Đại ka ngoài đời
>>> Loạt ảnh "nhìn là yêu" của nữ kiệt võ cổ truyền Việt Nam
Từng muốn vào trường đặc công
“Có thể do xem phim nhiều quá, bị ảnh hưởng bởi hình tượng anh hùng. Các anh con trai vào đặc công, tập luyện, làm nhiệm vụ nguy hiểm nhưng nếu có thể cống hiến thì em rất muốn khi có cơ hội.
Bố mẹ cấm nhưng em có lén tìm hiểu, nộp đơn nhưng không đủ chiều cao nên không tham dự được. Em cao 1m60 nhưng khi đi khám còn 1m57.8”.
Giỏi võ, thích can thiệp vào chuyện bất bình nên Tạ Bích Hồng được nhiều người gọi là Đại ka (dù thích là Đại tỷ hơn!).
“Năm cấp 3, có 1 bạn nhà nghèo đi học xa. Vài bạn khác bằng trang lứa nhưng có suy nghĩ sai lệch, muốn bắt nạt, không muốn bạn kia tới trường nên em lên tiếng bênh vực, gây gổ, cũng đánh nhau, cũng bị thương.
Con gái như vậy người ngoài nhìn vào thì đánh giá mình không tốt. Nhưng sau đó, vì việc em bảo vệ chính nghĩa nên mọi người rất quý mến.
Những việc không tốt em không phải ra tay, chỉ nói, dàn xếp cũng đủ giúp 1 số bạn”.
Lên đại học, có một anh chàng đã học Karate 3 năm tìm đến thách đấu Hồng và cũng thất bại chóng vánh.
Giỏi võ nên Bích Hồng chẳng ngán ai.
“Có 1 anh bạn học cùng đại học, thấy em tập võ thì thách đấu, nói em đấu thắng thì anh sẽ nhận làm sư phụ. Anh này có 3 năm học Karate.
Ban đầu anh ấy không dám ra đòn, khi ra đòn thì mấy giây sau em đã cho… đo đất. Sau khi thua thì nhận làm sư phụ nhưng em bảo không cần, chỉ đùa thôi”.
Clip Bích Hồng tung tuyệt chiêu khẹp cổ, hạ gục nam nhân
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
9 năm học võ cổ truyền, 7 năm rèn luyện khí công
Mới 20 tuổi, Tạ Bích Hồng đã gặt hái được rất nhiều thành tựu võ học. Lên lớp 6, cô bé chỉ đi học võ theo “phong trào” với chúng bạn nhưng rồi nhanh chóng say mê và định hướng theo chuyên nghiệp.
Tạ Bích Hồng luyện võ Bình Định Gia.
Vốn tính tinh nghịch, ngày đầu học võ, Bích Hồng đã bị thầy bắt phạt đứng tấn. Khi ấy, ý chí và quyết tâm của cô bé thể hiện rõ trong ánh mắt, khiến HLV Lê Anh Tuấn ấn tượng và quyết định sẽ huấn luyện riêng.
Trong khi các bạn theo giáo trình phổ thông, bắt đầu học quyền, cước thì Bích Hồng bị “đày ải” đứng tấn trên mặt sân đá dăm lởm chởm rất đau đớn.
Thầy Tuấn nhận thấy Hồng nóng tính, sống thẳng nên muốn cô học trò nhỏ biết chịu đựng, cảm nhận nỗi đau để sau này khi có võ, sẽ chín chắn hơn mỗi khi xuất chiêu, tránh làm tổn thương người khác.
HLV Lê Anh Tuấn - người được Tạ Bích Hồng không chỉ coi là thầy mà còn yêu quý như cha.
Sau 2 năm học võ thông thường, thầy Tuấn cũng đã đặc cách cho Hồng luyện khí công. Tính đến nay, Hồng đã có 7 năm luyện khí.
“Ngoài việc vận khí như trong phim chưởng thì phải chịu đòn để cơ thể quen với điều đó. Ví dụ tập tăng cường ở mang tai thì ban đầu phải tập với tiếng ồn để vùng trong tai quen được.
Học khí công cũng giúp tăng sự bình tĩnh. Sau đó có thể dùng lực chính xác hơn, khi lực tác động vào cơ thể thì chịu tốt hơn, thậm chí là phản đòn như khi đấm vào quả bóng, tay anh sẽ bị bật ra” – Hồng chia sẻ về chuyện tập khí công.
Bích Hồng vận khí công khi tham gia thi đấu.
Đến bây giờ, cô bạn có thể để gạch lên bụng rồi cho người khác dùng búa đập vỡ. Đáng nể hơn, Hồng có thể làm điều tương tự ở phần nguy hiểm là mang tai. Còn chuyện nằm trên đống thủy tinh vỡ lởm chởm với Hồng đơn giản như “cơm bữa”.
Bích Hồng biểu diễn khí công.
Tạ Bích Hồng trong chương trình Dám làm không?
