Hôm 13.10 vừa qua, ĐT Việt Nam tiếp ĐT Thái Lan ở lượt trận thứ 4 bảng F vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á.
Kết thúc 90 phút, đội tuyển của chúng ta đã thua tâm phục khẩu phục với tỷ số 0-3. Trận thua này khiến thầy trò Miura gần như hết cơ hội tranh đoạt 1 trong 2 vị trí dẫn đầu bảng F, đồng thời khiến cho người hâm mộ nước nhà một lần nữa phải thất vọng.
Gần như ngay lập tức, làn sóng chỉ trích HLV Miura lại nổi lên, thậm chí còn mạnh mẽ hơn đợt thắng nhọc nhặt Đài Loan (Trung Quốc) 2-1 hay đội U23 Việt Nam bất ngờ thua trước U23 Myanmar tại bán kết môn bóng đá nam SEA Games 28.
Đa số những chỉ trích đều cho rằng, nhà cầm quân người Nhật chẳng mang lại điều gì mới lạ cho bóng đá Việt Nam và ông nên ra đi. Bằng chứng là ông chưa mang về chiếc cúp nào kể từ khi nhận việc hồi tháng 4 năm ngoái.
Vậy HLV Miura có xứng đáng bị chỉ trích và cần phải thôi việc? Thực tế, đã nhiều bài báo, nhiều phân tích và mổ xẻ về điều này. Có người đồng ý, có người không.
Ở bài viết này, chỉ xin đi về những con số thống kê, để thấy rằng Miura không kém cỏi như nhiều người nghĩ. Thậm chí nếu xét về tỷ lệ chiến thắng, ông chẳng kém bất cứ tiền nhiệm nào của mình.
Kể từ khi ký hợp đồng với VFF tới nay, HLV Miura đã dẫn dắt ĐT Việt Nam tổng cộng 14 trận, giành chiến thắng 7 trận, tức đạt tỷ lệ 50%. 7 trận còn lại, ông cùng các học trò trải qua 3 trận hòa và 4 thất bại.
Nếu tính những HLV từng dẫn dắt ĐT Việt Nam trên 10 trận trở lên, rõ ràng đây là một tỷ lệ chiến thắng rất cao, ngang bằng với thành tích của Henrique Calisto hay Alfred Riedl trước đây.
Thành tích của các HLV dẫn dắt ĐT Việt Nam (tính từ 10 trận trở lên):
- Riedl (giai đoạn 1998-2000): thắng 16/32 trận;
- Miura (từ 2014 đến nay): thắng 7/14 trận;
- Calisto (tháng 8 đến 12-2002): thắng 5/10 trận;
- Tavares (tháng 2 đến 12-2014): thắng 4/11 trận;
- Phan Thanh Hùng (tháng 8 đến 12-2012): thắng 5/14 trận;
- Riedl (2005-2007): thắng 8/23 trận;
- Calisto (2008-2011): thắng 11/42 trận.
Tất nhiên, trên phương diện huấn luyện, một HLV đạt tỷ lệ chiến thắng cao, cũng chưa chắc được coi là thành công.
Ví dụ như các chiến thắng chỉ diễn ra trước các đội bóng yếu, còn khi gặp những đối thủ trên cơ hoặc cứng cựa mà thua thì chắc chắn là một nhiệm kỳ thất bại.
Hoặc thắng như chẻ tre mà khi bước vào các trận cầu then chốt lại gục ngã thì cũng dễ mất niềm tin. Vậy nên việc tiếp tục trọng dụng hay thay thế HLV Miura vẫn là phương án mở từ phía VFF mà nếu “luận” theo hướng nào thì cũng có cái lý do để giữ hay cắt hợp đồng.