Tính đến thời điểm hiện tại, Công Vinh vẫn được xem là ngôi sao bóng đá đắt giá nhất trong lịch sử. Chỉ tính riêng vụ CV9 lật kèo bầu Hiển, bỏ Hà Nội T&T về khoác áo CLB Hà Nội của bầu Kiên cũng có giá lót tay lên tới 13 tỷ đồng (thông tin mẹ Công Vinh từng thừa nhận trên một tờ báo).
Sau thương vụ “bom tấn” về B. Bình Dương, có thông tin Công Vinh cũng nhận được tròm trèm 10 tỷ, chỉ trong vòng 6 năm qua, tiền đạo xứ Nghệ đã đút túi số tiền kếch xù 30 tỷ đồng tiền lót tay, chưa kể lương thưởng và các hợp đồng quảng cáo.
Sau Công Vinh, Việt Thắng cũng là cái tên đình đám của bóng đá Việt về những vụ chuyển nhượng tiền tỷ. Năm 2010, Việt Thắng chuyển từ ĐTLA tới Ninh Bình và đút túi 9 tỷ đồng. Sau khi rời Ninh Bình về Bình Dương, cựu tiền đạo ĐT Việt Nam cũng bỏ túi thêm 8 tỷ.
Vũ Như Thành cũng là cái tên vừa nổi tiếng và cả tai tiếng liên quan tới bóng đá. Sự kiện bầu Trường từng mang cả bao tải tiền vào Bình Dương mua lại hợp đồng của trung vệ người Nam Định vẫn được xem là điển hình cho thời kỳ “giá trị cầu thủ Việt bị các ông bầu thổi lên mức trên trời”. Như Thành kiếm được rất nhiều tiền từ bóng đá, nhưng cũng chính những lùm xùm liên quan đến cá độ khiến ngôi sao một thời của hàng thủ ĐT Việt Nam đánh mất tất cả.
Ngân Hàng Đông Á là cái nôi của Huỳnh Quang Thanh, nhưng sự nghiệp của hậu vệ cánh sinh năm 84 chỉ thực sự bước sang nấc thang mới khi về Bình Dương. Trong 8 năm ở đất Thủ, Quang Thanh luôn là đội trưởng mẫu mực cả trên sân lẫn trong phòng thay đồ.
Quang Thanh kiếm được bao nhiêu tiền ở B. Bình Dương, đến nay đó vẫn là câu hỏi chưa có đáp án. Nhưng không ít người trong cuộc cho rằng, Quang Thanh có thể kiếm được cỡ 18 tỷ ở sân Gò Đậu. Vì một hậu vệ như Chí Công còn nhận được phí lót tay 9 tỷ đồng/3 năm thì Quang Thanh Phải nhận được gấp đôi con số đó sau 8 năm cống hiến.
Một cầu thủ khác cũng được định giá rất cao là Lê Phước Tứ. Sau thành công vang dội ở AFF Cup 2008, trung vệ sinh năm 1984 cũng được săn đón nhiều nhất trên thị trường chuyển nhượng sau khi anh ra quân năm 2010 và thoát khỏi mọi ràng buộc với Thể Công. Năm 2011, bầu Thụy đã chi tới hơn 10 tỷ đồng để đưa Phước Tứ về Sài Gòn Xuân Thành.
Năm 2014, Phước Tứ đầu quân cho Ninh Bình với mức phí lót tay khoảng 6 tỷ/3 năm. Sau vụ án bán độ tại AFC Cup, đội bóng cố đô Hoa Lư giải thể, trung vệ gốc Quảng Nam ngay lập tức được mời về Bình Dương với mức phí tương đương kèm chế độ lương, thưởng hậu hĩnh.
Trở lại với câu chuyện của Công Phượng, thủ quân của U19 Việt Nam vừa được đồn đoán rằng có mức phí chuyển nhượng lên tới 3-4 triệu USD, tương đương khoảng 84 tỷ đồng. Nếu thông tin này là sự thật, rõ ràng ngay cả những đàn anh ngôi sao như Công Vinh, Như Thành hay Việt Thắng cũng chạy dài theo Công Phượng.
Nhưng có lẽ phần lớn người hâm mộ Việt Nam đều cho rằng con số này được đưa ra chỉ để… cho vui. Cần biết rằng, tài năng của Công Phượng mới chỉ bó hẹp ở Học viện HAGL và vài giải đấu trẻ mang tính giao hữu cọ xát. Trong khi đó, Công Vinh, Như Thành, Việt Thắng đều là những ngôi sao dày dạn trận mạc, tài năng và giá trị đã được ghi nhận ở V-League, giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam.
Tổng hợp