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
Đoạt 3 HCV ở 2 hội diễn võ cổ truyền khi đấu biểu diễn nhưng sở trường của Hồng là… đối kháng. Vì quá lợi hại và “máu lửa” nên Hồng bị cấm không cho tập với con gái. Cô chỉ được tập với con trai và còn… trên hạng cân.
“Em hay biểu diễn nhưng từ nhỏ học đối kháng là chủ yếu.
Em đấu với con gái, ban đầu thì bình thường nhưng khi ăn đòn thì cay mũi, đánh hăng. Thầy thấy thì lắc đầu rồi không cho đấu với con gái nữa, chỉ đấu với con trai trên hạng cân. Hầu hết là thắng.
Với con trai bình thường không luyện võ thì chắc 10 giây là em có thể cho "đo sàn"!”
Dù Bích Hồng "dữ dằn" nhưng rất nhiều chàng trai yêu thích!
Công dụng đặc biệt của võ thuật và khí công với con gái
“Ngày bé em cũng xấu, giờ thì đỡ hơn (cười). 1 con người có đẹp không thì theo nhà Phật, do tâm hồn, đúc kết thành tính cách rồi thể hiện ra nét mặt. Ông cha có câu “Trông mặt mà bắt hình dong” là như vậy.
Việc em học võ từ bé, tiếp nhận các văn hóa, truyền thống, trong em có cái truyền thống, giữ nét của người Việt Nam.
Ban đầu em không để ý nhưng sau mọi người đánh giá chân tay săn chắc, tự tin, đó là điều quyết định nhiều cái nhìn của mọi người với 1 cô gái”.
Cô gái trẻ sở hữu khuôn mặt xinh xắn, thân hình vô cùng quyến rũ.
Nằm trên mảnh sành khiến Hồng bị xước nhiều ở lưng. Nhưng nhờ khí công, cô không mang vết sẹo nào mà da dẻ còn rất mịn màng, không hề có mụn.
Chuyện “con gái” cũng có thể kiểm soát bằng khí công và khống chế gói gọn trong 3 ngày rất nhanh gọn, ít đau đớn.
Đặc trưng của võ Bình Định Gia
“Bình Định Gia chủ yếu dạy về võ đạo. Đó là điều đầu tiên được học. “Võ đạo vị nhân sinh, võ công khai trí tuệ”.
Một người học võ không chỉ đấm đá, rèn sức khỏe mà còn phải biết vì mọi người. Từ võ học biết khai tâm, mở trí, có trách nhiệm với bản thân, trau dồi thêm đạo đức, tri thức.
Các chiêu thức thì thiên về đòn đánh thấp vì thể chất người Việt Nam không cao lớn nhưng liều lĩnh, can đảm.
Dùng trỏ, quét, lên gối… Có các đòn cắt kéo, bẻ tay, thoát hiểm… rất đẹp, linh hoạt, thể hiện sự khéo léo, tài tình của người Việt Nam”.
Những khó khăn khi con gái luyện võ
Là con gái nên khi luyện môn thể thao gian khổ bậc nhất thế giới, Hồng gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu, bố không cho phép Hồng luyện võ nên cô bé đã phải mất rất nhiều công sức thuyết phục. Sau đó lại đến mẹ sót con gái nên cũng phản đối…
Vốn tính ngay thẳng lại học võ nên đôi khi Hồng can thiệp vào các chuyện chướng tai, gai mắt để bênh vực lẽ phải nhưng bị hiểu nhầm.
Làm con gái luyện võ thật không đơn giản.
Chấn thương cũng là vấn đề thường gặp khi luyện võ. Với Hồng dù đã hạn chế tối đa, vẫn có lần cô gái phải băng bó tay trong nhiều tháng.
“Trong nhà thầy có 1 bao cát, em hay tập đấm đá vào đó. Khi em đang đấm, có người mở cửa vào, cạnh nhọn vào đúng phần cứng của tay nên phải bó bột 1 thời gian. Còn bình thường không có chấn thương nào quá nặng”.
Cô gái truyền thống, dịu dàng, đảm đang
Hồng hiện tự túc học phí bằng cách đi làm thêm. Cô đang kinh doanh quần áo, mỹ phẩm trên mạng internet, đi đóng phim, làm mẫu ảnh.
Ngoài ra, cô còn từng mở một lớp võ miễn phí (đây là ước mơ Hồng muốn thực hiện dài lâu nhưng hiện tại chưa đủ điều kiện duy trì lớp).
Hiện Hồng còn làm cố vấn võ thuật cho một tờ báo, tham dự các hội thảo giúp phụ nữ chống bạo lực và tránh tai nạn.
Giữa rất nhiều môn võ ngoại nhập, Hồng lựa chọn một môn võ cổ truyền vì muốn phát huy tinh hoa của dân tộc.
Ấp ủ lớn lao như vậy về võ thuật nhưng Hồng cũng như bao cô gái bình thường khác, thích ăn diện, trang điểm, làm tóc, nấu nướng, nghe nhạc, thổi sáo và đánh đàn.
