghệch của Michal Nguyễn, dẫn đến quả phạt đền cho UAE-PV) và cũng phải kể thêm sự kém may mắn nữa. Thua, nhưng vẫn có thể tìm thấy những biểu hiện lạc quan từ đây.
Một lối chơi rực lửa, giàu cảm xúc được khởi thủy bởi dàn cầu thủ trẻ tài năng, với một HLV được đánh giá là rất biết cách khơi dậy những khát vọng, đã và đang được phô diễn. Nói như người tiền nhiệm Phan Thanh Hùng, thì người trẻ với rất nhiều đích hướng tới ở trước mặt, họ có thể làm những điều kỳ diệu. Cũng như trước VCK Asian Cup 2007, bóng đá Việt Nam chỉ toàn thua và bại, nên khi thời cơ “làm điều gì đó” đến ngay trên sân nhà, chúng ta đã nắm bắt được.
Cuộc sống không có sẵn những con đường, mà cứ đi mãi rồi cũng thành đường thôi. Khả năng cuối cùng và tất nhiên, không ai mong đợi, là Hong Kong dồn ép và làm chủ cuộc chơi ở Mong Kok, khiến ĐT Việt Nam thất bại, có lẽ không cần thiết bàn tới nữa. Bởi lúc đó, chúng ta (ở đây là nền bóng đá) đã biết đích xác mình đang ở đâu rồi, thay vì cứ lâng lâng, nhấp nhổm.