Đấy là thế hệ của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều…, lứa cầu thủ đầu tiên xuất xưởng của Học viện HAGL Arsenal JMG, cộng với một vài vệ tinh từ các lò đào tạo khác như Viettel, Hà Nội T&T...
Họ chơi bóng đập nhả ở cự ly ngắn cực tốt, thậm chí có thể không thua các đàn anh, nếu được trao cơ hội. Từ thất bại 0-6 của lứa U19 gần nhất, đến việc ĐTQG thua tan nát trước Thái Lan, chúng ta đâm nhớ họ.
Trong khuôn khổ các giải bóng đá trẻ, chỉ trong vòng hơn hơn một năm, từ giải U19 Đông Nam Á 2013 (Indonesia), đến giải U22 Đông Nam Á – Cúp Nhà Vua Brunei (8/2010) và giải U21 quốc tế - Cúp Báo Thanh Niên (10/2014), các đội tuyển trẻ Việt Nam đã 3 lần vượt qua Thái Lan.
Lần đầu tiên, chúng ta ngược dòng thắng 3-2 ở vòng bảng giải U19, lần thứ 2 thắng 1-0 tại bán kết giải U22 và cuối cùng thắng 3-0 giải U21.
Trên thực tế, cả 3 đội tuyển đại diện này gần như là 1 và cùng được dẫn dắt bởi HLV Guillaume Graechen (cũng là người của Học viện HAGL).
Thế nên, các chiến thắng ở các cấp độ khác nhau nhưng vẫn rất sướng khi bại quân là Thái Lan, dù rằng có thể, cả U19 Thái Lan đến Brunei và U21 Thái Lan dự giải quốc tế Báo Thanh Niên đều không phải là tập hợp lực lượng mạnh nhất của họ ở độ tuổi ấy.
Tại các trận chung kết đi và về AFF Cup 2008, đội tuyển Việt Nam sở hữu binh hùng tướng mạnh đã giành chiến thắng chung cuộc 3-2, nhưng dấu ấn của phù thuỷ Henrique Calisto vẫn rất đậm nét, với lối chơi phòng ngự phản công sở trường.
Chúng ta ca ngợi chiến thắng của đội nhà, nhưng không có nghĩa là phủ nhận sức mạnh của người Thái, dù đấy là thời điểm bắt đầu cho cuộc khủng hoảng kéo dài của họ.
Bóng đá giống nhau về bản chất, về luật chơi, khác biệt lớn nhất nằm ở đẳng cấp chơi bóng và tầm vóc của các giải đấu.
Không thể so sánh sân chơi dành cho các lứa tuổi U, với sàn diễn đỉnh cao của ĐTQG, ngay một đội tuyển trẻ khi phát triển lên tầm cao cũng không chắc còn lại mấy người.
Nhưng sự thật là với lứa của Công Phượng, Tuấn Anh…, lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá Việt Nam “dắt mũi” được Thái Lan.
Các đội bóng dưới thời HLV Guillaume Graechen (tất nhiên là không bao gồm đội 1 HAGL đá V-League 2015) thực sự chơi trên cơ Thái Lan ở cả 3 trận mà chúng ta đều giành chiến thắng chung cuộc, như đã nhắc ở trên.
Họ cầm bóng và chơi bóng mặt đất rất đĩnh đạc, buộc người Thái phải đuổi theo bóng và thậm chí phải nổi nóng, biểu hiện vốn dĩ không phải là thuộc tính của bóng đá Thái Lan, để rồi ngậm ngùi thua trận.
Tuy nhiên, đúng là hoạ từ phúc mà có. Chiến thắng 3-0 trước U21 Thái Lan ở chung kết giải U21 quốc tế - Cúp Báo Thanh Niên, vốn dĩ là một giải giao hữu dành cho bóng đá trẻ, đã đẩy tham vọng của bầu Đức đi quá xa so với thực tế.
Thêm hiệu ứng từ truyền thông, bầu Đức quyết định đôn những người trẻ lên chơi V-League, để rồi phải đón nhận thất bại, khiến những nghi ngờ về năng lực của người trẻ càng tăng cao.
HLV Miura đã bỏ qua phần lớn số cầu thủ này tại SEA Games 28, rất khác so với kế hoạch ban đầu của Thường trực VFF cũng như bầu Đức và tại chiến dịch vòng loại U23 châu Á 2016 cũng thế.
Nếu HLV trưởng người Nhật Bản tiếp tục được giữ lại ở VCK U23 châu Á tại Qatar vào tháng 1/2016 tới đây, có thể ông sẽ vẫn giữ quan điểm này và cơ hội cho lứa của Công Phượng đương nhiên bị giảm thiểu. Điều đó là rất đáng tiếc.
Mà tính ra, quan điểm làm chiến thuật của HLV Miura là gì, cho đến thời điểm này nhiều chuyên gia gạo cội, thậm chí là không ít các học trò của ông cũng chưa đoán được, chứ đừng nói người ngoài hay dân ngoại đạo.
Cứ cao, to, khoẻ và vào được nhiều vai là lên ĐTQG?!