“Em thích sáo, đàn tranh, các nhạc cụ dân tộc nhưng hiện mới chỉ học được sáo, đàn tranh.
Nhạc thì cái gì cũng nghe, thích đọc sách (Hạt giống tâm hồn, Số đỏ, Chuyện con hủi, Cuốn theo chiều gió), thích xem hoạt hình…
Nấu ăn thì ổn, sở trường làm món ăn vặt, tráng miệng như caramen, bánh ga tô, bánh rán… em xem trên mạng thấy hay thì đều về làm được. Còn khi may vá thường dùng sức nhiều nên hay bị cong kim…”
Bích Hồng tập viết chữ nho.
Nếu gặp cô gái này ngoài đời, bất cứ chàng trai nào cũng dễ dàng bị mê hoặc bởi cách nói chuyện vô cùng dễ thương và trong sáng.
“Em thích 2 màu đen và trắng. Màu đen trộn với màu gì vẫn đen còn trắng là sự thuần khiết nhất, tác động gì vào cũng in hằn rõ rệt.
Tính em đa chiều, nắng mưa nên tùy hoàn cảnh mà thích các bộ trang phục khác nhau. Thường thì thích váy maxi dài vì thướt tha, không ai nghĩ mình học võ.
Còn bình thường thích trang phục gọn nhẹ. Gặp ai không tốt còn “xử lý” luôn để họ không bắt nạt người khác (cười).
Thích cún vì nó là loài vật tuyệt đối trung thành. Em thấy mình và cún có nhiều điểm tương đồng.
Món ưa thích là cơm, canh rau muống và thịt rang.
Nếu được tặng quà thì thích nhất 3 điều ước” – Hồng bật mí những sở thích rất đời thường của con gái.
Là con gái học võ nên Hồng bị không ít người chê nam tính, thậm chí có cả các lời nói ác ý. Để chứng minh mình là con gái và còn rất dịu dàng, Hồng đã quyết định học múa lụa.
Sau này, cô gái múa lụa rất giỏi, kết hợp với võ thuật càng đẹp mắt nên không còn “lời ra, tiếng vào” thêm nữa.
Bích Hồng tham gia Tìm kiếm tài năng Việt Nam (clip vòng Bán kết 2013)
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
Tình yêu đầu đời từ võ thuật
Yêu võ, luyện võ nên chuyện tình cảm nam nữ đầu tiên của Hồng cũng là với một… đấu thủ - người hiếm hoi có thể đánh bại cô gái này.
"Nhiều khi đi hẹn hò, anh ấy cua tay định nắm thì em dùng đòn võ chống lại, đôi khi đánh nhau giả vờ luôn. Đuổi nhau rồi thi thoảng đấu võ…
Kỉ niệm đẹp nhất là ở 1 cánh đồng, bọn em tập chạy nâng cao thể lực, rất vui. Anh ấy hát cho em nghe rồi em thì múa một bài dân ca.
Sau đó anh ấy đi công tác xa, em thì phải học, lớp 11, 12 nên cũng không nghĩ gì nhiều. Bây giờ vẫn chỉ là bạn bè” – Hồng tâm sự.
Đa tài, xinh đẹp nên Bích Hồng có rất nhiều người theo đuổi.
Giỏi võ nhưng với mẫu đàn ông yêu thích, Hồng không coi trọng phải tài năng giống mình. Cô hướng tới nhiều nhất cái tâm của một người đàn ông.
“Về tiêu chí chọn người yêu, tốt nhất đừng đẹp trai quá, vì đào hoa thì nhức đầu lắm.
Như thầy nói thì phải có tâm, tầm, tài.
Cái tài không thể hiện ở việc họ làm. Em thường bảo: “Đừng nói anh là ai, nhìn bạn bè anh thì tôi sẽ biết anh là ai. Đừng nói anh tài đến đâu, hãy cho tôi biết gia đình anh sống thế nào thì tôi sẽ biết anh tài ra sao”.
Không cần bạn trai phải biết võ nhưng cần khỏe mạnh, chạy bộ được, yêu thể thao. Em nghĩ ai gắn bó với thể thao sẽ yêu đời hơn, năng động hơn”.
Clip Bích Hồng so tài với địch thủ nam
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
Xinh xắn, tài năng, trong sáng và đặc biệt có duyên, thực tế Hồng có rất nhiều chàng trai theo đuổi. Nhưng rồi tất cả cứ… “bỏ của chạy lấy người” dần.
“Khi có ai đó tán tỉnh em đều nói: “Em đấm 2 tay lực như một, chân đá như quạt trần thì anh có yêu không?”
Có chàng thì cười, chàng thì bảo “dám” rồi em bảo thế đợi mấy năm nữa đi. Có chàng thì duy trì, chờ đợi, săn sóc nhưng rồi cũng dãn dần, dãn dần…”