Nick cũng đã sang Việt Nam với mục đích như thế để chứng minh cho thế giới rằng yếu kém về thể chất nhưng mạnh mẽ về tinh thần thì hơn đứt những con người thể chất khỏe khoắn nhưng tinh thần thì què cụt.
Những giọt nước mắt muộn màng của một cầu thủ Ninh Bình đã nhận án phạt từ VFF không khiến cho người hâm mộ có thể cảm thông hơn, trái lại, nó còn chứng tỏ bản lĩnh đàn ông bằng không của anh. Dám làm thì dám chịu.
Khi nhận những đồng tiền “bẩn” từ xã hội đen nhờ vào việc mua bán tỷ số, liệu tất cả 9 cái tên đã “dính bùn” ấy có nghĩ tới cảm giác của người hâm mộ, của xã hội và của chính gia đình mình đã đặt bao kỳ vọng và niềm tin hay không?
Nhưng điều tệ nhất mà chàng cầu thủ ấy đang làm với lương tâm của mình không phải việc bán độ, mà là mượn cảnh bố mẹ già ở quê nghèo để lấy lòng thương xót của dư luận.
Lấy sự đáng thương ra để biện hộ cho việc làm sai trái của mình, tự trọng người đàn ông để đâu?
Khóc lóc, cầu xin cho một việc sai trái đáng lý ra phải dám làm dám chịu, đại trượng phu không hành xử như thế.
Thanh niên sức dài vai rộng sao lại khốn khổ đến nỗi kêu than rằng “ngoài bóng đá ra em không biết làm gì”? Đường đời thênh thang, biển học bao la, cơ hội chia đều cho tất cả mọi người, chỉ cần chăm chỉ và tôn trọng chính bản thân mình.
30 năm sau cuộc chiến tranh và những đau thương cuối cùng, Việt Nam cũng mới chỉ đang dần phát triển và hội nhập. Người nghèo còn nhiều, người khuyết tật cũng vô số. Nhưng họ vẫn phải sống, lao động, bởi cuộc sống đủ khó khăn và phức tạp rồi, than thở đâu ích gì.
Họ đâu có cơ hội nào để lên báo chí kêu gọi lòng thương của số đông. Cầu thủ cũng chỉ là một nghề như bao nghề khác, chỉ có điều nó được quan tâm rộng rãi vì bóng đá là sở thích của công chúng.
Tuy nhiên, lấy danh cầu thủ để tự cho mình cầu xin cái đặc quyền được tha thứ từ việc làm cực kỳ sai trái thì chỉ chứng tỏ một sự thật rằng người đàn ông ấy thực sự què cụt về tinh thần.
Quốc Vượng từng bán độ, mà lại còn ở đội tuyển quốc gia. Sau đó anh phải ngồi tù và dần biến mất khỏi trí nhớ người hâm mộ cho tới khi trở lại hình ảnh một người đàn ông bình thường, làm nghề bốc vác cửu vạn để nuôi vợ con.
Khi đối diện sai lầm, Quốc Vượng chấp nhận bản án mà tòa án và cả cuộc đời dành cho anh để rồi âm thầm làm lại từ đầu. Đó cũng chính là lúc mà người hâm mộ Việt Nam lại dang rộng vòng tay để tha thứ cho những lỗi lầm của anh.
Một cầu thủ bán độ, hay bất kỳ người đàn ông nào khác, đã sai lầm thì hãy ráng chịu tất cả những hậu quả có thể đối mặt. Nếu ăn cướp, giết người rồi xin lỗi mà xong, thì người ta còn cần đến cảnh sát và pháp luật làm gì.
Đã bán độ rồi, thì đừng khóc!