Clip "nhạy cảm" và chuyện Hữu Thắng nói một đằng, làm một nẻo

Ngô Trà |

Có một đoạn clip “nóng” đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt trong giới cầu thủ. Và hệ lụy từ nó là rất khó lường.

1. Đoạn clip ghi lại bài thuyết giảng của ông Nguyễn Hải Hường - trưởng Ban kỷ luật VFF khi có mặt ở Thanh Hóa để giảng giải, phân tích và “dạy” các đội bóng về luật, cũng như ý thức về việc tuân thủ luật chơi nhân giải đấu tập huấn tại đây.

Trong đó, ông Hải Hường có những tâm sự rất đời thường và “trần trụi” về sức ép dành cho trọng tài khi phải cầm còi trên những sân “nóng” ở V-League.

Theo đó, giới trọng tài ngoài việc “bắt cho đúng”, còn phải tự biết cách bảo vệ mình trước các cổ động viên “nóng hơn lửa” của các đội chủ nhà.

Buổi "thuyết giảng" của ông Nguyễn Hải Hường

Chắc hẳn chẳng phải tình cờ mà đoạn clip kia được tung ra ngay sau vụ Văn Quyết lĩnh án phạt “nặng”. Bởi ngay trước hành động dại dột của cầu thủ này là tình huống “nhạy cảm”, khi đội khách đòi một quả penalty từ tình huống bóng chạm tay cầu thủ chủ nhà.

Chắp nối đoạn clip này, với việc các cầu thủ Hà Nội T&T phản ứng trọng tài, rồi Văn Quyết “giận quá mất khôn” là một sự định hướng khá thông minh. Nhưng liệu có công bằng?

Chẳng phải chỉ ở Việt Nam, bóng đá trên toàn thế giới đều phải chấp nhận tình trạng này. Cái danh xưng “cầu thủ thứ 12” mà người ta dành cho cổ động viên chẳng phải là tự nhiên mà có.

Cũng như những sai sót mang tính con người của trọng tài, nó góp phần tạo nên sự kịch tính cũng rất con người cho môn thể thao hấp dẫn nhất hành tinh.

Tất nhiên, mọi thứ phải nằm trong giới hạn cho phép. Như cái ví dụ ông Hải Hường nêu ra trong đoạn clip: "Vẫn cho hai đội đá tiếp, sau đấy mới xử Thanh Hóa thua 3-0".

Bóng đá vốn tựa như tình yêu, khi nhiều người dành tình cảm cho một cô gái, ắt lợi thế thuộc về cô gái ấy.

Cũng như những đội bóng có nhiều cổ động viên, ắt hẳn sẽ có được đôi chút lợi thế, nhất là trên sân nhà. Ít ra là về tâm lý, quá nữa thì sự ưu ái chút đỉnh của trọng tài.


Không chỉ làm mưa làm gió trên sân nhà, CĐV của SLNA còn lấn át cả trên sân khách

Không chỉ "làm mưa làm gió" trên sân nhà, CĐV của SLNA còn lấn át cả trên sân khách

Bóng đá vốn tựa như tình yêu. Có những tình yêu “thanh mai trúc mã”, như những người sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ dành tình yêu cho Sông Lam Nghệ An chẳng hạn.

Cũng có trường hợp như người Hà Nội một thời chia làm đôi, dành tình yêu cho Thể Công và Công an Hà Nội, người Sài Gòn dành tình yêu cho Cảng Sài Gòn hay Hải Quan.

Kiểu tình yêu dành cho cô láng giềng xinh xắn, mỏng mày hay hạt, hoặc cô láng giềng khác, đôi khi chỉ vì một chút duyên thầm…

2. Nhưng cũng có những cô gái kém được quan tâm, chẳng phải vì kém xinh, mà đôi khi chỉ là kém duyên, hoặc “sinh bất phùng thời”.

Hà Nội T&T bây giờ có lẽ chỉ mong một phần nhỏ tình yêu được dành cho Công an Hà Nội một thời cũng đã cảm thấy quá đỗi may mắn.

Cũng vì “không được yêu” mà CLB Hà Nội phải “bán xới”, tìm đường Nam tiến. Nhưng liệu họ có chiếm được tình cảm của người hâm mộ Sài Thành khi gắn lên mình cái tên mới: CLB TP.HCM?

Tình yêu mà người hâm mộ cả nước dành cho lứa cầu thủ trẻ của HAGL là tình yêu của người yêu bóng đá với bóng đá đẹp. Cũng như phụ nữ đẹp, bóng đá đẹp luôn xứng đáng được tôn vinh và dành tình cảm.

Nhưng bóng đá, cũng như phụ nữ, không phải cứ muốn đẹp là đẹp được ngay. Chẳng phải cứ muốn là xây dựng được ngay một Barca như hiện tại, hay một Ajax những năm 90 của thế kỷ trước.

Ngay cả Sir Alex, một thời từng mua rất nhiều cầu thủ Nam Mỹ để tạo nên một Man United với lối đá đẹp đúng nghĩa, kế cận cho lứa cầu thủ 1992, nhưng thất bại thảm hại vì nhiều lý do.

Quay lại với câu chuyện của bóng đá Việt Nam. Ngay khi ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG, Hữu Thắng lập tức tuyên bố định hướng xây dựng lối chơi tấn công đẹp mắt.

Đấy là phát ngôn cực kỳ thông minh. Nên nhớ, người hâm mộ Việt Nam vừa mới "phát cuồng" với lối đá na ná tiki-taka của lứa trẻ HAGL, lại rơi tõm vào thất vọng với lối chơi “phản bóng đá” của HLV Miura. Đấy cũng là lý do khiến ông phải “khăn gói về quê”.

Ở thời điểm này, ném cho người hâm mộ “cái phao” bóng đá đẹp, quả là sáng suốt. Nhưng nói là một chuyện, làm được không thì lại là chuyện hoàn toàn khác.


Hãy nhớ người Thái đã dạy chúng ta chơi bóng đá thế nào ngay trên sân Mỹ Đình

Hãy nhớ người Thái đã dạy chúng ta chơi bóng đá thế nào ngay trên sân Mỹ Đình

Hữu Thắng, cũng như tất cả các chuyên gia bóng đá hàng đầu đều biết rằng đấy là điều bất khả thi. Thể lực, ý thức là điều cực khó thay đổi ở cầu thủ Việt.

Thậm chí cái người ta hay tự hào rằng cầu thủ chúng ta rất khéo léo, kỹ thuật cũng là câu chuyện “tự sướng” nốt.

Hãy nhìn tiki-taka của HAGL “ngã sấp mặt” thế nào ở đấu trường V-League, với lối chơi “ném bóng vào ngực ngoại binh” của các đối thủ. Hãy nhìn người Thái dạy chúng ta chơi đập nhả một chạm ngay trên sân Mỹ Đình mà quay trở lại thực tế.

Có hai điều khiến người hâm mộ hài lòng tuyệt đối: thành tích và đá đẹp mắt. Nếu chỉ được chọn một trong hai, hãy nhìn gương HAGL nếu có ý định chọn lối đá tấn công đẹp mắt.

Cứ nói cho người hâm mộ những điều mà họ muốn nghe, nhưng hãy làm những gì mình cho là đúng, Hữu Thắng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại