Có nên “cấp phép” cho bầu Đức thành lập tuyển U.21 VN?

Nguyên An |

Bóng đá Singapore có đến 2 đội tuyển Young Lions và Malaysia cũng có đến 2 đội tuyển U.23 Malaysia. Tại sao Việt Nam lại không thể thành lập một đội tuyển U.21 quốc gia thường trực với nòng cốt là dàn cầu thủ HAGL JMG?

Cơ hội để nâng cấp lứa cầu thủ HAGL JMG

Kế hoạch và ý định sử dụng nhân lực ở tuyển U.23 VN của HLV Miura là sẽ sử dụng tối đa số cầu thủ sinh từ năm 1992 đổ lại để thi đấu tại SEA Games 28 đã rõ ràng.

Dàn cầu thủ U.19 VN năm 2014 với nòng cốt đến từ Học viện HAGL JMG chỉ còn là thành tố phụ chứ không còn đóng vai trò chủ đạo.

Vậy vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để tiếp tục duy trì và nâng cấp lứa cầu thủ U.19 VN 2014 hay đúng hơn là dàn cầu thủ khóa 1 và 2 của Học viện HAGL JMG cộng với lực lượng bổ sung từ CLB khác?

Nếu coi công việc duy trì phong cách HAGL JMG là câu chuyện riêng của bầu Đức như quan điểm của HLV Vương Tiến Dũng th chẳng có gì phải đem ra phân tích.

Việc duy trì một lực lượng hỗn hợp gồm 50% cầu thủ HAGL JMG + 50% cầu thủ CLB khác đem lại hai yếu tố tích cực cho BĐVN trong tương lai.

Tai sao khong cap phep cho bau Duc thanh lap tuyen U.21 VN

Bầu Đức đã đầu tư mạnh cho tuyển U.19 VN trong năm 2014 với lực lượng hỗn hợp bằng những chuyến tập huấn dài hạn ở châu Âu

Thứ nhất, vẫn duy trì được một bản sắc, lối đá Học viện HAGL JMG trước đó người hâm mộ VN chỉ thấy khi “xem bóng đá ngoại ti-vi”.

Hạt mầm HAGL JMG là thứ hạt giống vô cùng quý giá vì nó được nảy sinh từ một sự đầu tư chuyên nghiệp, bài bản của bầu Đức với công nghệ, chất xám nước ngoài mà BĐVN chưa từng có.

Hạt mầm này khi đã nảy nở cần được chăm sóc để phát triển vì đó không còn là chuyện riêng của bầu Đức nữa.

Thứ hai, sự bổ sung nhân tố đến từ CLB khác sẽ khắc phục các điểm yếu còn tồn tại của lò HAGL JMG như ở hàng phòng thủ hay tính thực dụng trong thi đấu.

Cầu thủ đến từ CLB khác khi được trộn chung một đội tuyển chính họ cũng học được phong cách chơi HAGL JMG để tạo nên một sự thống nhất mà không hề có sự gượng ép như các trường hợp của Phan Văn Long (SHB.ĐN), Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy (HN T&T), Tuấn Tài (SLNA), Tiến Dũng (Viettel), Xuân Hưng (Thanh Hóa).

Ở chiều ngược lại, ai cũng thấy những cầu thủ HAGL JMG như Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Sơn, Văn Thanh lại vô cùng vất vả khi phải thích nghi với chiến thuật của HLV Miura ở tuyển U.23 VN.

Không nhốt hết gà trong một cái chuồng

BĐVN lâu nay mắc “bệnh thành tích” rất nặng nên nên thường làm theo kiểu ngắt ngọn, cứ dồn tất cả những gì tối ưu nhất cho một đội tuyển QG.

Công việc này tạo ra nhiều áp lực cho các HLV nắm đội tuyển cũng như thiếu kế hoạch bồi dưỡng cho mục tiêu dài hạn.

Chẳng hạn như kỳ SEA Games 28 sắp tới khi chỉ tiêu “chí ít vào chung kết” được Tổng cục TDTT đưa xuống thì VFF vội vã chạy theo và HLV Miura cứ vậy thi hành.

Vậy là tất cả tinh lực đều dồn hết vào tuyển U.23 VN, kể cả ĐTQG đá vòng loại World Cup cũng trở thành thứ yếu còn nói gì đến chuyện đầu tư dài hơi cho lứa U.19 VN 2014 để đá được đến kỳ SEA Games 29 (2017) như kế hoạch ban đầu.

Hơn 10 năm qua, BĐVN không thiếu những lần vào chung kết SEA Games như năm 2003, 2005, 2009 còn việc vào bán kết thì “đều như cơm bữa” với các HLV ngoại, phải tệ lắm với bị loại từ vòng ngoài với HLV nội Hoàng Văn Phúc (2013).

Vậy sau khi đạt mục tiêu “vào chung kết” đó BĐVN tiến lên hay thụt lùi?

Cách làm theo kiểu cứ có bao nhiêu gà nòi nhốt hết vào một chuồng khiến BĐVN loanh quanh rồi cũng về lại vạch xuất phát, đã đến lúc cần phải thay đổi.

Việt Nam nên học hỏi cách phân phối lực lượng cho mục tiêu ngắn- dài hạn khác nhau như các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore đã làm nhiều năm qua.

Tai sao khong cap phep cho bau Duc thanh lap tuyen U.21 VN

HLV Ong Kim Swee chỉ đạo tuyển U.23 Malaysia và đây sẽ là đội bóng đá SEA Games 28, khác với U.23 Malaysia thua U.23 VN ở vòng loại U.23 châu Á

Singapore là nền bóng thiếu nhân lực trẻ nghiêm trọng, chất lượng thua xa Việt Nam nhưng vẫn mạnh dạn đầu tư được 2 tuyển là Lions XII (tương đương U.23 +3) thi đấu ở giải Malaysian League và tuyển Court Young Lions (U.23) đá ở S.League.

Dù có 2 đội tuyển trẻ đang đá như vậy nhưng 8 năm qua năm nào U.21 Singapore cũng đều đặn tham gia giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên.

Malaysia đang duy trì là có 2 tuyển U.23 mang tên Harimau Muda A và Harimau Muda B được HLV Ong Kim Swee và Razip Ismail dẫn dắt để phục vụ cho 2 giải đấu khác nhau.

Tuyển U.21 Malaysia cũng là khách mới chất lượng của giải U.21 Báo Thanh Niên.

Bóng đá Thái Lan thì không duy trì 2 đội tuyển trẻ thường xuyên như Singapore, Malaysia nhưng họ luôn phân bố lực lượng theo kiểu tuy cùng mang tên U.23 nhưng phân cấp theo năm sinh (U.20 hay U.23) để phục vụ cho nhiều mục tiêu hay để tham dự các giải đấu trẻ.

Đối với BĐVN việc phân bố lực lượng như thế nào để hợp lý cho mục tiêu ngắn-dài là việc giữa các nhà quản lý VFF và các ông chủ CLB như bầu Đức và có lò khác nhằm tạo ra nhiều tuyển trẻ khác nhau.

Tại sao lại không thể cấp “cô-ta” cho bầu Đức để thành lập một đội tuyển U.21 Việt Nam?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại