Chính sự vội vã, hấp tấp nhưng vô trách nhiệm của những người làm bóng đá theo kiểu “có tiền mua tiên cũng được” đang đẩy bóng đá Việt Nam vào một tình huống chẳng giống ai trên thế giới này.
Bóng đá Khánh Hòa có lẽ là đau đớn nhất trong hoàn cảnh hiện nay khi cả thầy lẫn trò vừa trở về từ Thái Lan sau kỳ AFF Cup "bết bát" cùng ĐT Việt Nam, thì nhận ngay hung tin đội bóng đã bị bán.
Khánh Hòa lâu nay - từ thời bóng đá bao cấp cho đến bán chuyên thì dù có khó khăn đến đâu, những người làm bóng đá phố biển luôn tìm cách để đội bóng tồn tại.
Dù có chết với cái danh xưng “Vua trụ hạng” thì họ vẫn là một đội bóng có tính truyền thống kế thừa thuộc loại tốt nhất Việt Nam. Sau khi chuyển qua cơ chế xã hội hóa, chỉ mỗi cái tên Khatoco được gắn thêm suốt mấy năm qua.
Ấy thế mà bỗng dưng tất cả đều choáng váng với quyết định bán hẳn đội bóng cho Hải Phòng đồng nghĩa với cả suất V-League 2013. Coi như bấy nhiều năm bóng đá Phú Khánh rồi Khánh Hòa đã tan thành mây khói.
N. Sài Gòn (đỏ) đã bị dễ dàng giải thể. Ảnh: Thái Tuấn
Đến Sài Gòn Xuân Thành, tưởng chừng là đại diện một thành phố lớn sẽ khác, ai ngờ còn tệ hơn. Bầu Thụy nổi tiếng chịu chơi và chịu chi bỏ hơn trăm tỷ mua quân xịn, “hàng hiệu” với quan điểm “làm đội bóng cho người Sài Gòn”.
Năm sau thăng hạng thì ngay lập tức đổi tên Sài Gòn FC, bán cổ phần cho đối tác là Bóng đá TV. Chưa đầy tháng, khi mà màn Gala ra mắt vẫn còn nóng hổi, bầu Thụy lại tuyên bố không đổi nữa, vẫn là Sài Gòn Xuân Thành.
Và bây giờ, khi chuẩn bị cho mùa thứ ba thì lại tiếp tục đổi thành Xi măng Xuân Thành Sài Gòn và ông bầu mới là em của bầu Thụy, bầu Thủy. Ba năm, đổi 3 lần tên và 2 lần chủ thì quả thật khó đỡ với kiểu làm “chụp giật” của bóng đá Việt Nam.
Kể ra thì còn nào có thêm Navibank Sài Gòn, Hà Nội ACB (cả hai đã giải thể), SHB Đà Nẵng, T&T Hà Nội, TĐCS Đồng Tháp….Dù vấn đề ghép tên đã được đặt ra không ít lần bởi giới truyền thông và cả trong nhiều cuộc hội thảo, hội nghị nhưng đâu vẫn hoàn đấy.
Không cần nhìn quá xa ở tận xứ sở sương mù với Manchester United, Man City hay Chelsea. Chỉ cần là Thai - League cũng thấy chúng ta thua xa họ trong khoản tạo cái tên truyền thống cho CLB.
Hiện Thai - League có 18 đội bóng, ngoại trừ 3 đội mang tên đơn vị sở hữu là Muangthong UTD (thuộc Bangkok Land), BEC Tero Sasana (tập đoàn Siam sport) và TOT (tập đoàn điện thoại Thái) thì các CLB còn lại đều đại diện cho một tỉnh, thành hoặc một ngành của Thái Lan.
Chẳng hạn, Chonburi FC (thuộc tỉnh Chonburi), Buriram FC (tỉnh Buriram), Bangkok UTD, Bangkok Glass hay Bangkok FC đều thuộc TP Bangkok hay Army UTD (Quân Đội), Police UTD (Cảnh sát)….
Kể cả hạng Nhất cũng không khác gì và trong suốt bao nhiêu năm qua, những tên gọi này không hề thay đổi cho dù nó có đổi không biết bao đời người điều hành, quản lý đội bóng.
Ngay như một CLB giàu có như Muangthong với mức tài trợ rất lớn từ Yamaha để xây hẳn một sân vận động mang tên Yamaha Stadium thì cái thương hiệu Yamaha cũng không bao giờ được đặt đứng cùng đội bóng, Muangthong vẫn là Muangthong.
Cách nhận diện một CLB Thái còn nằm ở logo và hình ảnh đại diện của họ, như Chonburi là chú cá mập, Muangthong là đôi kỳ lân….và bất di bất dịch, không bao giờ thay đổi.
Ở Thái, ngay như các đơn vị sở hữu đội bóng, dù là ban ngành hay các tập đoàn đều làm bóng đá một cách nghiêm túc và luôn một quan điểm trước sau không thay đổi.
Đội bóng được bán với hình thức bán cổ phần và nhượng quyền quản trị chứ trong luật không cho mua đứt bán đoạn và ông chủ mới muốn làm gì thì làm.
Cái tên vẫn phải giữ nguyên vẹn. Đó là sự tôn trọng khán giả, người hâm mộ, những người luôn yêu và ủng hộ, thậm chí là “nuôi” (mua vé, mua quần áo, vật dụng) cái tên mà họ yêu thích.
Sự ổn định của một nền bóng đá được gọi là phát triển chính là sự ổn định của từng thành viên chính là các đội bóng tham gia trong giải đấu mà nền bóng đá đó xây dựng nên.
Thế thì, với sự mua bán, cho tặng, đổi họ thay tên diễn ra liên tục từ mùa này qua mùa khác như một cái chợ của các CLB tại Việt Nam, chúng ta có nên vui mừng cho cái gọi là “Giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á” hay không?