Quang cảnh thảm họa trên sân Port Said.
Hôm qua hàng nghìn cổ động viên của Al-Ahly mặc áo truyền thống của đội và cầm cờ tổ quốc đã tuần hành dọc các tuyến phố từ trụ sở câu lạc bộ đến Quảng trường Tahrir ở Cairo. Hình ảnh này gợi nhớ về làn sóng biểu tình lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak hồi cuối năm ngoái.
"Đây không phải là tai nạn thể thao, đây là cuộc tàn sát của quân đội", những người biểu tình hô vang. Một số nguồn tin không chính thức cho rằng vụ việc vừa qua có động cơ chính trị.
Phần lớn các cổ động viên của Al-Ahly là những người rất tích cực trong cuộc biểu tình lật đổ Mubarak. Và nhiều cáo buộc cho rằng vụ bạo loạn xảy ra theo một kịch bản của Muslim Brotherhood - một tổ chức chính trị lớn ở Ai Cập và có tư tưởng ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mubarak.
Trước đó, trận đấu trong khuôn khổ giải vô địch quốc gia Ai Cập hôm giữa tuần qua giữa chủ nhà Al-Masry và Al-Ahly đã biến thành thảm kịch. Ngay sau khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu với phần thắng 3-1 nghiêng về Al-Masry, hàng ngàn cổ động viên chủ nhà đã tràn xuống sân. Trong khi một số nhỏ vui mừng với chiến thắng, số đông còn lại truy đuổi, tấn công các cổ động viên và cầu thủ Al-Ahly. Theo thống kê, đã có 74 người chết và hàng trăm người khác bị thương.
Al-Masry và Al-Ahly là hai đội bóng đối địch, từng có nhiều thù hằn trong quá khứ, dẫn tới nhiều lần đụng độ giữa CĐV hai bên trong vài năm gần đây.
Hôm qua chính phủ Ai Cập, đứng đầu là Thủ tướng Kamal al-Ganzuri, đã sa thải các quan chức đứng đầu Liên đoàn bóng đá nước này. Ông Ganzuri cũng yêu cầu sa thải ban quản lý và người đứng đầu bộ phân an ninh của sân Port Said.
Theo Dân Trí