Trước thềm Madrid Open 2013 khi “Big Four” của làng banh nỉ chuẩn bị xuất trận, chúng ta có thể có một cái nhìn sâu hơn về sự thông trị của 4 tay vợt Novak Djokovic, Roger Federer, Andy Murray và Rafael Nadal trong vòng 5 năm qua. Dù hiện tại Nadal đã rơi xuống số 5 thế giới nhưng thực tế “Big Four” vẫn chỉ là 4 cái tên kể trên.
“Big Four” thống trị ra sao?
Suốt 5 năm qua, họ đều kết thúc trong 4 vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng ATP. Và tính từ khi bảng xếp hạng này ra đời năm 1973, chưa có một “bộ tứ” nào xuất chúng đến vậy.
Madrid Open 2013 mới chỉ là giải đấu thứ 2 trong mùa giải này “Big Four” cùng xuất hiện, trước đó là tại Indian Wells Masters. Mỗi khi họ tham dự cùng giải đấu với nhau, “Big Four” đã vô địch tổng cộng 26 giải đấu tính từ Rome Masters 2010.
Năm 2013: 1 danh hiệu
Năm 2012: 6 danh hiệu
Năm 2011: 11 danh hiệu
Năm 2010: 8 danh hiệu
Ai hơn ai?
Thật khó để nói trong “Big Four” ai là tay vợt hay hơn vì nếu xét về số Grand Slam, Federer dĩ nhiên là số 1, xét về mặt sân đất nện, Nadal là “Vua”, xét về thời điểm hiện tại, Djokovic đang là cai trị làng banh nỉ, còn Murray kém cạnh hơn nhưng chưa bao giờ e sợ khi gặp 3 đối thủ còn lại. Ở đây chúng ta sẽ xét về một khía cạnh, đó là thành tích đối đầu giữa các tay vợt trong “Big Four”.
Nadal có số trận thắng vượt trội mỗi khi gặp 3 tay vợt còn lại (51 trận thắng) và cũng để thua ít nhất (30 trận). Murray cũng chỉ để thua 33 trận, ít hơn cả Djokovic và Federer, nhưng là vì tổng số trận gặp 3 tay vợt còn lại của Murray chỉ là 56 trận, ít hơn hẳn so với tổng số trận đối đầu của Djokovic, Federer và Nadal. Nhưng Murray cùng với Nadal lại là hai tay vợt “khó chơi” nhất với Federer khi có kết quả đối đầu tốt hơn.
Tính trong 5 năm gần nhất, Nadal vẫn trội hơn khi đối đầu với 3 đối thủ còn lại. Nhưng rõ ràng Rafa đã gặp đối thủ đáng gờm là Djokovic khi hai tay vợt mỗi người cùng có 13 trận thắng. Khoảng thời gian này cũng đánh dấu sự đi xuống của Federer khi gặp 3 tay vợt trẻ hơn mình tới 5, 6 tuổi và tay vợt người Thụy Sỹ có tỷ lệ chiến thắng thấp nhất khi gặp họ là một minh chứng.
“Vua Masters 1000” & “Vua Grand Slam”
Với 22 danh hiệu Masters 1000 trong sự nghiệp, Nadal vẫn là số 1 ở các giải đấu Masters 1000 Dù vậy có tới 16 chức vô địch Rafa giành được trên mặt sân đất nện, trong đó ở Monte-Carlo là 8, Rome là 6, Madrid và Harmburg cùng là 1., còn lại “Vua đất nện” chỉ có 6 chức vô địch trên sân cứng. Nhưng như vậy cũng đủ để Nadal là “Vua Masters”.
Với 17 Grand Slam, không ai có thể so đọ với Federer với ngôi “Vua Grand Slam”. Nhưng nếu so về tỷ lệ chiến thắng tại các giải Grand Slam, Nadal vẫn là người nhỉnh hơn.
Ngay cả trong những cuộc đấu với tốp 10 thế giới, Nadal cũng là tay vợt có tỷ lệ chiến thắng tốt hơn so với 3 thành viên còn lại trong “Big Four”. Đặc biệt cứ mỗi lần gặp tay vợt số 1 thế giới, Nadal lại tỏ ra có ưu thế rõ ràng với 16 trận thắng và 9 trận thua, và trong hai mùa giải gần nhất, chỉ có số 1 Djokovic mới có thể khắc chế Nadal. Tay vợt người Tây Ban Nha cũng là người có tỷ lệ chiến thắng tốt nhất mỗi khi lọt vào các trận chung kết.
Giai đoạn quyết định số 1 thế giới?
Trong nhiều mùa giải qua, mùa đất nện và mùa sân cỏ gần như định đoạt vị trí số 1 thế giới tính từ Madrid Open. Tổng cộng từ đây cho tới Wimbledon là 6000 điểm và tay vợt nào có được nhiều điểm số nhất gần như sẽ định đoạt được vị trí số 1 khi hết năm. Dù vậy cũng có ngoại lệ khi vào năm 2012, Federer giành được nhiều điểm nhất với 4080 điểm ở 4 giải đấu Madrid, Rome, Roland Garros và Wimbledon nhưng Djokovic vẫn bứt tốc ở thời điểm cuối mùa giải để lấy lại vị trí số 1 thế giới.